Bài 3: Nhập nhằng “bao thầu” đất liên kết
Không chỉ riêng Công ty Cổ phần Cà phê Thắng Lợi mà ở nhiều công ty nông, lâm nghiệp, khi thực hiện sắp xếp, đổi mới hoạt động cũng “nhập nhằng” về đất đai.

Lạ lùng đất “biết đẻ”!

Công ty Cổ phần Cà phê Thắng Lợi hiện đang thuê sử dụng tổng quỹ đất có nguồn gốc từ Nông trường Cà phê Thắng Lợi (sau chuyển đổi thành Công ty TNHH MTV Cà phê Thắng Lợi). Theo phê duyệt của UBND tỉnh Đắk Lắk (tại các Quyết định: 1332/QĐ-UB ngày 03/07/1997, 106/QĐ-UB ngày 15/01/1999, 3198/QĐ-UBND ngày 10/01/2010, 1315/QĐ-UBND ngày 27/05/2011) thì Công ty được giao 2.145,5 ha đất trên địa bàn các xã: Hòa Đông (huyện Krông Pắk), Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột) và Cuôr Đăng (huyện Cư M’gar). Trong đó, diện tích đất được giao chủ yếu thuộc địa bàn xã Hòa Đông (2.047,03 ha)

Bài 3: Nhập nhằng “bao thầu” đất liên kết
Bài 3: Nhập nhằng “bao thầu” đất liên kết
Diện tích đất liên kết được Nông trường giao, các hộ dân thực hiện nghĩa vụ đóng nộp thuế cho Công ty, cho Nhà nước.

Đáng chú ý là, diện tích đất thuộc quyền quản lý, sử dụng của Công ty Cổ phần Cà phê Thắng Lợi (trước đó là Công ty TNHH MTV Cà phê Thắng Lợi) lại tăng lên theo thời gian. Trong Thông báo số 03/TB-KTNN KV XII ngày 15/8/2018 của Kiểm toán Nhà nước, tính đến ngày 31/12/2016, Công ty quản lý, sử dụng 2.152,8 ha; tăng 7,3 ha đất so với tổng diện tích đã được UBND tỉnh giao trong các quyết định nêu trên.

Diện tích đất do Công ty Cổ phần Cà phê Thắng Lợi tiếp tục “biết đẻ” sau thời điểm Kiểm toán Nhà nước “chốt” diện tích ở Thông báo số 03/TB-KTNN KV XII. Tại thời điểm năm 2020, theo Quyết định số 2584/QĐ-UBND ngày 28/10/2020 của UBND tỉnh Đắk Lắk, tổng diện tích đất của Công ty tăng lên thành 2.162,63 ha.

Diện tích tăng lên của Công ty Cổ phần Cà phê Thắng Lợi chủ yếu là đất nông nghiệp chuyên trồng cà phê. Năm 1998, theo Phương án hợp đồng hợp tác đầu tư và phân chia sản phẩm của Công ty được UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt tại Quyết định 1675/QĐ-UB ngày 15/8/1998, tổng diện tích trồng cà phê toàn Công ty là hơn 2.054,5 ha. Đến năm 2020, diện tích này đã tăng lên thành 2.132 ha.

Đây là một nghịch lý bởi trong quá trình quản lý, sử dụng đất, Công ty Cổ phần Cà phê Thắng Lợi đã phải thực hiện nghĩa vụ trả một số diện tích đất về cho địa phương. Gần đây nhất, ngày 09/03/2021, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có Quyết định số 514/QĐ-UBND, thu hồi hơn 3,4 ha (30.410,4 m2) đất của Công ty tại xã Hòa Đông về cho huyện Krông Pắk quản lý. Trước đó, Công ty cũng đã bàn giao về địa phương 3,6 ha đất trồng cây lâu năm tại xã Hòa Đông về cho huyện Krông Pắk.

Bài 3: Nhập nhằng “bao thầu” đất liên kết
Thông báo của Kiểm toán Nhà nước và quyết định của UBND tỉnh Đắk Lắk thể hiện đất của Công ty Cổ phần Cà phê biết “đẻ” khi diện tích đất nông nghiệp của đơn vị này liên tục tăng lên.

Lý giải nghịch lý “đất biết đẻ” này, các hộ nhận khoán của Công ty Cổ phần Cà phê Thắng Lợi cho rằng, trước đây, gần 1.000 ha đất do các nông trường viên khai hoang, phục hóa; sau đó được Nông trường Cà phê Thắng Lợi giao cho cán bộ, công nhân viên sử dụng để có thêm điều kiện cải thiện thu nhập. Nhưng trong quá trình “liên kết” sản xuất với Công ty, nhiều diện tích đất bị Công ty “nhập” vào quỹ đất của Công ty.

Phản ánh của các hộ nhận khoán là có cơ sở. Trong phương án hợp đồng hợp tác đầu tư và phân chia sản phẩm của Công ty được UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt tại Quyết định 1675/QĐ-UB ngày 15/8/1998 thì tổng diện tích đất liên kết vốn 100% của cán bộ công nhân viên và đồng bào tại chỗ là 881 ha. Nhưng đến thời điểm Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán (tính đến ngày 31/12/2016), diện tích đất liên kết này chỉ còn 616,4ha.

“Ngồi mát ăn bát vàng”!

Thực hiện chủ trương sắp xếp, đổi mới hoạt động các công ty nông, lâm nghiệp theo Nghị quyết 28-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX, năm 2011, Công ty Cổ phần Cà phê Thắng Lợi (tại thời điểm đó là Công ty TNHH MTV Cà phê Thắng Lợi) đã thực hiện hợp đồng thuê đất với UBND tỉnh Đắk Lắk. Nhưng khi làm hợp đồng, Công ty đã nhập 616,4 ha đất liên kết được Nông trường Thắng Lợi giao cho cán bộ, công nhân viên vào quỹ đất chung của Công ty.

Cụ thể, trong Hợp đồng thuê đất số 64/HĐTĐ ngày 27/06/2011 giữa bên cho thuê đất là UBND tỉnh Đắk Lắk, bên thuê đất là Công ty TNHH MTV Cà phê Thắng Lợi thể hiện: Công ty thuê hơn 2.1335,2ha (21.335.443 m2) đất tại xã Hòa Đông, huyện Krông Pắk để sản xuất nông nghiệp; thời hạn thuê đất là 50 năm. Đây là tổng quỹ đất nông nghiệp trước đó được giao cho Nông trường Cà phê Thắng Lợi, sau chuyển đổi thành Công ty TNHH MTV cà phê Thắng Lợi; bao gồm 616,4ha đất liên kết.

Bài 3: Nhập nhằng “bao thầu” đất liên kết
Người dân ở các thôn, đội sản xuất của Công ty Cổ phần Cà phê Thắng Lợi không đồng tình với phương án hợp tác kinh doanh 51% - 49% trên diện tích 616,4 ha đất liên kết mà đè nghị Công ty trả về cho địa phương.

Đáng chú ý là, theo Hợp đồng thuê đất số 64/HĐTĐ thì Công ty TNHH MTV Cà phê Thắng Lợi chỉ phải nộp tiền thuê đất rất thấp; trong đó, đất trồng cà phê (chiếm 80% giá trị hợp đồng) chỉ phải nộp 4.800 đồng/m2, tương đương 480 nghìn đồng/ha/năm. Nhưng khi thực hiện hợp đồng khoán gọn trên diện tích đất liên kết, Công ty lại thu tiền thuê đất của các hộ trước đây được Nông trường giao đất hơn 875 nghìn đồng/ha/năm. Vị chi, chỉ riêng với việc thuê đất từ UBND tỉnh Đắk Lắk rồi cho người dân thuê lại, Công ty đã thu lãi hàng tỷ đồng.

Cũng trong Hợp đồng thuê đất với UBND tỉnh Đắk Lắk, Công ty TNHH MTV Cà phê Thắng Lợi chỉ phải nộp 21 nghìn đồng/m2/năm (tương ứng 210 nghìn đồng/ha/năm) tiền thuê đất thủy lợi. Nhưng với các hộ sử dụng đất, Công ty lại thu 500 nghìn đồng/ha/năm. Đó là chưa kể, theo Phương án hợp đồng hợp tác đầu tư và phân chia sản phẩm của Công ty được UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt tại Quyết định 1675/QĐ-UB ngày 15/8/1998 thì Công ty chỉ được phép thu 49% của số tiến thuế 500 nghìn đồng, tương ứng 245 nghìn đồng/ha/năm. Nhưng Công ty vẫn thu đúng, thu đủ 500 nghìn đồng.

Tiếp tục “bài cũ” hợp đồng hợp tác kinh doanh?

Trước thực tế đó, các hộ sử dụng đất được Nông trường Cà phê Thắng Lợi giao đất hàng chục năm nay đã kiến nghị UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo Công TNHH MTV Cà phê Thắng Lợi trả đất về cho địa phương quản lý; trên cơ sở đó giao đất cho người dân sử dụng. Đề xuất này cũng phù hợp với chủ trương của UBND tỉnh Đắk Lắk tại Công văn số 2536/UBND-NN&PTNT, ngày 27/5/2011, về việc xử lý đối với diện tích đất liên kết của Công ty TNHH MTV Cà phê Thắng Lợi.

Theo văn bản này, UBND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu: “Đối với diện tích cà phê liên kết nằm ở vị trí độc lập, ngoài khu vực diện tích 1.206,32 ha cà phê Hợp đồng hiện nay Công ty đã giao khoán cho người lao động, yêu cầu Công ty lập phương án đề nghị UBND tỉnh thu hồi, bàn giao cho địa phương quản lý theo Quyết định số 64/2005/UBND ngày 15/12/2005 của UBND tỉnh…”.

Bài 3: Nhập nhằng “bao thầu” đất liên kết
Công ty thực hiện thuê đất của UBND tỉnh Đắk Lắk từ năm 2011, sau đó cho người dân thuê lại với hình thức khoán gọn, thu gần gấp đôi tiền thuê đất hằng năm so với mức thuê của tỉnh.

Nhưng từ đó đến nay, Công ty không thực hiện yêu cầu này của UBND tỉnh Đắk Lắk. Không những vậy, ngày 15/9/2022, Công ty Cổ phần Cà phê Thắng lợi còn xây dựng phương án sản xuất kinh doanh trên 616,4 ha đất liên kết này.

Trong dự thảo phương án sản xuất kinh doanh dối với 616,4 ha đất liên kết tại văn bản số 223a/PA ngày 15/9/2022, Công ty Cổ phần Cà phê Thắng Lợi quay trở lại “bài cũ” là bán 49% giá trị thực tế của 616,4 ha, Công ty bỏ 51%. Điều này có nghĩa là, diện tích đất đã được Nông trường Thắng Lợi giao cho các hộ gia đình là cán bộ, công nhân viên Nông trường trước đây sẽ bị Công ty Cổ phần Cà phê Thắng Lợi thâu tóm; những người sử dụng đất bao nhiêu năm, thực hiện nghĩa vụ cho Nhà nước, đóng góp cho sự phát triển của địa phương, của Nông trường bỗng chốc trở thành người làm thuê trên đất mình đã được giao.

Để lấy ý kiến người dân về dự thảo, Công ty Cổ phần Cà phê Thắng Lợi không trực tiếp tổ chức họp dân mà giao thẳng về cho các thôn “tự nghiên cứu”. Tuyệt đại đa số người dân ở các thôn, đội sản xuất của Công ty đều không đồng tình với phương án này.

Đơn cử, ngày 27/9/2022, tại thôn Toàn Thắng 2, dưới sự chủ trì của Trưởng thôn Bùi Ngọc Sơn, người dân trong thôn đã được nghe về phương án sử dụng 616,4 ha đất liên kết của Công ty Cổ phần Cà phê Thắng Lợi. Không chấp nhận phương án này, người dân cho rằng, đất liên kết là do bà con đầu tư 100% vốn, đóng nộp nghĩa vụ với Nhà nước, với Công ty đầy đủ. Do đó, người dân tiếp tục đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk thu hồi diện tích 616,4ha này, giao về cho địa phương để tiến hành cấp Giấy Chứng nhân quyền sử dụng đất cho bà con.

Kiến nghị của người dân phù hợp với đánh giá của Kiểm toán Nhà nước khi tiến hành kiểm toán tại Công ty TNHH MTV Cà phê Thắng Lợi vào năm 2017. Tại Thông báo số 03/TB-KTNN KV XII ngày 15/8/2018, Kiểm toán Nhà nước nhận định: Đối với hình thức vườn cây liên kết trên diện tích 616,4 ha, dù đất giao khoán thuộc Công ty, tuy nhiên các khoản đóng góp chưa thể hiện quyền sở hữu của Công ty.

“Hình thức giao khoán này là chưa phù hợp quy định tại Khoản 2, Điều 12 – Nghị định số 135/2005/NĐ-CP ngày 08/11/2005 của Chính phủ”, Kiểm toán Nhà nước khẳng định.

Mập mờ giá trị quyền sử dụng đất khi cổ phần hóa

Trên thực tế, không chỉ riêng Công ty Cổ phần Cà phê Thắng Lợi mà ở nhiều công ty nông, lâm nghiệp, khi thực hiện sắp xếp, đổi mới hoạt động theo chủ trương tại Nghị quyết 28-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX; kế đến là Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI, việc “nhập nhằng” về đất đai vừa xuất phát từ yếu tố lịch sử, cũng vừa do yếu tố chủ quan nội tại của các công ty nông, lâm nghiệp.

Bài 3: Nhập nhằng “bao thầu” đất liên kết
Công ty Cổ phần Cà phê Thắng Lợi được “tiếp nhận” nhiều diện tích đất vàng dọc theo Quốc lộ 26.

Trong Báo cáo số 958/BC-UBTVQH13, ngày 16/10/2015 về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường quốc doanh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã đánh giá: “Đối tượng sản xuất của các công ty nông, lâm nghiệp là cây trồng và vật nuôi, tư liệu sản xuất chủ yếu là đất đai. Nhưng trong thời gian qua, việc bán vườn cây, đàn gia súc ở một số nông, lâm trường chưa tính toán đến giá trị quyền sử dụng đất, hoặc khi cổ phần hóa nhưng không đề cập đến giá trị quyền sử dụng đất đã gây ra những mâu thuẫn mà đến nay vẫn chưa xử lý được”.

Nhận định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cách đây 7 năm hoàn toàn đúng với quá trình cổ phần hóa của Công ty TNHH MTV Cà phê Thắng Lợi. Trong “Bản công bố thông tin bán đấu giá lần đầu” (tháng 2/2019), Công ty đã “nhập” toàn bộ diện tích đất được Nhà nước giao (2.152,8ha, trong đó 2.081,19ha là đất nông nghiệp) làm “tài sản chủ yếu” của doanh nghiệp.

Ở phần thuyết minh thông tin bán đấu giá cổ phần, Công ty TNHH MTV Cà phê Thắng Lợi khẳng định, trong tổng quỹ đất nông nghiệp là “tài sản chủ yếu” đã có 1.822,9 ha được Công ty giao khoán. Trong đó, đối với diện tích 616,4 ha đất liên kết (người lao động góp vốn 100%) được Công ty khẳng định: Diện tích đất này đã giao khoán cho 1.602 hợp đồng; thời hạn giao khoán là 50 năm, bắt đầu từ 2004 (tương ứng đến năm 2054).

Còn với đất giao khoán theo hình thức 51% - 49% thì tổng diện tích đã giao khoán là 1.205,98 ha, với 1.318 hợp đồng; thời hạn giao khoán là 15 năm, bắt đầu từ năm 2011 (tức là đến năm 2026 mới hết thời hạn).

Phải nói cho rõ là, vườn cà phê hình thành trên 1.205,98 ha đất giao khoán là tài sản chung của Công ty TNHH MTV Thắng Lợi với người nhận khoán; theo hình thức Công ty góp 51% vốn, người lao động góp 49%. Hình thức liên doanh góp vốn để sản xuất này đã được thực hiện từ năm 1998; đến năm 2011 thì được “đảo khế”, nhưng vẫn theo tỷ lệ 51% – 49%.

Khi thực hiện đưa thông tin bán đấu giá cổ phần, Công ty TNHH MTV Cà phê Thắng Lợi đã không tính đến giá trị vườn cây người lao động đã góp vốn, mà chỉ tính đến quyền sử dụng đất được Nhà nước giao cho Công ty quản lý. Như Báo cáo số 958/BC-UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhận định, “việc bán vườn cây, đàn gia súc ở một số nông, lâm trường chưa tính toán đến giá trị quyền sử dụng đất, hoặc khi cổ phần hóa nhưng không đề cập đến giá trị quyền sử dụng đất” thì việc nhập 49% vốn của người lao động vào “tài sản chủ yếu” của doanh nghiệp là một sự mập mờ về thông tin của Công ty nhằm đánh lừa khách hàng mua cổ phiếu.

Vì vậy, trong tất cả các cuộc họp lấy ý kiến, người lao động đều phản đối ý phương án cổ phần hóa của Công ty, ngay từ thời điểm Công ty mới đưa ra dự thảo phương án. Đơn cử, tại cuộc họp của Đội sản xuất 26/3 diễn ra ngày 23/1/2019, do ông Nguyễn Lệ Nam – Đội trưởng Đội sản xuất chủ trì, với sự tham gia của 45 người lao động, phương án cổ phần hóa đã bị người lao động “bác”.

“Đề nghị Công ty làm rõ hợp đồng 51% – 49% mà Công ty đã ký với người lao động. Nguyện vọng của người dân là bán 51% (vốn của Công ty – Pv) cho người lao động. Còn tài sản cố định như kho tàng, bến bãi, nhà kho,… thì Công ty cổ phần đấu giá”, Biên bản họp Đội sản xuất 26/3, ngày 23/1/2019 ghi rõ.

Mặc dù người lao động không đồng ý nhưng Công ty TNHH MTV vẫn kiên quyết cổ phần hóa theo phương án này. Ngày 03/06/2019, cổ phiếu của Công ty chính thức được giao dịch trên thị trường UPCoM với mã chứng khoán là CFV. Đến ngày 09/10/2019 đổi thành Công ty CP Cà Phê Thắng Lợi. Tuy nhiên, báo cáo tài chính gần đây cho thấy, Công ty Cổ phần Cà phê Thắng Lợi liên tục thua lỗ; một phần vì những vướng mắc, tranh chấp với người lao động chưa được giải quyết thỏa đáng.

Trong Báo cáo số 958/BC-UBTVQH13 ngày 16/10/2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII kiến nghị Chính phủ kiên quyết giải thể, cho phá sản đối các công ty nông, lâm nghiệp sản xuất, kinh doanh kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài, không quản lý được đất đai, giao khoán trắng, hoặc giao khoán đất sử dụng không hiệu quả, sai mục đích, không thực hiện được các nghĩa vụ về tài chính doanh nghiệp, tài chính đất đai... Kiên quyết thu hồi diện tích đất chưa sử dụng, sử dụng không đúng mục đích, không hiệu quả, hoặc có hiệu quả nhưng thấp hơn mức trung bình của địa phương để bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý, sử dụng, ưu tiên giao đất cho đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương không có đất hoặc thiếu đất ở, đất sản xuất; giao đất cho các tổ chức, cá nhân thuê đất theo quy định của Luật Đất đai.

Tạp chí điện tử Kinh doanh và Phát triển sẽ tiếp tục thông tin các nội dung liên quan.