Tính chung 10 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 616 tỉ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng cục Thống kê cho biết, cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục duy trì xuất siêu góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, ổn định tỷ giá và ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.

Cụ thể, nếu như 6 tháng đầu năm, cả nước xuất siêu 742 triệu USD thì sau 7 tháng, mức xuất siêu là 1,1 tỉ USD, 8 tháng xuất siêu 3,9 tỉ USD, 9 tháng xuất siêu 7,1 tỉ USD và sau 10 tháng thì xuất siêu đạt 9,4 tỉ USD. Tính chung 10 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 616 tỉ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 15,9%; nhập khẩu tăng 12,2%.

Nhiều lĩnh vực được xem là thế mạnh của VN đã tăng trưởng tốt trong 3 quý năm 2022 và đến thời điểm này có thể xem là về đích. Phải kể đến đầu tiên là ngành thủy sản, đặt mục tiêu 10 tỉ USD nhưng mới qua 10 tháng đã đạt 9,5 tỉ USD, tăng gần 33% so với cùng kỳ năm 2021. Đây cũng là năm đầu tiên ngành này có nhiều tháng liên tiếp đạt kim ngạch trên 1 tỉ USD mỗi tháng. Dự kiến năm 2022, xuất khẩu thủy sản sẽ về đích ở cột mốc lịch sử khoảng 11,2 tỉ USD.

Nếu ngành thủy sản khởi đầu “thần tốc” nhưng đang chậm lại trong những tháng cuối năm thì xuất khẩu gạo đầu năm chậm chạp, những tháng cuối năm lại khởi sắc và hiện bon bon về đích. Ngành gạo đặt mục tiêu xuất khẩu 6,3 triệu tấn, trị giá 3,3 tỉ USD nhưng đến hết tháng 10 đã đạt 6,1 triệu tấn, thu về gần 3 tỉ USD. Dự kiến cả năm sẽ đạt từ 6,5 - 7 triệu tấn và đạt giá trị thấp nhất là 3,5 tỉ USD. Đặc biệt, giá gạo xuất khẩu (gạo 5% tấm) của VN đang ở mức cao nhất thế giới, cao hơn gạo cùng phẩm cấp của Thái Lan khoảng 20 - 25 USD/tấn. Các doanh nghiệp và Hiệp hội Lương thực VN (VFA) đều rất lạc quan về triển vọng trong những tháng cuối năm và cả đầu năm sau. Vấn đề lo nhất của ngành này hiện nay chỉ là “nguồn cung hạn chế”.

Cùng trong nhóm “trụ đỡ” của nền kinh tế còn có mặt hàng cà phê. Qua 10 tháng, cà phê đã mang về gần 3,3 tỉ USD, tăng 33% về trị giá xuất khẩu và tăng 10,6% về lượng so với cùng kỳ năm 2021. Dự báo, xuất khẩu cà phê có thể kết thúc năm 2022 với con số 3,8 tỉ USD.

Đối với lĩnh vực sản xuất, mục tiêu xuất khẩu 25 tỉ USD của giày dép - túi xách cũng đã rất gần. Trong 10 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu giày dép - túi xách đạt trên 23 tỉ USD, trong đó túi xách đạt gần 3,4 tỉ USD, tăng 39%; giày dép đạt 20 tỉ USD, tăng tới gần 41% so với cùng kỳ năm 2021. Với kim ngạch xuất khẩu bình quân 2,2 tỉ USD/tháng, khả năng trong 2 tháng cuối năm, ngành này có thể mang về thêm 4 tỉ USD để kết thúc năm với cột mốc khoảng 27 tỉ USD.

Riêng ngành xuất khẩu gỗ, cả năm 2022 gặp rất nhiều khó khăn nhưng đến hết tháng 10, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ ước đạt 13,5 tỉ USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước.

Mới qua 10 tháng đã đạt 9,5 tỉ USD, tăng gần 33% so với cùng kỳ năm 2021.
Mới qua 10 tháng, xuất khẩu đã đạt 9,5 tỉ USD, tăng gần 33% so với cùng kỳ năm 2021.

Ông Trần Thanh Hải Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng hiện nay, Việt Nam có thuận lợi lớn nhất là đã có giai đoạn thử thách, vượt qua được tác động của dịch bệnh. Việt Nam cũng có đà tăng trưởng xuất khẩu tốt duy trì qua nhiều năm.

Thời gian tới, việc tận dụng ưu thế từ các FTA vẫn là sự quan tâm lớn nhất các doanh nghiệp, hiệp hội, cơ quan quản lý nhà nước.

Để cung cấp thông tin cho doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã xây dựng một số website để đưa thông tin đến với cả các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cuối tháng Ba vừa qua, Bộ Công Thương phối hợp với Đại sứ quán Vương quốc Anh tổ chức Lễ ra mắt Cổng thông tin cơ sở dữ liệu thương mại Việt Nam (VNTR). Đây là nguồn thông tin trực tuyến miễn phí, cung cấp các quy định và thông tin mới nhất về thương mại cần thiết đối với các doanh nghiệp xuất-nhập khẩu vào Việt Nam.

Đồng thời, Bộ Công Thương cũng thường xuyên tổ chức những chương trình tập huấn dưới hình thức trực tuyến, trực tiếp và các chương trình đều phát huy tác dụng rất tốt khi lan tỏa đến các doanh nghiệp ở khắp các địa phương, vùng, miền trên cả nước.

Đặc biệt, trong giai đoạn vừa qua, các thông tin về xuất khẩu sang Trung Quốc nói chung và xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc nói riêng rất được quan tâm. Do đó, Bộ Công Thương đã biên soạn rất nhiều các cái tài liệu, ấn phẩm, cẩm nang hướng dẫn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc cũng như các thị trường mới như khu vực Trung Đông, khu vực Mỹ Latinh.

Sắp tới, Bộ Công Thương sẽ có một cẩm nang để hướng dẫn các doanh nghiệp chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch. Đây là một số những nỗ lực của Bộ Công Thương trong việc cung cấp thông tin cho doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh xuất khẩu.

Từ nay đến cuối năm 2022, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, tăng cường quản lý nhập khẩu phù hợp, bảo đảm cán cân thương mại hài hòa, bền vững; thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch gắn với tái cơ cấu ngành hàng và xây dựng thương hiệu. Với tốc độ tăng trưởng xuất, nhập khẩu như hiện nay, việc tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt mức 700 tỉ USD vào cuối năm 2022 là hoàn toàn khả thi. Đây sẽ là một kỷ lục mới, một dấu mốc mới trong hoạt động thương mại quốc tế của Việt Nam.