Khu phố cổ Hà Nội là yếu tố quan trọng để nhận diện bản sắc văn hóa đô thị của Hà Nội

Theo đánh giá của các nhà khoa học tại hội thảo “Bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản khu phố cổ trong tiến trình phát triển Thăng Long – Hà Nội” diễn ra mới đây, tất cả các nghiên cứu trước đây đều khẳng định rằng các giá trị của khu phố cổ Hà Nội là yếu tố quan trọng để nhận diện bản sắc văn hóa đô thị của Hà Nội. Các giá trị này không chỉ là những di tích, ngôi nhà cổ với những đặc thù về quy hoạch, xây dựng, kiến trúc, với những dấu tích lịch sử mà còn là những giá trị văn hóa tồn tại bên trong từng ngôi nhà, từng gia đình, từng con người thông qua những nét sinh hoạt thường nhật, những hoạt động ẩm thực, lễ hội…

PGS.TS.KTS Nguyễn Trúc Anh – GĐ Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội đã có ý kiến đề xuất về những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng không gian, kiến trúc cảnh quan khu phố cổ Hà Nội, góp phần nâng tầm vị thế di sản khu phố cổ. Theo đó, cần khai thác hiệu quả giá trị kiến trúc khu phố cổ như là một sản phẩm du lịch đặc thù có tính cạnh tranh cao. Cùng với nét văn hóa và ẩm thực xứ Bắc thì quy hoạch kiến trúc khu phố cổ có ảnh hưởng lớn đến hoạt động du lịch Thủ đô. Nhiều du khách nước ngoài thích thuê khách sạn mini ở khu phố cổ giữa lòng Hà Nội, mặc dù có thể giá phòng cao hơn và tiện nghi không sang trọng bằng các khách sạn lớn nơi khác nhưng họ có cơ hội được tiếp xúc trực tiếp và tìm hiểu văn hóa, tính cách của người Hà Nội. Họ có thể đi bộ hoặc ngồi xích lô dạo quanh khu phố cổ để chiêm ngưỡng những nét kiến trúc cổ kính, nét văn hóa đặc trưng của Hà Nội.

Còn theo KTS. Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 1259/QĐ-TTg, Thủ đô Hà Nội sẽ được phát triển trên nguyên tắc xuyên suốt là hài hòa, cân bằng giữa nhu cầu bảo tồn và phát triển, với các giải pháp quy hoạch theo định hướng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa – lịch sử vốn có, đưa di sản trở thành động lực phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô, tạo lập sức hấp dẫn cho Thủ đô.

Tuy nhiên theo Quyết định số: 45/1999/QĐ-UB, các quy định về công tác bảo tồn theo đánh giá còn cứng nhắc, thiếu các biện pháp cải thiện và bổ trợ làm cho môi trường sống bên trong các ô phố, các ngôi nhà có giá trị bị xuống cấp. Các không gian xung quanh đối với các di tích, di sản cũng chưa được chú trọng, không có các quy định đảm bảo sự chuyển tiếp hoặc hỗ trợ cần thiết, giữa các khu vực giáp ranh khu phố cổ, giữa các ngôi nhà di sản, di tích với các không gian kề cận.

Một số quy định về kiểm soát không gian – kiến trúc công trình chưa phù hợp với thực tế phát triển hiện nay, như các quy định về phong cách kiến trúc, các quy định về vật liệu… Kèm theo đó là sự quá tải về hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật đáp ứng cho khu phố. Đặc biệt là khi Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đã được phê duyệt tại Quyết định 1259/QĐ-TTg ngày 26-7-2011, xuất hiện các yếu tố mới liên quan, bao gồm chủ trương phát triển phố đi bộ (kết nối cả Hồ Gươm và phụ cận), thiết lập hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị (các tuyến đường sắt đô thị số 1 và số 2) đi qua khu phố cổ buộc phải có sự thay đổi trong công tác bảo tồn.

Vì vậy, năm 2013, trước yêu cầu của quá trình phát triển, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số: 6398/QĐ-UBND, ngày 24-10-2013, Quy chế quản lý quy hoạch-kiến trúc khu phố cổ Hà Nội. Mục tiêu của quy chế này là cụ thể hóa công tác quản lý quy hoạch kiến trúc khu phố cổ Hà Nội theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Khu phố cổ Hà Nội gắn với nét đặc trưng văn hóa, lối sống thanh lịch của người dân Thủ đô.

Phát huy giá trị di tích trong thời đại 4.0

Đề cập đến yếu tố bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích trong thời đại 4.0, PGS.TS.Phạm Hùng Cường – ĐH Xây dựng nhấn mạnh, việc bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị di tích trong thời đại 4.0 sẽ có những thay đổi lớn so với giai đoạn trước. Với sự hỗ trợ của công nghệ, cách thức bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị sẽ có những cách làm mới hiệu quả, chính xác hơn và đặc biệt việc phát huy giá trị của di sản sẽ có nhiều cách tiếp cận mới hấp dẫn hơn.

Vấn đề với công tác bảo tồn và phát huy giá trị của phố cổ Hà Nội là làm sao khai thác hết thế mạnh của công nghệ như: Khảo sát và lưu trư dữ liệu dạng 3D cho toàn bộ công trình có giá trị, đặc biệt là với những công trình khó có khả năng giới thiệu cho khách du lịch và đang có khả năng hỏng hóc khó khôi phục. Đây là việc làm cấp thiết, bởi trong khoảng 1.000 ngôi nhà tại phố cổ mong muốn giữ, với tốc độ bảo tồn như hiện nay, nếu không số hóa sớm thì không còn tài liệu gốc để có thể tu bổ tôn tạo; Thiết lập bản đồ quy hoạch bảo tồn sử dụng công nghệ BIM tích hợp GIS trong công tác quản lý.

Các thông tin cần được cập nhật kịp thời; Cần thiết lập bản đồ GIS cho khách tham quan, khách du lịch với các thông tin văn hóa, lịch sử về phố cổ đầy đủ. Cần dựng lại cuộc sống tại phố cổ những năm thời phong kiến, thời thuộc Pháp, giai đoạn đầu giữa thế kỷ 20 của từng con phố bằng công nghệ 3D để cho du khách hiểu về không gian, cảnh quan, lối sống ở phố cổ qua các giai đoạn. Thông tin này được thông qua hệ thống 5G có thể cho du khách đọc, xem được tại từng đầu con phố tham quan; Việc số hóa dữ liệu di sản không chỉ ở phần kiến trúc vật thể mà còn phải tích hợp các dữ liệu văn hóa khác. Ví dụ với một ngôi nhà cổ, khi tra thông tin sẽ được giới thiệu về lịch sử ngôi nhà, của chủ nhà, của các thế hệ, các đồ đạc, nội thất hay các diễn biến lịch sử của ngôi nhà. Có như vậy mới hấp dẫn khách đến tham quan.

Điều đáng lo ngại nhất hiện nay là đặc điểm hàng phố đặc trưng của phố cổ đang khó quản lý, các phố Hàng Dầu, Hàng Chiếu hay Hàng Ngang, Hàng Đào… dần mất đi đặc trưng phố bán riêng một loại hàng hóa mà dần thay bằng các tòa nhà khách sạn, đồ lưu niệm na ná như nhau trên mọi con phố.

Hiện nay cộng đồng dân cư khu phố cổ đang có sự thay đổi, nhiều người mới đến chỉ thuần kinh doanh nhà nghỉ, khách sạn, bán hàng cho khách du lịch và cũng chưa hiểu hết đặc trưng văn hóa lối sống của khu phố cổ trước đây. Nếu được xem những khung cảnh tái hiện này sẽ có ý thức hơn về việc tham gia giữ gìn những hiện vật hay tập quán, văn hóa để giữ được hồn của phố cổ.

Đề xuất, kiến nghị của Ban quản lý Phố cổ Hà Nội

Đề nghị các đơn vị Trung ương phối hợp hỗ trợ triển khai đề án không gian văn hóa, dịch vụ, thương mại, du lịch khu vực 131 vòm cầu đá đường dẫn nam cầu Long Biên.

Về Đề án Giãn dân phố cổ Hà Nội: Yêu cầu giãn dân khu phố cổ Hà Nội được thực hiện từ năm 2002. Dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở giãn dân phố cổ là Dự án đầu đến tại khu đô thị mới Việt Hưng tại quận Long Biên thuộc Đề án giãn dân phố cổ (Thành ủy duyệt năm 2012) đã chậm gần 10 năm, 2 năm gần đây do điều chỉnh quy hoạch kiến trúc và thay đổi cơ chế đầu tư.

Nghiên cứu không gian ngầm tại ven khu phố cổ để phát triển giao thông tĩnh (kết hợp thương mại): Việc nghiên cứu không gian ngầm tại ven khu phố cổ là rất cần thiết do quận Hoàn Kiếm là trung tâm nội đô lịch sử, không còn quỹ đất. Tỷ lệ % giao thông tĩnh 7,6% nhu cầu (chủ yếu là sử dụng tạm tại vỉa hè, lòng đường), lượng phương tiện cá nhân gia tăng mạnh cùng với chủ trương giảm khí thải môi trường liên quan việc mở rộng các không gian đi bộ tại quận Hoàn Kiếm đồng thời là khu vực đô thị di sản, bị hạn chế phát triển không gian nổi nên việc phát triển không gian ngầm cho thương mại, dịch vụ và giao thông tĩnh là rất quan trọng, tăng khả năng khai thác chức năng đô thị, tăng hiệu quả kinh tế, đảm bảo an ninh quốc phòng cho khu vực nội đô lịch sử.

    • Về góc độ quản lý, để cụ thể hóa công tác quản lý quy hoạch kiến trúc đối với khu phố cổ Hà Nội theo định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Sở Quy hoạch – kiến trúc đã tham mưu cho UBND TP Hà Nội có Quyết định số 6398/QĐ-UBND ngày 24-10-2013 ban hành Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc khu phố cổ Hà Nội nhằm mục đích bảo tồn, tôn tạo và khai thác phát huy các giá trị của di tích lịch sử quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của khu phố cổ Hà Nội.

XUÂN THANH

Bạn đang đọc bài viết Phát huy giá trị di sản phố cổ trong tiến trình phát triển Thăng Long – Hà Nội tại chuyên mục Văn hóa – Giải trí.
Cung cấp thông tin, liên hệ đường dây nóng:
0369452904 – 0977600308.
Hoặc Email: [email protected]
[email protected]

Nguồn link gốc: https://phapluatxahoi.vn/phat-huy-gia-tri-di-san-pho-co-trong-tien-trinh-phat-trien-thang-long-ha-noi-213018.html