Chân dung tinh thần doanh nhân Việt

VN đã trải qua 2 cuộc chiến tranh tàn phá, và bắt đầu xây dựng đất nước từ đổ nát của chiến tranh. Từ lịch sử đó, các thế hệ VN và doanh nhân VN được kết thừa tinh thần bất khuất, tự cường của dân tộc, của cha ông, những người không bao giờ chịu khuất phục, luôn tranh đấu đến cùng, vươn lên không ngừng để vượt qua gian khó. Cho nên khi nói đến tinh thần doanh nhân VN là nói đến ý chí vươn lên, sự bền bỉ, động lực phấn đấu, sẵn sàng đương đầu với rủi ro và vượt qua khó khăn thách thức của điều kiện và bối cảnh thị trường.

Doanh nhân là một nghề đòi hỏi rất nhiều tố chất và bản lĩnh mà không phải ai cũng có thể dấn thân, theo đuổi và thành công. Ảnh: Internet

Và trong những phẩm tố đó, điều đầu tiên và tiên quyết để doanh nhân khởi sự chính là tinh thần doanh nhân có hoài bão, đam mê, khát vọng và ý chí vượt qua khó khăn thử thách.

Thực tế ở VN cho thấy trong khoảng thời gian 5 năm trở lại đây, khi nền kinh tế VN gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn, dòng tiền, tiêu dùng giảm sút, mặc dù có những DN khó khăn, thế nhưng trong hoàn cảnh ấy, số lượng DN quay trở lại hoạt động và thành lập mới vẫn không ngừng gia tăng, một bộ phận không nhỏ các DN vẫn tiếp tục đầu tư phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh, biến thách thức thành cơ hội.

Tuy nhiên, chỉ có tinh thần doanh nhân kiên cường như vậy thì chưa đủ.

Phải thừa nhận rằng nhìn chung đúng là doanh nhân VN chưa đi vào quỹ đạo quốc tế. Từ cơ chế kinh tế bao cấp, VN đã và đang tiếp tục quá trình chuyển đổi mô hình và tái cấu trúc nền kinh tế. Đội ngũ doanh nhân của ta với 30 năm phát triển so với lịch sử phát triển của doanh nhân thế giới thực chất còn non trẻ. Trong điều kiện đó thì thời kì phát triển quá độ có rất nhiều đặc thù và khó khăn, bất lợi cản trở quá trình VN kết nối và hội nhập với thế giới.

Hiện nay có rất ít doanh nhân, DN có khả năng cạnh tranh sòng phẳng trên trường quốc tế, hoặc cạnh tranh với DN “ngoại” trong thị trường nội địa. Trải qua khủng hoảng kinh tế cũng có rất nhiều những DN đổ vỡ. Đó là vì môi trường kinh doanh của chúng ta chưa hoàn thiện, trong khi đó các DN của ta hiện nay chưa chủ động “bay” vào quỹ đạo quốc tế. Chuẩn mực quản trị DN chưa được coi trọng. Hầu hết các chuẩn mực và nguyên tắc quản trị DN chỉ được tuân thủ một phần hoặc chưa được tuân thủ.

Cuộc khủng hoảng kinh tế của Việt nam có thể nói cũng là một bài học đối với các DN và nâng cao nhận thức của DN và doanh nhân về tầm quan trọng của công tác quản trị DN và thấy được sự cần thiết thay đổi hệ thống quản trị DN. Không thay đổi thì tất yếu sẽ bị đào thải, đặc biệt là trong quá trình hội nhập nơi mà cạnh tranh “nội” và “ngoại” ngày càng gia tăng.

Đặc biệt, khi DN VN muốn vươn ra thị trường nước ngoài, thì lại càng phải được chuẩn bị hành trang cho sự hội nhập đó, bắt buộc phải đáp ứng được các yêu cầu chuẩn mực quốc tế từ báo cáo tài chính đến quản trị Cty, một là vì chính sự phát triển bền vững của DN mình, hai là mới có thể xây dựng được niềm tin cho nhà đầu tư, cổ đông, khách hàng, nâng cao tiềm lực và khả năng cạnh tranh của DN.

Những yếu tố cần cải thiện

Theo định hướng kinh tế mới, VN đang ngày càng hội nhập sâu rộng hơn với kinh tế thế giới như gia nhập WTO, các hiệp định thương mại khu vực và quốc tế, do vậy việc DN VN tham gia vào sân chơi quốc tế là không thể lùi và không thể dừng mà phải tiến.

Nhà nước hỗ trợ DN thực hiện chuyển đổi theo lộ trình từng bước và có giải pháp cụ thể. Ảnh: Internet

Để không đứng ngoài thì chúng ta cần phải có sự chuẩn bị tốt, cả về phía các nhà quản lý lẫn DN. Các nhà hoạch định chính sách hiểu luật chơi quốc tế, và áp luật chơi quốc tế cho doanh nhân nước nhà: tạo ra môi trường pháp lý, các quy định và luật lệ có đầy đủ hướng dẫn cho các vấn đề về quản trị công ty, tạo môi trường bình đẳng kinh doanh, cạnh tranh giữa các thành phần kinh tế, tái điều tiết DN, tuân thủ các chuẩn mực quốc tế trong quản trị điều hành, kinh doanh ví như chuẩn mực quản trị Sarbanes-Oxley, báo cáo tài chính quốc tế IFRS… Trong khi đó thì các DN cũng không nên chờ đợi mà cần chủ động hơn để tiếp cận các thông tin và áp dụng các mô hình quản trị DN tiên tiến, tuân thủ và hướng tới các chuẩn mực điều hành quốc tế.

Chúng ta cần phải có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng mội môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch hỗ trợ cho sự phát triển bền vững cho doanh nhân, DN và cho xã hội. Đó là nơi niềm tin và sự tin cậy ngày càng được củng cố, đồng thời tạo điều kiện để khai thác và phát triển tài năng ở mọi hình thức và khuyến khích tăng cường hợp tác. DN phát triển bền vững, mở ra thêm cơ hội việc làm, chi tiêu tăng, các DN gia tăng đầu tư xây dựng công cộng.

Lam Trung