Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, do tổng chi phí ngành điện năm 2018 và năm 2019 ước tính bị “đội” thêm trên 20.000 tỷ đồng. Trong đó, năm 2018, chi phí tăng thêm trong cơ cấu tính giá điện khoảng 5.483 tỷ đồng, gồm chênh lệch tỷ giá năm 2017 là 3.071 tỷ đồng, giá khí trong bao tiêu theo thị trường tăng thêm 1.910 tỷ đồng, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước 502 tỷ đồng.

Năm 2019, ngành điện ước tính lỗ chênh lệch tỷ giá năm 2018 là 3.516 tỷ đồng, giá khí bao tiêu thực hiện theo thị trường năm 2019 tăng thêm khoảng 10.500 tỷ đồng, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước 502 tỷ đồng… Tổng chi phí đội lên năm 2019 sẽ là 15.252 tỷ đồng.

Dự kiến giá điện năm 2019 sẽ tăng do chi phí đội lên cao. Ảnh minh họa.

Hồi cuối năm 2017, ngành điện quyết định tăng giá mỗi kWh điện lên mức 1.720,65 đồng (chưa gồm thuế VAT), tương đương tăng 6,08% so với trước đó.

Sang năm 2018, do lạm phát có diễn biến phức tạp nên Chính phủ đã chỉ đạo không tăng giá điện.

Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành điều hành để không để xảy ra lạm phát kỳ vọng, mục tiêu giữ lạm phát của năm 2018 ở khoảng 3,7% – 3,95%.

Năm 2019, Chính phủ tiếp tục đặt mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức khoảng 4%, trong đó lưu ý đến 3 loại tác động là giá cả thị trường thế giới, việc điều hành của Nhà nước và yếu tố thiên tai.

Minh Anh