Vị trí hướng tuyến quốc lộ N2 (Đức Hòa, Long An) – Mỹ An – Cao Lãnh. Ảnh: Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề xuất dự án đầu tư xây dựng tuyến Mỹ An – Cao Lãnh sử dụng vốn vay ODA Hàn Quốc theo kiến nghị trước đó của Bộ Kế hoạch – Đầu tư (KH&ĐT) và Bộ Tài chính.

Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT thông báo Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (Keximbank) về việc đề xuất Dự án nêu trên để xem xét tài trợ và chuẩn bị cho các bước tiếp theo. Giao Bộ Giao thôn vận tải (GTVT) tiếp thu ý kiến của các cơ quan liên quan, phối hợp với Bộ KH&ĐT trao đổi, làm việc với nhà tài trợ và phối hợp với UBND hai tỉnh Long An và Đồng Tháp, cùng với các cơ quan, tổ chức có liên quan lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án nêu trên để trình Thủ tướng Chính phủ.

Trước đó, Bộ GTVT đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ về việc sử dụng khoản vay không có điều kiện ràng buộc của Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF), qua Keximbank cho dự án này với tổng số vốn vay là 166,47 triệu USD; lãi suất vay 1,5%/năm tính trên dư nợ; phí rút vốn 0,1%/khoản rút vốn; thời gian vay là 40 năm, trong đó có 10 năm thời gian là ân hạn.

Được biết, đoạn tuyến này thuộc phạm vi dự án có chiều dài khoảng 26,16 km, điểm đầu kết nối với tuyến N2 tại lý trình Km 96+875 gần mốc A2 cầu Kênh Giữa 1 của tuyến N2 thuộc Long An và điểm cuối tiếp giáp với điểm đầu của cầu Cao Lãnh. Ngoài ra, dự án sẽ được đầu tư xây dựng mới tuyến đường đạt quy mô đường cấp III đồng bằng, với bề rộng mặt đường 17 m cho 4 làn xe có tiêu chuẩn hình học phù hợp với quy mô phân kỳ của đường cao tốc.

Tuyến cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh là một đoạn nằm trong tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Tây đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch. Việc quy hoạch xây dựng tuyến đường này nhằm phát huy hiệu quả các dự án đã và đang được đầu tư trong khu vực ĐBSCL. Đồng thời, nâng cao khả năng khai thác, đảm bảo an toàn giao thông; kết nối các tuyến đường trong khu vực (các trục dọc và ngang trong khu vực). Bên cạnh đó tạo động lực để phát triển kinh tế – xã hội, an ninh – quốc phòng trong vùng. Ngoài ra, tuyến này còn rút ngắn quãng đường và thời gian từ các tỉnh miền Đông Nam bộ và Tây Nguyên không đi qua trung tâm TP. Hồ Chí Minh đến với ĐBSCL.

PHÚC HẬU