Trở ngại lớn nhất trong quá trình chuyển đổi số là chậm thay đổi tư duy
Một trong những thách thức đặt ra cho chuyển đổi số báo chí, xuất bản hiện nay là phải thay đổi tư duy, nhận thức về vai trò của chuyển đổi số, đầu tư phát triển nguồn nhân lực số, cũng như tìm được mô hình kinh doanh, mô hình thu nhập mới phù hợp với phương thức sản xuất và phát hành nội dung trên không gian số.
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cũng cho rằng, trở ngại lớn nhất trong quá trình chuyển đổi số là chậm thay đổi tư duy từ lãnh đạo, quản lý đến phóng viên, biên tập viên. Nếu người lãnh đạo quyết liệt chuyển đổi số sẽ dẫn dắt toàn bộ cả tòa soạn cùng chuyển đổi theo.
"Cơ quan báo chí nào có người lãnh đạo am hiểu chuyển đổi số thì tỷ lệ thành công cao hơn các cơ quan khác 30-50%. Trên thế giới, có một số cơ quan báo chí đã tạo ra đại sứ chuyển đổi số trong tòa soạn, làm hạt nhân lan tỏa đến mọi ngóc ngách trong tòa soạn", ông Lê Quốc Minh nói.
Theo ông, chừng nào chưa thay đổi tư duy, người lãnh đạo chưa quyết tâm thì việc chuyển đổi số rất khó khăn.
Trong một cơ quan báo chí, nếu người lãnh đạo có tư duy về chuyển đổi số và muốn chuyển đổi số thì tỷ lệ thành công đã được 60%. Nếu lan tỏa tư duy chuyển đổi số đến mọi ngóc ngách, hoạt động trong tòa soạn thì sẽ có thể chuyển đổi số thành công.
"Trong lĩnh vực báo chí, chuyển đổi số không phân biệt tờ báo lớn hay tờ báo nhỏ. Một tờ báo nhỏ nếu có chiến lược chuyển đổi số hiệu quả, giữ chân được lượng độc giả trung thành và duy trì được nội dung cung cấp cho độc giả thì khả năng chuyển đổi số thành công sẽ cao hơn các tờ báo lớn không có chiến lược đúng đắn", Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nêu rõ.
Ông Lê Quốc Minh nhấn mạnh, cùng với chuyển đổi nội dung, chuyển đổi số báo chí còn là chuyển đổi văn hóa trong tòa soạn, từ khâu quản lý cơ sở hạ tầng bằng hệ thống trí tuệ nhân tạo cho tới quy trình vận hành từ quản trị viên đến biên tập viên, phóng viên... "Mỗi cơ quan báo chí có cách chuyển đổi số khác nhau, công nghệ nào phù hợp với tòa soạn thì đầu tư, áp dụng, không nên chạy theo xu hướng thế giới. Điều quan trọng là tất cả cùng phải làm, vừa làm vừa điều chỉnh thì mới có thể thực hiện chuyển đổi số hiệu quả", ông cho hay.
Ưu tiên Digital không có nghĩa là ưu tiên mạng xã hội
Ông Lê Quốc Minh cho rằng, ưu tiên Digital (kỹ thuật số) nhưng không có nghĩa là ưu tiên mạng xã hội. Đặc biệt, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh, đã đến lúc cần kéo độc giả trở lại với website của báo chí. Cùng với đó, báo in cần được nâng niu và đối xử như một sản phẩm cao cấp, mang lại những thông tin giá trị với chiều sâu cùng sự hiểu biết mà chỉ con người mới có thể mang lại.
Trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế trong nước và thế giới, trong sự lấn lướt, cạnh tranh khốc liệt từ mạng xã hội, trong sự chuyển đổi trong thị hiếu thông tin của công chúng, báo chí thế giới nói chung, báo chí Việt Nam nói riêng cũng đã phải đối mặt với vô vàn những khó khăn, thách thức, trong đó nan giải nhất là vấn đề kinh tế báo chí. Thời gian qua, để duy trì hoạt động, nhiều cơ quan báo chí đã phải thực hiện cắt giảm tối đa chi phí, nhân sự. Tuy nhiên, trong thách thức luôn có cơ hội. Điều quan trọng với các cơ quan báo chí Việt Nam hiện nay là nhìn ra được những cơ hội nào để mỗi cơ quan báo chí, dù là ở Trung ương hay địa phương, dù với quy mô lớn hay quy mô nhỏ đều có thể tìm ra hướng đi cho riêng mình.
TRONG LĨNH VỰC BÁO CHÍ, CHUYỂN ĐỔI SỐ KHÔNG PHÂN BIỆT TỜ BÁO LỚN HAY TỜ BÁO NHỎ. MỘT TỜ BÁO NHỎ NẾU CÓ CHIẾN LƯỢC CHUYỂN ĐỔI SỐ HIỆU QUẢ, GIỮ CHÂN ĐƯỢC LƯỢNG ĐỘC GIẢ TRUNG THÀNH VÀ DUY TRÌ ĐƯỢC NỘI DUNG CUNG CẤP CHO ĐỘC GIẢ THÌ KHẢ NĂNG CHUYỂN ĐỔI SỐ THÀNH CÔNG SẼ CAO HƠN CÁC TỜ BÁO LỚN KHÔNG CÓ CHIẾN LƯỢC ĐÚNG ĐẪN.
Các cơ quan báo chí cần thử nghiệm các mô hình kinh doanh mới
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh cũng chỉ ra những thách thức cũng như cơ hội lớn mà báo chí Việt Nam nói riêng, báo chí thế giới nói chung đang phải đối mặt.
Cụ thể, thứ nhất, là sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo (AI). Khẳng định AI đang góp phần cải thiện công việc của nhà báo, ông Lê Quốc Minh cũng cho rằng, AI mang lại tiềm năng to lớn cho thế giới và cho nghề báo, nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro, do đó, cần phải hết sức thận trọng. Nhiều tòa soạn lớn trên thế giới cũng có chung nỗi lo trước những rủi ro mà AI có thể mang lại, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất nội dung.
Thứ hai, hiện nay, báo chí thế giới cũng phải đối mặt với vấn nạn tin giả. Nhiều đối tượng đã sử dụng AI để bóp méo hình ảnh, tạo ra deep fake gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Thứ ba, việc ngày càng có nhiều thiết bị mới xuất hiện đã và đang tạo ra cơ hội lớn cho báo chí phát triển. "Trong năm 2024, chúng ta sẽ chứng kiến sự xuất hiện của những thiết bị mới ngoài điện thoại thông minh, sử dụng các cách thức tương tác như ra lệnh bằng giọng nói, chuyển động của mắt hoặc tay", ông Lê Quốc Minh chia sẻ.
Nói về những việc cần làm ngay trong thời gian tới, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng: "Các cơ quan báo chí cần phải thúc đẩy để ban hành những quy định pháp lý nhằm bảo vệ tài sản trí tuệ của báo chí, để không bị sử dụng và phân tích bởi các hệ thống AI mà không có sự chấp thuận và không có đền bù tài chính thỏa đáng. Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí cũng cần tìm ra thị trường ngách, thử nghiệm các mô hình kinh doanh mới. Cần xác định rõ đối tượng độc giả để có thể phát triển những mô hình kinh tế báo chí với biên lợi nhuận cao, người dùng trung thành hoặc mối quan hệ trực tiếp với các nhà quảng cáo cụ thể mà không bị lệ thuộc vào các nền tảng công nghệ. Ngoài quảng cáo, các cơ quan cần tìm kiếm các nguồn doanh thu khác, trong đó doanh thu từ độc giả phải được coi là chiến lược bền vững hàng đầu", ông Lê Quốc Minh gợi ý.
Các tạp chí cần phát huy thế mạnh, tránh để nhạt nhòa
Nhà báo Lê Quốc Minh gợi mở, điểm quan trọng là mỗi tạp chí phải tìm ra thế mạnh riêng của mình, ngách riêng của mình, thay vì phát triển nhạt nhòa không có bản sắc. Các tạp chí nước ngoài dù là về xe cộ, nội thất hay làm vườn, họ đều có cách làm nhất quán, đi theo con đường của riêng họ. Mặc dù ở nước ngoài, cũng có nhiều tạp chí gặp khó khăn nhất định nhưng nhiều tạp chí khác lại chiếm ưu thế so với báo tổng hợp nhiều lĩnh vực. "Bằng chứng là trong làng báo in ở nước ngoài, số lượng đầu báo gặp khó khăn, thậm chí phải giải thể cao hơn nhiều so với các tạp chí do các tạp chí vẫn giữ được ngách riêng của họ. Đây là điều mà các tạp chí Việt Nam cần phải học hỏi. Chúng ta phải kiên định đi theo tôn chỉ mục đích của mình, phát huy thế mạnh của mình thay vì đi theo hướng phát triển nhạt nhòa, không rõ ràng, điều này sẽ càng làm cho tạp chí gặp khó khăn.
Các tạp chí bỏ công sức, tiền của cho các nội dung có hàm lượng chất xám cao rồi lại đưa miễn phí lên Internet. Trong môi trường mà AI phát triển như hiện tại, tôi có lời khuyên là chúng ta không nên cho các công ty công nghệ tự ý sao chép nội dung của chúng ta, bởi vì họ sẽ dựa vào dữ liệu đó để "dạy" cho AI cách sao chép nội dung. Nếu xu thế này kéo dài, sẽ đến lúc người ta không cần báo chí nữa. Chúng ta phải bảo vệ bản quyền, không để họ sử dụng nội dung làm lợi cho họ trong khi nguồn lợi đó đáng ra thuộc về cơ quan tạo ra nội dung gốc", Tổng Biên tập báo Nhân Dân chia sẻ trong một bài phỏng vấn nhân dịp Hội Báo toàn quốc năm 2024.
Đạo đức nghề báo và kinh tế báo chí phải được hiểu một cách thấu đáo
Đạo đức nghề nghiệp ở tất cả các ngành nghề đều quan trọng, nhưng riêng trong lĩnh vực báo chí thì còn quan trọng hơn rất nhiều. Mỗi vấn đề cần được nói lên ở mức độ nào, cách thức truyền tải như thế nào đều thể hiện trách nhiệm của người làm báo với công chúng. Mỗi người làm báo phải ý thức rõ vấn đề này, phải xem đó là những nguyên tắc bất di bất dịch của nghề báo. Thời gian qua, một bộ phận nhà báo đã có những hành vi sai trái, thậm chí là vi phạm pháp luật và làm mất niềm tin của độc giả. Nhưng không thể lấy khó khăn về tài chính, về cơ chế để biện minh cho những việc làm sai trái của các cơ quan báo chí hay các cá nhân, các nhà báo. Sứ mệnh của báo chí là phụng sự độc giả, khán thính giả, phục vụ nhân dân. Ông Lê Quốc Minh cho biết, thời gian tới, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ tăng cường phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và Ban Tuyên giáo Trung ương, đảm bảo về mặt định hướng thông tin tuyên truyền, phối hợp thắt chặt quản lý các cơ quan báo chí, cá nhân vi phạm. "Những cơ quan báo chí vi phạm nhiều lần, chúng tôi sẽ kiến nghị có những giải pháp mạnh tay, thậm chí là rút giấy phép, lãnh đạo các báo có phóng viên vi phạm cũng phải chịu trách nhiệm," ông Minh nhấn mạnh.
CHÚNG TA PHẢI KIÊN ĐỊNH ĐI THEO TÔN CHỈ MỤC ĐÍCH CỦA MÌNH, PHÁT HUY THẾ MẠNH CỦA MÌNH THAY VÌ ĐI THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN NHẠT NHÒA, KHÔNG RÕ RÀNG, ĐIỀU SẼ CÀNG LÀM CHO TẠP CHỈ GẶP KHÓ KHĂN.
Cần đa dạng hóa nguồn thu
Tình trạng sụt giảm nguồn thu của báo chí, đặc biệt là báo in, đã được dự liệu từ trước và thực tế đã khởi phát từ nhiều năm qua. Nhưng không chỉ báo in mà phát thanh truyền hình và ngay cả báo điện tử cũng không đủ sức hút với cả độc giả và doanh nghiệp trước sự lấn át của mạng xã hội, vì thế doanh thu đi ngang hoặc thậm chí đi xuống. Lý do là nguồn lực quảng cáo dành cho digital nói chung tăng lên, nhưng một tỷ lệ khá lớn rơi vào túi các ông lớn như Google, Facebook... và một số nền tảng công nghệ lớn khác. Theo nhiều nghiên cứu, trong tương lai, những cơ quan báo chí phụ thuộc quá nhiều vào quảng cáo chắc chắn sẽ còn gặp khó khăn hơn. Gần đây, các cơ quan chức năng đã tích cực vào cuộc để gỡ khó cho bài toán kinh tế báo chí. Đơn cử đã có những văn bản của Chính phủ yêu cầu phải tăng cường truyền thông chính sách và đặt hàng các cơ quan báo chí. Đây là giải pháp rất quan trọng có thể giúp các cơ quan báo chí có nguồn thu một cách đúng đắn. Đặc biệt, Chỉ thị số 07/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ thể hiện sự đổi mới trong tư duy về công tác truyền thông chính sách của các cơ quan Nhà nước, yêu cầu các bộ, ngành, chính quyền địa phương bố trí bộ máy, con người và nguồn lực ngân sách phù hợp cho công tác này, trong đó có ngân sách để đặt hàng giao nhiệm vụ cho báo chí tham gia truyền thông chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Cách làm này rất đúng, bởi báo chí đã dành thời lượng và dung lượng nhất định để tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước cũng như địa phương, thì việc được cung cấp một khoản kinh phí từ ngân sách là điều dễ hiểu và đương nhiên.
Dẫu vậy, từ mục đích rất đúng đắn đó cho đến việc thực hiện đang còn nhiều khó khăn. Ví dụ như một số cơ quan báo chí cho rằng, việc xây dựng định mức khó khăn hoặc định mức còn thấp do tính theo tiền lương cơ sở, rồi khoản chi ngân sách cho báo chí còn thấp (chi thường xuyên dưới 0,5%, chi đầu tư dưới 0,3%). Đó là những điểm vướng phải được tháo gỡ để giúp báo chí có nguồn kinh phí trong khi đóng góp vào việc tuyên truyền chính sách. Ngoài ra còn phải kể đến vấn đề thuế báo chí, tuy đã được đề cập từ lâu nhưng vẫn chưa có giải pháp rõ ràng. Theo nhiều cơ quan báo chí, trong bối cảnh kinh tế báo chí khó khăn, nguồn thu giảm mạnh, việc bãi bỏ quy định trong Thông tư 150/2010/TT-BTC "chi phí tiền lương tính vào chi phí hợp lý khi xác định thu nhập chịu thuế doanh nghiệp của báo là số tiền thưởng báo thực trả cho người lao động, có chứng từ hợp lệ, hợp pháp" sẽ khiến nhiều cơ quan báo chí tự chủ tài chính đối diện với rất nhiều khó khăn trong khi vẫn phải thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị. "Tôi luôn giữ quan điểm rằng trong câu chuyện kinh tế báo chí thì sự chủ động, nỗ lực tự thân của các tòa soạn mới là yếu tố căn bản cho sự phát triển bền vững của báo chí. Doanh thu quảng cáo tuy vẫn giữ vai trò quan trọng nhưng không còn là khoản thu lớn như trước kia, và nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng báo chí không nên quá lệ thuộc vào nguồn thu quảng cáo. Thực tế cũng cho thấy nguồn thu từ quảng cáo trực tuyến dù tăng cũng không thể bù đắp khoản sụt giảm của nguồn thu báo in. Các nguồn thu từ truyền thông chính sách chẳng hạn, là yếu tố rất quan trọng nhưng hãy xem đây là một phần tạo nên nguồn thu của cơ quan báo chí. Chúng ta phải xác định, Nhà nước chỉ tạo điều kiện thuận lợi, chứ không thể làm thay việc của các cơ quan báo chí. Các cơ quan báo chí không nên quá lệ thuộc, quá trông chờ vào duy nhất nguồn thu này mà cần phải tự nỗ lực để vươn lên, chủ động hơn nữa nhằm đa dạng hóa các mô hình kinh doanh, từ đó đa dạng hóa nguồn thu. Theo các nghiên cứu của quốc tế, mỗi cơ quan báo chí cần phải áp dụng tối thiểu 3 - 4 mô hình kinh doanh thì mới có thể tồn tại và phát triển bền vững," Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phân tích. Cũng theo ông Lê Quốc Minh, nhìn ra thế giới, câu chuyện sống được thông qua nỗ lực đa dạng hóa nguồn thu được nhận diện tại nhiều tờ báo lớn. Chẳng hạn tờ Guardian kết hợp giữa thu phí trên ứng dụng đọc tin với mô hình tài trợ, quảng cáo digital, doanh thu từ các nền tảng công nghệ và cơ quan đoàn thể, và cả tổ chức sự kiện. Financial Times, vốn thành công với mô hình thu phí đọc báo điện tử, cũng áp dụng mô hình quảng cáo hiển thị và bài viết quảng cáo (native advertising), ngoài ra còn có dịch vụ tư vấn truyền thông, đồng thời tổ chức sự kiện khá rầm rộ, chẳng hạn như sự kiện thường niên FT Weekend Festival.
NHIỀU TỜ BÁO NHƯ WASHINGTON POST CÒN TẠO NGUỒN THU TỪ CẢ THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ, KINH DOANH DỮ LIỆU, KINH DOANH CẢ CÔNG NGHỆ. WASHINGTON POST TỰ XÂY DỰNG MỘT HỆ THỐNG QUẢN TRỊ NỘI DUNG (CMS) VÀ NÓ TỐT ĐẾN MỨC SAU KHI SỬ DỤNG HIỆU QUẢ TRONG TÒA SOẠN THÌ HỌ ĐÃ BÁN CHO 400 CƠ QUAN BÁO CHÍ KHÁC TRÊN TOÀN THẾ GIỚI.
Thậm chí, nhiều tờ báo như Washington Post còn tạo nguồn thu từ cả thương mại điện tử, kinh doanh dữ liệu, kinh doanh cả công nghệ. Washington Post tự xây dựng một hệ thống quản trị nội dung (CMS) và nó tốt đến mức sau khi sử dụng hiệu quả trong tòa soạn thì họ đã bán cho 400 cơ quan báo chí khác trên toàn thế giới. Một số cơ quan báo chí ở Việt Nam cũng đã cố gắng đa dạng hóa nguồn thu, chẳng hạn như tổ chức sự kiện, các giải đấu thể thao, thử nghiệm thu phí digital, tuy nhiên hiệu quả mới chỉ đạt ở mức khiêm tốn. "Cần phải khẳng định ngay rằng việc này rất khó, đặc biệt trong bối cảnh chúng ta phải cạnh tranh với các tập đoàn công nghệ liên tục có cách thức mới, cộng thêm hành vi người dùng đã thay đổi rất nhiều. Tuy nhiên, quan điểm của tôi là báo chí phải dám chấp nhận rủi ro để thử nghiệm những cách làm mới mẻ và tìm ra cách thức nào phù hợp với mình nhất. Thêm vào đó là phải kiên trì và bền bỉ, dám đi đến cùng với những thử nghiệm, kiên định bám chắc những thế mạnh riêng có của mình. Thành công sẽ không đến với những ai không có sự bền tâm, vững chí," ông Lê Quốc Minh nhấn mạnh.
Ứng dụng công nghệ để kiến tạo nguồn thu
Bàn về câu chuyện đa dạng hóa nguồn thu, trả lời phỏng vấn Báo điện tử Nhà báo và Công Luận, ông Lê Quốc Minh cho rằng, thành công của báo chí thế giới chính là minh chứng cho việc ứng dụng công nghệ để kiến tạo nguồn thu. Nói chuyển đổi số là yếu tố sống còn với các tòa soạn, không chỉ tạo ra những cơ hội phát triển mới mà còn đem lại sự đa dạng về nguồn thu, giúp báo chí đa dạng hóa mô hình kinh doanh là vì vậy. Kinh doanh dữ liệu, thương mại điện tử, tiếp thị liên kết hay trở thành đối tác kinh doanh của các nền tảng số là ví dụ. Mô hình kinh doanh báo chí tương lai sẽ tập trung nhiều vào chuyển đổi số, dữ liệu số, đa kênh, đa dạng hóa nguồn thu từ việc hợp tác, liên kết với các ngân hàng, doanh nghiệp... "Tại Báo Nhân Dân, chúng tôi đã xây dựng một chiến lược chuyển đổi số gồm 11 trụ cột rất rõ ràng, từ việc phát triển theo mô hình cơ quan báo chí - công nghệ, phát triển đa nền tảng, thúc đẩy tư duy sản phẩm, ứng dụng AI... Báo đã áp dụng cách thức làm báo hiện đại, đặc biệt đầu tư báo chí dữ liệu mạnh mẽ để tạo ra những sản phẩm độc đáo, hấp dẫn, tăng mức độ tương tác với bạn đọc," ông Lê Quốc Minh chia sẻ. Cũng theo Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, bảo vệ bản quyền báo chí là điều kiện tiên quyết để bảo vệ nguồn tài chính của cơ quan báo chí cũng như thực thi hiệu quả các mô hình kinh doanh nội dung số, góp phần giải bài toán về kinh tế báo chí truyền thông ở các cơ quan báo chí hiện nay. Vì thế, đó là việc không những cần làm ngay mà phải làm quyết liệt, làm đến cùng và cần sự chung tay của nhiều phía. Về phía Hội Nhà báo Việt Nam, Hội chủ trương trong thời gian tới phải bắt đầu "cuộc chiến tổng lực" để bảo vệ bản quyền báo chí bởi nếu không, báo chí sẽ rất khó tiếp tục tồn tại và phát triển. "Trong cuộc làm việc gần đây với tập đoàn Google, chúng tôi đã trao đổi thẳng thắn về việc Google phải giúp báo chí Việt Nam làm được ba việc. Đầu tiên, Google phải bảo đảm được vấn đề bản quyền cho báo chí. Google có công cụ, có nền tảng để hỗ trợ việc bảo vệ bản quyền, những đối tượng 'trộm', 'xào nấu' nội dung cần phải được dần dần để giúp báo chí bảo vệ bản quyền. Tiếp đến, Google cần giúp báo chí bảo vệ nguồn thu. Sau cùng, Google cần giúp báo chí về đào tạo. Vừa qua, tập đoàn này đã phối hợp Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức chương trình đào tạo rất quy mô, kéo dài trong 5 tháng và mang lại nhiều hiệu quả, và chúng tôi dự kiến sẽ tiếp tục các chương trình đào tạo như vậy trong những năm tiếp theo. Sự tiến bộ về công nghệ cùng sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội khiến cho cuộc chiến chống vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Nhưng khó không có nghĩa là không thể. Nếu chưa bảo vệ được bản quyền báo chí thì không thể hoạt động một cách chuyên nghiệp chứ chưa nói đến phát triển lành mạnh. Vì thế, các cơ quan báo chí nên nắm tay nhau, sát cánh cùng Hội Nhà báo Việt Nam trong cuộc chiến này," nhà báo Lê Quốc Minh nhấn mạnh./.