Bối cảnh trên đã thúc đẩy các tạp chí tại Việt Nam nhanh chóng nắm bắt cơ hội để chuyển mình và thích nghi với xu hướng mới.
Phát triển kinh tế số cho báo chí đều đòi hỏi sự trau chuốt và tập trung vào các yếu tố riêng biệt. Dù cùng mục tiêu hiện đại hóa và tối ưu hóa công nghệ nhưng lại gặp phải những thách thức và điều kiện thực hiện khác nhau, trong đó tạp chí thường đối mặt với nhiều trở ngại hơn.
Tạp chí phụ thuộc nhiều vào việc cung cấp nội dung chuyên sâu, đòi hỏi sự đầu tư lớn vào chất lượng nội dung. Điều này làm cho việc chuyển đổi sang nền tảng số trở nên khắc nghiệt hơn, vì tạp chí không linh hoạt như báo chí trong việc thay đổi hình thức nội dung. Với đối tượng độc giả cụ thể, thị trường của tạp chí thường hẹp hơn do vậy làm hạn chế khả năng mở rộng và thu hút quảng cáo số. Thêm vào đó, nhiều tạp chí có quy mô sản xuất nhỏ và ngân sách hạn chế, khiến việc đầu tư vào công nghệ số và duy trì sự hiện diện trực tuyến có phần nan giải.
Trong kinh tế báo chí, nội dung là then chốt nhưng phải đồng hành cùng công nghệ. Dù có nội dung tốt nhưng không có công nghệ, không có các lực đẩy nội dung lên đa nền tảng thì cũng không có công chúng. Trong xu thế chung đó, các tạp chí cũng phải đối mặt với một thách thức lớn: Làm thế nào để thích nghi và phát triển trong một môi trường báo chí đang thay đổi nhanh chóng? Tuy nhiên, thay vì đứng nhìn và chờ đợi, một số tạp chí điển hình đã nhanh chóng nhận ra cơ hội trong xu hướng kinh tế số và tiên phong trong việc thích nghi và đổi mới.
Con đường chuẩn chỉ giải bài toán kinh tế
Chia sẻ về cách làm của tạp chí mình tại một hội thảo về vấn đề kinh tế báo chí đối với các tạp chí, Tổng thư ký tòa soạn Tạp chí Kinh tế Việt Nam (VnEconomy) Đào Quang Bính cho biết, bên cạnh những sản phẩm báo chí mới đặc thù, VnEconomy cũng tăng cường nội dung đa phương tiện cho các tác phẩm báo chí. Bên cạnh đó, chọn lọc một số nội dung để thực hiện bổ sung các nội dung đa phương tiện và phát hành trên nền tảng mạng xã hội như: TikTok, Facebook, Linkedin và Youtube.
Khi đã có cộng đồng, bên cạnh nguồn thu từ việc bán báo, các nhà quảng cáo sẽ xuất hiện. Chúng tôi đang đi tiên phong, làm thành mô hình có thể nhân rộng ra các báo. Đây sẽ là con đường chuẩn chỉ để giải bài toán kinh tế báo chí, vấn đề đau đầu của các tòa soạn Việt Nam.
Nói các cách ứng dụng công nghệ trong tòa soạn và phát triển kinh tế báo chí, nhà báo Đào Quang Bính cho biết, Tạp chí Kinh tế Việt Nam đã hình thành những nền tảng công nghệ số giúp các cơ quan báo chí làm kinh tế báo chí theo cách truyền thống. Với phương thức phát hành số, bên cạnh các bản in truyền thống, các ấn phẩm của Tạp chí Kinh tế Việt Nam sẽ được số hóa dưới dạng PDF (máy tính và cho mobile) và phát hành tới bạn đọc qua nền tảng Phát hành số của Công ty Phát hành báo chí Trung ương.
“Đây là hướng đi để các tờ báo in, tạp chí khoa học bán giá trị nội dung bài viết mà không mất chi phí in ấn. Khi các tờ báo, tạp chí in phát hành trên bản PDF sẽ thúc đẩy phát triển kinh doanh số, đồng thời thu hút được quảng cáo. Việc có số lượng đông đảo Subcribers cũng sẽ giúp Tạp chí Kinh tế Việt Nam và
Vietnam Economic Times (tạp chí bằng tiếng Anh) có các quảng cáo từ các doanh nghiệp lớn cần quảng bá thương hiệu”, Tổng Thư ký Tòa soạn Tạp chí Kinh tế Việt Nam nói.
Cũng theo nhà báo Đào Quang Bính, muốn kinh tế báo chí phát triển, việc đầu tiên các tòa soạn phải giải quyết là khâu phân phối nội dung. Điều này cũng giống như với những người làm kinh doanh, phải tìm cách bán hàng, tức tính toán đầu ra của sản phẩm.
Trước kia, tòa soạn phải in báo giấy, sau đó vận chuyển tới các sạp báo. Khâu phát hành chiếm hơn một nửa tiền bán báo thu được, trong khi việc tiếp cận trực tiếp khách hàng gặp nhiều khó khăn. Để giải bài toán này, VnEconomy đã đưa sản phẩm tới tay người đọc dưới dạng số, thông qua các nền tảng số.
VnEconomy hiện tổ chức bán gói dịch vụ bao gồm 52 số tạp chí dưới dạng file .pdf, trên nền tảng báo chí thu phí PostEnp của Công ty phát hành báo chí trung ương. Nhờ phát hành bản điện tử, VnEconomy không phải bỏ tiền in, nhưng có thể tiếp cận khách hàng toàn cầu mà không mất thêm chi phí.
Để thu hút độc giả, gói dịch vụ còn đính kèm theo Askonomy - một trợ lý ảo, chuyên trả lời thông tin kinh tế. Askonomy là khoản giá trị gia tăng, cũng là hạt nhân trong mô hình kinh tế báo chí mà VnEconomy hướng đến.
Ông Bính cho biết thêm, khi phát triển trợ lý ảo, VnEconomy không hướng đến việc bán tài khoản để thu tiền. Mục đích đầu tiên là đưa nội dung chuẩn chỉ đến với người đọc. Nhưng điều sâu xa hơn mà đơn vị này hướng tới là xây dựng nên một cộng đồng những người sử dụng chatbot để đưa ra quyết định kinh doanh.
“Khi đã có cộng đồng, bên cạnh nguồn thu từ việc bán báo, các nhà quảng cáo sẽ xuất hiện. Chúng tôi đang đi tiên phong, làm thành mô hình có thể nhân rộng ra các báo. Đây sẽ là con đường chuẩn chỉ để giải bài toán kinh tế báo chí, vấn đề đau đầu của các tòa soạn Việt Nam”, ông Bính phân tích.
Các tạp chí không nhất thiết phải chạy theo xu hướng công nghệ mà lựa chọn công nghệ phù hợp để phục vụ cho nội dung của tạp chí khoa học. Đây cũng là một hướng đi cho các tạp chí. Bởi nếu chạy theo thị trường sẽ rất khó nhưng nếu biết dựa trên tiến bộ công nghệ để ứng dụng vào tờ báo, tạp chí thì sẽ phát triển và phát triển bền vững.
Trước cách làm này của Tạp chí Kinh tế Việt Nam, PGS.TS Phạm Ngọc Linh - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam cho rằng, đây là một mô hình hay, vận dụng đúng các quy luật kinh tế để phát triển tờ tạp chí chuyên sâu về kinh tế.
“Với cách làm như vậy, các tạp chí không nhất thiết phải chạy theo xu hướng công nghệ mà lựa chọn công nghệ phù hợp để phục vụ cho nội dung của tạp chí khoa học. Đây cũng là một hướng đi cho các tạp chí. Bởi nếu chạy theo thị trường sẽ rất khó nhưng nếu biết dựa trên tiến bộ công nghệ để ứng dụng vào tờ báo, tạp chí thì sẽ phát triển và phát triển bền vững”, PGS.TS Phạm Ngọc Linh nói.
Đưa công nghệ đến gần hơn với đời sống
Ngoài Tạp chí Kinh tế Việt Nam, rất nhiều tạp chí khác như Tạp chí điện tử Thông tin và Truyền thông, Tạp chí điện tử VietTimes, Tạp chí Giáo dục Việt Nam… cũng đã đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ, từ việc tối ưu hóa giao diện người dùng trên các nền tảng số đến việc phát triển các ứng dụng di động, nhằm mang đến cho độc giả những trải nghiệm liền mạch và tiện lợi nhất. Đồng thời, các tạp chí cũng tập trung vào việc cá nhân hóa nội dung, sử dụng dữ liệu và phân tích hành vi người dùng để cung cấp các bài viết phù hợp với sở thích và nhu cầu của từng độc giả.
Tạp chí điện tử Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh việc phát triển các sản phẩm số như podcast, video phân tích và các báo cáo chuyên đề. Những sản phẩm này không chỉ giúp đa dạng hóa nội dung mà còn thu hút thêm nhiều đối tượng độc giả mới, đặc biệt là những người trẻ tuổi yêu thích công nghệ.
Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã chứng minh vai trò tiên phong trong lĩnh vực của mình bằng việc áp dụng công nghệ số vào việc cung cấp thông tin và tư vấn giáo dục hỗ trợ phụ huynh và học sinh, giúp độc giả tiếp cận thông tin giáo dục một cách dễ dàng và tiện lợi. Một trong những bước tiến quan trọng của Tạp chí Giáo dục Việt Nam là tập trung đầu tư vào các dạng nội dung mới như video hướng dẫn, webinar (hội thảo trực tuyến) và e-books để thu hút thêm nhiều độc giả.
Các sản phẩm tin, bài của Tạp chí điện tử VietTimes cũng được thể hiện theo phong cách hiện đại như tích cực sản xuất các video tin tức, phóng sự và podcast. Đồng thời, tạp chí còn cho phát triển ứng dụng di động Viettimes để đáp ứng được thị hiếu, cũng như thói quen xem video trên điện thoại, máy tính bảng.
Tạp chí điện tử VietnamFinance đã triển khai các công cụ phân tích dữ liệu lớn (Big Data) và trí tuệ nhân tạo (AI) để cá nhân hóa trải nghiệm người dùng, cung cấp thông tin tài chính theo từng nhóm đối tượng cụ thể...
Mỗi tạp chí cần tập trung vào việc hiểu rõ xu hướng và nhu cầu của độc giả thông qua việc thu thập và phân tích dữ liệu người dùng. Từ đó, họ có thể điều chỉnh chiến lược quảng cáo sao cho hiệu quả hơn, không chỉ thu hút độc giả mà còn tạo ra những giá trị thực sự cho các nhà quảng cáo. Bên cạnh đó, việc áp dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI) và phân tích dữ liệu lớn (Big Data) sẽ giúp các tạp chí tối ưu hóa quy trình sản xuất nội dung, cải thiện trải nghiệm người đọc và tăng cường tính tương tác.
Sự chuyển mình cùng kinh tế số không chỉ giúp các tạp chí tăng cường mối quan hệ với độc giả mà còn mở ra nhiều cơ hội kinh doanh mới, từ việc thu hút quảng cáo số đến phát triển các dịch vụ giá trị gia tăng.
Theo định hướng của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ phát triển nhiều nền tảng số như phát thanh trực tuyến, báo điện tử và truyền hình số. Đồng thời, việc sử dụng công nghệ cũng có thể thúc đẩy phát triển hình thức thanh toán điện tử mới là báo chí thu phí. Mặc dù đã có một số tờ báo ở Việt Nam áp dụng hình thức thu phí như VietnamPlus của TTXVN và Tạp chí điện tử Ngày Nay của Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam, nhưng cần phải áp dụng công nghệ một cách sáng tạo hơn để tạo ra các phương tiện thanh toán tiện lợi hơn cho độc giả.
Việc phát triển kinh tế số đòi hỏi sự đầu tư và áp dụng công nghệ một cách thận trọng và linh hoạt, tránh chạy theo thị hiếu một cách máy móc. Điều quan trọng là phải liên tục điều chỉnh và cải tiến trong quá trình thực hiện chuyển đổi để thu được những “trái ngọt” đáng tự hào./.