Bộ Xây dựng đã ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành Xây dựng đến năm 2030 tại Quyết định số 11/QĐ-BXD ngày 11/01/2023, với quan điểm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH, CN&ĐMST) là động lực quan trọng, gắn với thực tiễn sản xuất và quản lý của ngành Xây dựng theo hướng nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao các công nghệ tiên tiến trên thế giới, góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ của ngành Xây dựng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Phát triển KH, CN&ĐMST có trọng tâm, trọng điểm tạo động lực thúc đẩy sự phát triển ngành Xây dựng, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH).

Đảm bảo nguồn lực để phát triển KH, CN&ĐMST ngành Xây dựng, trong đó xác định nguồn lực Nhà nước có vai trò dẫn dắt, nguồn lực xã hội đóng vai trò quyết định, chú trọng phát triển thị trường khoa học và công nghệ.

Trong ảnh: Công trường thi công đường hầm tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên.
Mục tiêu là làm chủ việc thiết kế, thi công các công trình có quy mô lớn và yêu cầu kỹ thuật phức tạp như không gian ngầm, công trình ngầm...
(Trong ảnh: Công trường thi công đường hầm tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên).

Xác định mục tiêu cụ thể là làm chủ việc thiết kế, thi công các công trình có quy mô lớn và yêu cầu kỹ thuật phức tạp: Không gian ngầm, công trình ngầm, dạng điểm, dạng tuyến có chiều sâu lớn hơn 30m, nhà cao trên 150m...

Ứng dụng và chuyển giao các công nghệ xây dựng tiên tiến, đảm bảo tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng BĐKH, góp phần giảm mức phát thải ròng theo lộ trình của Chính phủ.

Nghiên cứu, phát triển các loại vật liệu xây dựng mới, tính năng cao, hiệu quả, tiết kiệm năng lượng, thân thiện và bảo vệ môi trường; nghiên cứu ứng dụng vật liệu tái chế trong công trình xây dựng.

Đổi mới, hoàn thiện phương pháp luận công tác quy hoạch xây dựng, các quy định liên quan đến quản lý đô thị, kiến trúc đô thị và nông thôn, theo hướng bền vững, hiện đại, có bản sắc và phù hợp với điều kiện phát triển từng địa phương.

Trong ảnh: Công trường thi công đường hầm tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên.
Ảnh minh họa.

Ứng dụng các công nghệ thông minh, tiên tiến hiện đại trong quản lý đô thị, hạ tầng kỹ thuật đô thị, hệ thống kỹ thuật trong và ngoài nhà.

Nghiên cứu đổi mới, hoàn thiện cơ chế chính sách, định mức kinh tế kỹ thuật phù hợp với thực tiễn, góp phần thúc đẩy phát triển ngành Xây dựng.

Nghiên cứu cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn để hoàn thành việc biên soạn bộ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng và hệ thống tiêu chuẩn quốc gia ngành Xây dựng theo lộ trình đã được phê duyệt.

Nghiên cứu cơ sở thực tiễn để hoàn thiện hệ thống quản lý, chứng nhận phòng thí nghiệm. Đổi mới, tăng cường công tác quản lý đo lường chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành Xây dựng.

Đảm bảo số lượng và chất lượng nguồn nhân lực KH&CN có trình độ ngang tầm khu vực và quốc tế đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành Xây dựng.