Theo kết quả vừa được NielsenIQ - công ty nghiên cứu thị trường hàng đầu đến từ Mỹ công bố (dựa trên số liệu nghiên cứu tại thị trường Việt Nam trong 1 năm, từ tháng 7/2023 đến tháng 6/2024), Nutifood vươn lên Top 1 thị phần mảng sữa bột pha sẵn trẻ em tại Việt Nam.

Cụ thể, trong phân khúc sữa bột trẻ em pha sẵn, Nutifood chiếm đến 42,3% thị phần sản lượng, gấp 2,6 lần so với doanh nghiệp đứng thứ 2 trong bảng xếp hạng. Đặc biệt, nhãn hiệu Nutifood GrowPLUS+ cũng đứng đầu bảng xếp hạng về thị phần trong phân khúc sữa bột và sữa bột pha sẵn cho trẻ em trong 5 năm liên tiếp (2019-2023).

Nutifood hiện là công ty sữa đứng thứ ba trên thị trường xét theo quy mô doanh thu. Công ty chủ yếu cung cấp các sản phẩm được làm từ sữa như sữa bột, sữa chua, sữa tiệt trùng, với các thương hiệu nổi tiếng như GrowPlus+, Riso Opti Gold, Nuti IQ, Dr. Lucen, Nuvita, Nuvita Grow, Diabet Care, EnPlus, Nuti… 

Nhà máy sữa của Nutifood tại Thụy Điển.
Nhà máy sữa của Nutifood tại Thụy Điển.

Nutifood có 6 nhà máy ở Việt Nam và 1 nhà máy ở Thụy Điển, 2 trung tâm nghiên cứu dinh dưỡng và trang trại bò sữa NutiMilk hơn 1.000 ha tại Gia Lai với đàn bò sữa hơn 10.000 con, vận hành nông trại 1.400 ha cà phê CADA đạt chứng nhận về phát triển bền vững và truy xuất nguồn gốc cà phê sạch (UTZ).

Để có được vị thế đó, trong suốt chặng đường phát triển của công ty, bác sĩ - Tổng Giám đốc Nutifood Trần Thị Lệ sẵn sàng đến với những vùng sâu vùng xa để hiểu thể trạng của trẻ em và luôn có mặt trong những lần sóng to gió lớn để lãnh đạo con thuyền Nutifood vững vàng tiến về phía trước.

Tuy nhiên, ít người biết, đúng lúc Nutifood gặp khó khăn nhất, tưởng chừng không thể vực dậy được, bà Lệ đã được “soái ca” giúp đỡ mà không ai khác chính là chồng bà - doanh nhân Trần Thanh Hải. Thời điểm đó ông đang là một doanh nhân thành đạt nổi tiếng trong lĩnh vực bất động sản nhưng đã không ngại ngần bán hết tài sản để mua lại cổ phần NutiFood. Chính ông đã cùng bà lái “chiếc thuyền Nutifood” vượt qua sóng lớn, ra khơi bình an. Điều này cho thấy sự ủng hộ và tin tưởng tuyệt đối của một người chồng dành cho vợ.

Hành động đó của ông Hải dành cho bà Lệ khiến bất cứ ai biết đến câu chuyện này đều phải ngưỡng mộ và cảm phục. Phải yêu vợ đến nhường nào thì người chồng mới có thể từ bỏ công việc của mình, tình nguyện cống hiến vì Nutifood nhiều đến thế.

Để hiểu được bí mật thành công và câu chuyện tình đẹp như cổ tích của này, hãy cùng chúng tôi bắt đầu từ những ngày đầu tiên khởi nghiệp của bà Trần Thị Lệ.

Từ bác sĩ bất ngờ chuyển hướng kinh doanh 

Sinh ra ở thị trấn Ngô Mây huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định vào những năm 70, có lẽ bà Trần Thị Lệ chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ là doanh nhân. Mơ ước của bà là trở thành bác sĩ để chữa bệnh cứu người. Sau khi tốt nghiệp Đại học Y Tây Nguyên, ra trường với tấm bằng bác sĩ đa khoa, bà vào TP.HCM lập nghiệp và làm việc tại Cơ sở Thực phẩm Đồng Tâm. Cơ sở này chuyên ứng dụng các đề tài nghiên cứu của các chuyên gia dinh dưỡng để sản xuất các sản phẩm phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em và nuôi ăn bệnh nhân nặng trong bệnh viện.

Nữ Tổng Giám đốc Nutifood nhớ lại, khi làm việc tại trung tâm và những lần đi thực nghiệm, bà được tiếp xúc với nhiều bệnh nhân, trẻ em và cả phụ nữ mang thai không đủ dinh dưỡng.

Giải mã bí mật đằng sau thành công của “Nữ tướng” Nutifood Trần Thị Lệ - ảnh 2

Cuối những năm 80, đầu 90 của thế kỷ trước, điều kiện sống của người dân phần nhiều là khó khăn. Các sản phẩm dinh dưỡng rất hiếm và đắt, đa số người dân đều nghèo, chưa nghĩ tới bồi bổ sức khỏe, họ còn không có tiền chữa bệnh. Trung bình cứ 10 trẻ em đến nhập viện thì có 2-3 trẻ tử vong vì tình trạng suy dinh dưỡng, không đủ sức khỏe để điều trị bệnh.

Vì vậy, một vị bác sĩ đã mày mò, tìm hiểu các loại thực phẩm, cho vào chiếc máy xay sinh tố, thêm men tiêu hóa vào đó giúp nuôi ăn trẻ nhỏ qua ống thông dạ dày. Việc làm tưởng chừng đơn giản đó đã giúp cứu sống hàng ngàn trẻ em.

Tuy nhiên, đó chỉ là biện pháp nhất thời, nhiều bác sĩ ở trung tâm cảm thấy thực sự cần phải có một cơ sở sản xuất thực phẩm dinh dưỡng. Từ đó, họ cùng nhau nghiên cứu và lập nên một cơ sở mang cái tên rất ý nghĩa là Cơ sở thực phẩm Đồng Tâm - tiền thân của Nutifood ngày nay.

Thời điểm đó, bà Trần Thị Lệ đặc biệt yêu thích nghiên cứu dinh dưỡng nên từ năm 1999 đã được phân công về làm trợ lý cho chủ nhiệm Cơ sở Đồng Tâm. "Từ trạm nghiên cứu dược liệu những năm 80, rồi đến hình ảnh chiếc máy xay sinh tố. Là những bác sĩ, chúng tôi hiểu thể trạng của trẻ em Việt, để phối hợp nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành để có sản phẩm tăng cường sức đề kháng, tối ưu chuyển hóa dinh dưỡng cho trẻ", bà Lệ nhớ lại.

Giải mã bí mật đằng sau thành công của “Nữ tướng” Nutifood Trần Thị Lệ - ảnh 3

Xuất phát từ một bác sĩ đi làm sữa đặc trị, bà Lệ có sẵn nền tảng kiến thức về y khoa và một chữ tâm hết lòng vì người tiêu dùng. Là người học y, bà hiểu rằng suy dinh dưỡng ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ nhỏ ở nhiều phương diện, từ tầm vóc, trí não cho đến tinh thần và thể lực. Từ những trăn trở đó, bà và các cộng sự của mình có một sự thôi thúc phải hành động, góp phần thay đổi hiện trạng này cho trẻ em Việt Nam.

Lý tưởng mà bà và các bác sĩ kinh doanh sản phẩm liên quan trực tiếp sức khỏe, thể chất của trẻ em trong những ngày đầu khởi nghiệp luôn theo đuổi là làm sao để các em bé đều có cơ hội công bằng về mặt dinh dưỡng, để các em có một nền tảng vững vàng trước khi bước vào đời.

Năm 2000, ở tuổi 27 bà được mời về giữ vị trí Giám đốc khi quy mô công ty còn rất nhỏ. Mặc dù bản thân bà cũng chưa hiểu biết nhiều về kinh doanh nhưng đã có tham vọng phát triển công ty thành tập đoàn lớn mạnh về thực phẩm dinh dưỡng, không chỉ ở Việt Nam mà còn vươn tầm ra thế giới.

30 tuổi, nữ doanh nhân trở thành cổ đông lớn nhất của Nutifood và là Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng Đồng Tâm. Sau đó, bà đổi Công ty cổ phần thực phẩm dinh dưỡng Đồng Tâm sang một tên gọi dễ nhớ hơn và làm nổi bật sứ mệnh mà công ty đang hướng tới là: Nutifood.

Những ngày đầu khởi nghiệp, mỗi ngày bà Trần Thị Lệ chỉ ngủ chưa tới 5 tiếng để tập trung cho công việc. Buổi tối bà chỉ kịp ăn vội ổ bánh mì để có thời gian học thêm quản trị doanh nghiệp, marketing…

Đáng chú ý, năm 2007, Nutifood tăng trưởng “thần tốc”, trung bình 237% mỗi năm và từ một cơ sở nhỏ lẻ, doanh số công ty đã chạm mốc 500 tỷ đồng. Tưởng chừng những nỗ lực của nữ bác sĩ đã được đền đáp song khó khăn lại ập đến để thử thách bà và tình yêu của chồng bà.

Lần “thoát hiểm” không thể nào quên

Nhìn lại chặng đường thành công của Nutifood, chúng tôi nhận thấy vai trò và đóng góp của doanh nhân Trần Thị Lệ thể hiện rõ nhất là năm bà 35 tuổi (cuối năm 2008), khi bà quay trở lại với vị trí Tổng Giám đốc. Đó cũng là quãng thời gian bà cảm nhận được sâu sắc nhất tình cảm của người chồng dành cho mình.

Một thời gian ngắn trước đó, bà Lệ rời khỏi vị trí Tổng Giám đốc để dành thời gian cho bản thân và học hỏi thêm nhằm tập trung cho các dự án khác, Hội đồng quản trị Nutifood quyết định mời những người giàu kinh nghiệm từ các công ty đa quốc gia về giúp sức bởi tham vọng muốn Nutifood đi nhanh hơn, chuyên nghiệp hơn. Tuy nhiên, chiến lược tái định vị hình ảnh này lại xa rời giá trị cốt lõi là “chuyên gia dinh dưỡng”, dẫn tới thất bại nặng nề. Chỉ trong 1 năm, NutiFood rơi vào vòng khủng hoảng tài chính và thua lỗ gần hết số vốn điều lệ là 148 tỷ đồng. Thất bại đó chính là bài học “xương máu” đối với Ban lãnh đạo NutiFood. Hội đồng quản trị thành khẩn mời bác sĩ Lệ quay lại điều hành để “đánh thức” công ty.

Đằng sau người phụ nữ thành đạt như bà Trần Thị Lệ là một người chồng chuẩn “soái ca” là ông Trần Thanh Hải. (Ảnh: Forbes Vietnam)
Đằng sau người phụ nữ thành đạt như bà Trần Thị Lệ là một người chồng chuẩn “soái ca” là ông Trần Thanh Hải. (Ảnh: Forbes Vietnam)

Giữa lúc nhiều cổ đông rời Nutifood, bà Lệ đã phải tìm tới “quyền trợ giúp” là chồng bà - doanh nhân Trần Thanh Hải. Ông Hải xuất thân từ Đại học Nông Lâm TP.HCM, làm việc trong cơ quan Nhà nước trước khi chuyển qua kinh doanh bất động sản. Thời điểm bà Lệ gặp khó khăn nhất, ông Hải vẫn là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Đầu tư Đất Thắng. Hiểu được đam mê, tin tưởng vào ý nghĩa công việc của vợ, ông đã chấp nhận bán hết các tài sản của mình ở lĩnh vực bất động sản để lấy tiền mua lại cổ phần Nutifood và trở thành cổ đông lớn nhất.

Ban đầu, ông Hải chỉ định giúp vợ vài năm rồi sau đó quay lại bất động sản nhưng lại bị sữa "bỏ bùa" và vẫn làm đến hiện tại. Sau này kể lại với báo chí ông vẫn đùa rằng: "Ở nhà tôi không biết làm gì nên vợ kêu lên làm Chủ tịch Hội đồng quản trị” nhưng hiểu được câu chuyện đằng sau câu nói đó của ông, rất nhiều người đã phải “ngả mũ” thán phục.

Được sự giúp đỡ, ủng hộ hết mình từ chồng, bà Trần Thị Lệ lập tức bắt tay vào công cuộc đại phẫu cấu trúc toàn bộ các phòng ban, bộ phận công ty theo thứ tự ưu tiên từ việc lớn đến việc nhỏ. Nữ Tổng Giám đốc chia sẻ, ở giai đoạn khó khăn đó, trong đầu bà chỉ vang lên câu hỏi làm cách nào để đưa doanh nghiệp mà mình gây dựng bao năm trở lại như thời kỳ phát triển ban đầu và tự nhủ: "Không còn đường nào xuống thì chỉ có cách đi lên". Bởi luôn coi “Nutifood là máu thịt” nên bà lao vào làm việc bằng tất cả tình yêu và đam mê.

“Khi đó, chúng tôi lỗ 147 tỷ đồng, gần hết vốn điều lệ, thiếu tiền mặt. Sản phẩm mới nhất vừa giới thiệu ra thị trường không bán được, trong khi ngân sách marketing đã chi hết. Chúng tôi còn hàng hóa tồn kho khoảng 3-6 tháng, chưa kể tồn bao bì ở nhà cung cấp, tồn hàng ở nhà phân phối. Nhân viên nhà máy lúc đó chỉ chờ nghỉ việc”, bà Lệ nhớ lại.

Nữ doanh nhân cho biết khi trở lại điều hành, bà đã chọn việc đầu tiên là thuyết phục nhân viên ở lại đồng cam cộng khổ: “Tôi chia sẻ hiện trạng, tầm nhìn và cách vực dậy công ty với các nhân sự chủ chốt. Có người ủng hộ nhưng cũng có người không tin. Một số nhân sự cấp cao không những không có chung tầm nhìn mà còn làm nản lòng mọi người, tôi đành chia tay họ và chiêu dụ người phù hợp. Lúc đó, tôi thay đổi 4 vị trí, kể cả Giám đốc tài chính, marketing, bán hàng và nhân sự. Giờ nghĩ lại, tôi vẫn thấy xúc động với đội ngũ quản lý mới đồng lòng, làm việc ngày đêm không về nhà”, bà chia sẻ.

Chỉ sau 3 tháng, nhờ nỗ lực của bản thân cùng tinh thần làm việc, cống hiến hết mình của những người cộng sự, Nutifood bắt đầu giảm lỗ và đến tháng thứ tư đã có lãi trở lại.

2 vị “thuyền trưởng” vững tay chèo

Thực tế cho thấy, Nutifood bắt đà tăng trưởng nhanh trở lại kể từ khi ông Trần Thanh Hải cùng vợ lãnh đạo và về làm Chủ tịch HĐQT. Mặc dù là "người đến sau" của NutiFood nhưng ông Hải lại góp sức rất lớn vì là người đưa ra những quyết định quan trọng giúp thương hiệu vươn lên trở thành công ty sữa đứng Top đầu tại thị trường Việt Nam.

Sự trở lại của bác sĩ Lệ và chồng sau biến cố tái cấu trúc Nutifood đã đưa công ty trở lại quỹ đạo hưng thịnh trước đó. Với chiến lược cải tổ quyết liệt và thẳng tay, vợ chồng bà đã “đánh thức” thành công công ty vào năm 2011, Nutifood lãi tới 51 tỷ đồng.

Trong công việc, bà Lệ và ông Hải rất tôn trọng nhau, cùng thoả thuận với nhau một nguyên tắc quan trọng trong điều hành, đó là: Nếu người này đã quyết định thì người kia sẽ không làm khác. Ngoài ra, ông Hải cũng tự đặt ra nguyên tắc là "không can thiệp vào chuyên môn của các bác sĩ làm sữa". 

Thay vì cắt giảm chi phí để đối phó với khó khăn, 2 vị “thuyền trưởng” của Nutifood quyết định đầu tư mạnh cho nghiên cứu và phát triển. Ngân sách dành cho nghiên cứu và phát triển mỗi năm của Nutifood lên đến 200 tỷ đồng và mức chi này được duy trì cho đến nay. Với định hướng muốn làm ra những gì tốt nhất, Nutifood không tiếc tiền đổi mới công nghệ, luôn chọn máy móc hiện đại nhất nhằm đáp ứng quy trình cao nhất và mong muốn tốt nhất.

Giải mã bí mật đằng sau thành công của “Nữ tướng” Nutifood Trần Thị Lệ - ảnh 5

Để vượt qua giai đoạn sóng gió nhất, ban ngày bà Lệ và các cộng sự làm việc, ban đêm bắt đầu di chuyển, tận 2h sáng mới đến khách sạn. Sáng sớm đi gặp đối tác, rồi lại tiếp tục điều hành. Chính từ những chuyến đi đó, bà tận mắt nhìn thấy những cô cậu bé 8 tuổi nhưng thể trạng thấp còi, chiều cao chỉ ngang đứa trẻ 4 tuổi.

Từ đó, bà Lệ và đội ngũ công ty nghiên cứu dòng sản phẩm đặc trị cho trẻ Việt Nam mắc chứng suy dinh dưỡng với mong ước góp phần giúp thế hệ tương lai của Việt Nam cao lớn, khoẻ mạnh, thông minh. Sản phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ em suy dinh dưỡng, thấp còi ra đời năm 2012, góp phần cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng cho trẻ em Việt Nam, giúp Nutifood vượt qua những tập đoàn hùng mạnh nhất của nước ngoài, trở thành sản phẩm đặc trị cho trẻ em Việt Nam.

Nutifood phát triển nhanh chóng và “tỏa sáng” bên cạnh tên tuổi lâu đời của thị trường sữa Việt Nam là Vinamilk (1976) do bà Mai Kiều Liên “chèo lái”, cùng một tên tuổi mới phát triển sau đó là TH True Milk (2008) do bà Thái Hương dẫn dắt.

Cuối năm 2014, Nutifood trở thành nhà tài trợ cho Câu lạc bộ bóng đá Hoàng Anh Gia Lai mùa giải 2015 với tổng tài trợ khoảng 15 tỷ đồng (mức tài trợ lớn nhất trước giờ khai cuộc với một câu lạc bộ chuyên nghiệp). Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hoàng Anh Gia Lai từng tiết lộ, với khoản tài trợ đó của Nutifood, năm 2015 cũng là năm đầu tiên Câu lạc bộ này có lãi sau 12 năm gắn bó với bóng đá đỉnh cao ở Việt Nam. 

icon Quote

Một khi nhìn thấy cơ hội lớn nào đó thì chị nhất định phải làm ngay lập tức và làm bằng được, trong rất nhiều trường hợp bất chấp năng lực của con người sẵn có, năng lực đội ngũ, năng lực của hệ thống quản trị và điều hành, năng lực của hệ thống kinh doanh đã sẵn sàng để thu nạp và thực thi ý tưởng kinh doanh lớn đó tới thành công hay chưa.

Ông Trần Bảo Minh lý giải về sự thành công của CEO Nutifood Trần Thị Lệ
kinhdoanhvaphattrien.vn

Nói về quyết định sử dụng bóng đá để quảng cáo sữa, ông Hải lý giải: "Bóng đá là hình ảnh rõ nét nhất cho câu chuyện về dinh dưỡng bởi môn thể thao đỉnh cao này đòi hỏi thể lực và sức vóc rất lớn. Thông qua bóng đá mà nói về chuyện dinh dưỡng cộng đồng, đó là cách truyền tải trực quan và hiệu quả nhất". 

Và lần đầu tiên trong lịch sử, U19 Việt Nam đi thi đấu quốc tế với hệ thống đầu bếp và bác sĩ riêng để đảm bảo chế độ dinh dưỡng. Cùng năm đó, đội tuyển Việt Nam với màn trình diễn tuyệt vời của các cầu thủ đã tạo ra rất nhiều điều bất ngờ. Từ đó, hình ảnh Nutifood cũng tràn ngập sân cỏ đi kèm với những thông tin tích cực. Giới chuyên gia nhận định đây là chiến lược quảng bá sáng suốt của Nutifood trong việc phát triển thương hiệu, đồng thời giúp công ty này tiếp cận rộng rãi hơn với mọi khách hàng.

Ngoài việc bắt tay làm thương hiệu với bầu Đức (ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai), Nutifood đã có những giải pháp tài chính thông minh bằng việc áp dụng chiến lược phát triển bằng nguồn lực tự có, hạn chế tối đa việc vay vốn ngân hàng, yêu cầu các nhà cung cấp nguyên liệu cho trả chậm trong vòng 45 ngày, giảm được gánh nặng về lãi suất và hạn chế chi phí tồn kho.

Trong 3 năm liên tiếp từ 2016, 2017, 2018, sản phẩm GrowPlus dành cho trẻ em suy dinh dưỡng thấp còi liên tục đứng đầu Việt Nam trong ngành sữa. Đặc biệt, sữa bột pha sẵn của Nutifood cũng liên tục đứng đầu thị phần sản lượng trong nước.

Với mong muốn mang đến các sản phẩm chất lượng cao theo tiêu chuẩn của FAO (Tổ chức Nông lương quốc tế) và có sự chủ động về vùng nguyên liệu sản xuất sữa tươi, năm 2018, Nutifood chính thức mua lại trang trại bò sữa của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (ở cao nguyên Mang Yang, tỉnh Gia Lai), sau khi Hoàng Anh Gia Lai tái cấu trúc, rút khỏi lĩnh vực chăn nuôi bò. Bà Lệ cùng chồng đã đầu tư giống nhập khẩu từ Mỹ và châu Âu, áp dụng quy trình nuôi dưỡng của Thụy Điển, năm 2020 trang trại này cho ra những sản phẩm sữa tươi tương đương sản phẩm của Châu Âu.

Trong hơn 20 năm kinh doanh lĩnh vực cạnh tranh khốc liệt là sữa và các sản phẩm dinh dưỡng, đại dịch Covid-19 là cũng là một trong những cuộc khủng hoảng lớn mà nữ thuyền trưởng NutiFood phải đối mặt.

Trước dịch, Nutifood có 13 công ty thành viên từ hàng tiêu dùng nhanh, trang trại, nông nghiệp, sản xuất, đang hoạt động tốt, tăng trưởng từ 15-20%. Diễn biến phức tạp của tình hình hình dịch bệnh khiến một mặt bà Lệ phải có những biện pháp ứng phó kịp thời đảm bảo an toàn sức khỏe cho nhân viên, mặc khác bà phải thay đổi cách bán hàng, tiếp thị và phân phối nhằm phù hợp với thực tế, trong khi dẫn dắt doanh nghiệp để sẵn sàng cho bước đà tiếp theo khi dịch bệnh được đẩy lùi.

Lý giải nguyên nhân Nutifood giữ được tốc độ phát triển nhanh, bà Lệ cho rằng vì công ty “luôn đổi mới sáng tạo, kiên trì giữ đúng định hướng”, “làm miệt mài” để đáp ứng nhu cầu chuyên biệt của người tiêu dùng tại mỗi thị trường khác biệt.

Ông Trần Bảo Minh - Phó Chủ tịch HĐQT NutiFood, người thường được gọi “phù thủy” marketing từng nhận xét, bà Lệ là người cực kỳ nhạy bén, nhạy cảm và rất sắc sảo trong cách đánh giá, phát hiện và nắm bắt mọi cơ hội kinh doanh.

“Một khi nhìn thấy cơ hội lớn nào đó thì chị nhất định phải làm ngay lập tức và làm bằng được, trong rất nhiều trường hợp bất chấp năng lực của con người sẵn có, năng lực đội ngũ, năng lực của hệ thống quản trị và điều hành, năng lực của hệ thống kinh doanh đã sẵn sàng để thu nạp và thực thi ý tưởng kinh doanh lớn đó tới thành công hay chưa”, ông Trần Bảo Minh lý giải về sự thành công của CEO Nutifood.

Thương hiệu truyền cảm hứng Châu Á

Nữ tướng Nutifood chia sẻ, triết lý kinh doanh xuyên suốt của Nutifood từ trước đến nay là luôn đặt chữ "Tâm" lên hàng đầu. Chữ "Tâm" đã theo suốt bà và những người cộng sự kể từ những ngày đầu tiên còn là cơ sở Thực phẩm Đồng Tâm cho đến khi chính thức thành lập doanh nghiệp vào năm 2000.

“Mỗi sản phẩm ra đời trước hết không nhằm mục đích lợi nhuận, mà giải quyết nhu cầu bức xúc về dinh dưỡng của cộng đồng, vì một thế hệ trẻ Việt Nam phát triển toàn diện tầm vóc và trí tuệ”, bác sĩ Lệ cho hay.

Cũng theo bà Lệ, bí quyết các sản phẩm sữa nói chung và dòng sữa dành cho trẻ em hiện nay của Nutifood nói riêng đều phải hội tụ 3 yếu tố là thấu hiểu, ứng dụng và hiệu quả.

Giải mã bí mật đằng sau thành công của “Nữ tướng” Nutifood Trần Thị Lệ - ảnh 7

Về điều quan trọng nhất giúp Nutifood vượt qua các công ty Việt Nam và xếp ngang hàng với các doanh nghiệp nước ngoài, bà Lệ tiết lộ: “Cái gì xuất phát từ trái tim sẽ được trái tim đón nhận, hàng triệu bà mẹ Việt Nam tin yêu Nutifood, Nutifood phải làm sao để xứng đáng niềm tin của các bà mẹ, góp phần phát triển thể chất cho người Việt nói chung và trẻ em nói riêng. Để hoàn thành sứ mạng ấy, đội ngũ bác sĩ chuyên gia của chúng tôi luôn kiên trì trong các phòng nghiên cứu, nhằm đưa ra các sản phẩm đặc trị cho các bệnh nhân, trẻ thấp còi, trẻ sơ sinh”.

"Xuất phát điểm của chúng tôi luôn đến từ sự thấu hiểu sâu sắc về nhu cầu dinh dưỡng đặc thù của trẻ em Việt Nam. Là bác sĩ, chúng tôi hiểu rằng chỉ khi cơ thể có đề kháng khỏe và tiêu hoá tốt, trẻ mới có cơ hội phát triển toàn diện. Tôi tin rằng đó cũng là mơ ước và nỗi lòng của các bậc cha mẹ Việt Nam", bà Trần Thị Lệ nói.

Năm 2018, Nutifood bước vào ngành cà phê sau khi kiểm soát công ty Phước An, sở hữu hàng ngàn héc ta cà phê tại Krông Păk, Đắk Lắk. Năm 2021, Nutifood hướng tới việc phát triển các sản phẩm thảo dược sau khi đầu tư vào công ty Sâm Ngọc Linh Quảng Nam (Quasapharco). Năm 2022, Nutifood tiếp tục hợp tác với vườn quốc gia Núi Chúa để bảo tồn và phát triển nguồn tài nguyên cây dược liệu…

icon Quote

Giá trị thương hiệu quyết định sự tồn tại cũng như “định giá” doanh nghiệp. Một doanh nghiệp khi đã có “thương hiệu” thì người tiêu dùng sẽ chỉ cần nhìn vào đó là tin tưởng về chất lượng; trường hợp nếu có vấn đề gì cũng sẽ yên tâm có đơn vị đứng ra giải quyết.

PGS. TS Đinh Trọng Thịnh
kinhdoanhvaphattrien.vn

Không dừng lại ở thị trường trong nước, vợ chồng bà Lệ còn đưa Nutifood vươn ra thế giới bằng những hoạt động hợp tác đầu tư táo bạo. Đầu năm 2018, đánh dấu bước tiến mới của Nutifood khi được Hoa Kỳ cấp chứng nhận FDA để đưa sữa vào thị trường Mỹ.  Nutifood và Công ty Delori đến từ Mỹ đã ký kết một hợp đồng lớn nhằm phân phối sản phẩm sữa dinh dưỡng dành cho trẻ em Pedia Plus trên 300 siêu thị ở California (Mỹ).

Cũng trong năm 2018 Nutifood lập liên doanh với tập đoàn Asahi (Nhật), đưa sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ của Asahi vào thị trường Việt Nam. Cùng năm, Nutifood thâm nhập thị trường Thụy Điển với nhà máy Nutifood Sweden AB - liên doanh Nutifood sở hữu 50% và sau đó kiểm soát 100% vốn. Năm 2022, Nutifood tiếp tục đầu tư chi phối 51% Cawells của Thụy Điển - công ty đang sở hữu các dòng sản phẩm chủ đạo về vitamin và khoáng chất, hiện diện ở thị trường Việt Nam, Ấn Độ, Trung Quốc và Trung Đông, theo đó thêm vào danh mục 120 loại thực phẩm bổ sung và dinh dưỡng Cawells.

Phân tích về tầm quan trọng của giá trị thương hiệu, trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh chia sẻ: “Giá trị thương hiệu quyết định sự tồn tại cũng như “định giá” doanh nghiệp. Một doanh nghiệp khi đã có “thương hiệu” thì người tiêu dùng sẽ chỉ cần nhìn vào đó là tin tưởng về chất lượng; trường hợp nếu có vấn đề gì cũng sẽ yên tâm có đơn vị đứng ra giải quyết. Và khi doanh nghiệp có chỗ đứng, muốn “xuất ngoại” thì ngoài yếu tố vẫn phải giữ được chất lượng thực thì tên thương hiệu cũng cần “Tây hóa” để dễ đọc, dễ nghe, dễ hiểu thì mới tạo ấn tượng được với người tiêu dùng trên thế giới”. Và Nutifood đáp ứng được hết các yếu tố trên.

Trong danh sách 50 thương hiệu dẫn đầu 2020 do Forbes bình chọn, Nutifood xếp thứ 22 và cùng với Vinamilk là 2 công ty sữa hiếm hoi có tên trong danh sách, với định giá thương hiệu khoảng 93,9 triệu USD.

Những năm gần đây, Nutifood ít khi công bố doanh thu và lợi nhuận của mình nhưng theo Forbes, đến năm 2018, doanh thu của họ đạt 9.500 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 828 tỷ đồng.

Trong hơn 2 thập kỷ chăm sóc dinh dưỡng cho người Việt, Nutifood không chỉ giữ vững tinh thần tiên phong đáp ứng nhu cầu thể trạng đặc thù của trẻ em và người tiêu dùng Việt Nam, mà còn đóng góp những nghiên cứu giải quyết thực trạng sức khỏe bức thiết, đào tạo nâng cao kiến thức cho các đơn vị y tế, đồng thời thực hiện các hoạt động xã hội thiết thực.

Bước đi chiến lược quan trọng thành lập Viện Nghiên cứu Dinh dưỡng Nutifood Thuỵ Điển NNRIS (Nutifood Nutrition Research Institute in Sweden) đã giúp Nutifood được vinh danh giải thưởng “Sáng tạo Đổi mới Quốc tế" 2020 do Enterprise Asia - Tổ chức phi chính phủ hàng đầu về kinh doanh - trao tặng. Đây là giải thưởng ghi nhận các sáng kiến có thể thúc đẩy sự đổi mới vượt bậc trong các quốc gia, ngành công nghiệp trên 3 hạng mục: Sản phẩm, Dịch vụ và Giải pháp, Tổ chức và Văn hóa. Nutifood là doanh nghiệp sữa duy nhất của châu Á và là một trong 3 đại diện của Việt Nam được vinh danh.

Tại sự kiện trao giải Asia Pacific Enterprise Awards 2020, Nutifood là công ty sữa duy nhất lập “hat-trick” nhận 3 giải thưởng: Corporate Excellence Award - “Doanh nghiệp Xuất sắc Châu Á”; Inspirational Brand Award - “Thương hiệu truyền cảm hứng” và Master Entrepreneur Award - “Doanh nhân Xuất sắc Châu Á” cho bác sĩ Trần Thị Lệ - Tổng Giám đốc Nutifood.

Theo thay đổi đăng ký kinh doanh gần nhất vào ngày 11/07/2023, Nutifood đã tăng vốn điều lệ từ 150 tỷ đồng lên 210 tỷ đồng.

Như vậy, những nỗ lực và sự tận tâm của Ban lãnh đạo cùng tập thể Nutifood, đặc biệt là CEO Trần Thị Lệ trong hơn 20 năm nghiên cứu, sáng tạo, cho ra đời những sản phẩm đáp ứng các nhu cầu bức xúc về dinh dưỡng của người Việt đã được ghi nhận xứng đáng.

Trong một lần trả lời phỏng vấn trên tạp chí Forbes Việt Nam, bà Lệ đã đưa ra lời khuyên rất giá trị cho những phụ nữ mới bắt đầu đi làm và đang tạo dựng sự nghiệp đó là: “Việc đầu tiên phải xác định mong muốn, khát vọng của mình, mình mong muốn là con người thế nào, đóng góp được gì. Từ mơ ước đó thì vạch ra kế hoạch hành động (ít nhất là 3 năm tới). Phải tự coi là để đạt được điều đó, mình có gì, thiếu gì, mình học những thứ thiếu từ đâu, kết hợp với ai, làm gì để bù điểm yếu, điểm khuyết. Rồi mình kiên quyết, quyết tâm, giữ bầu nhiệt huyết đi đến cùng. Phải kiên định”.

Khi được hỏi về bí quyết gì để bà lúc nào cũng vui vẻ trong khi dẫn dắt một doanh nghiệp lớn, nữ tướng Nutifood trả lời: “Có ai từng nghĩ tôi có thời hơn 70kg không? Sinh hai con, rồi công việc căng thẳng khiến tôi tăng cân không kiểm soát. Nhưng sau đó, tôi dần học cách bỏ qua những thứ lo lắng không cần thiết. Mình lo thì chuyện xảy ra vẫn xảy ra. Mình cần sắp xếp khoa học công việc, chú tâm làm việc. Hình dung giống như mình bắn cung, mình chuẩn bị thật kỹ trước khi giương cung, còn một khi mũi tên bay đi thì mình không tác động được gì nữa. Thế thì lo nữa cũng không ích gì. Hãy chuẩn bị tốt nhất có thể”.

Sứ mệnh vì cộng đồng

Được thành lập từ các bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng, ngay từ những ngày đầu hoạt động, Nutifood đã chọn sứ mệnh vì sức khỏe cộng đồng. Mỗi sản phẩm công ty làm ra đều đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng chuyên biệt cho từng lứa tuổi, từng bệnh lý khác nhau, đóng góp vào sự phát triển toàn diện về thể chất và trí tuệ của con người. Với Nutifood, việc thực hiện các chương trình xã hội, cộng đồng là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi doanh nghiệp, mỗi cá nhân cần chung tay góp sức.

Năm 2002, cuộc đi bộ từ thiện đầu tiên tại Việt Nam "Vì phụ nữ nghèo và bệnh tật"  do Nutifood “đứng ra” đã tổ chức thành công tại TP.HCM với hơn 4.000 người tham dự đã đạt kỷ lục Việt Nam.

Năm 2003, cuộc đi bộ từ thiện “Đồng hành chống hiểm họa tiểu đường” trong khuôn khổ cao trào truyền thông “Đồng lòng chống hiểm họa tiểu đường” của Sở Y tế TP.HCM, góp Quỹ từ thiện “Hỗ trợ dinh dưỡng bệnh nhân nghèo” huy động thành công hơn 20.000 quần chúng tham gia.

Nutifood tặng quà cho trẻ em nghèo.
Nutifood tặng quà cho trẻ em nghèo.

Đêm giao thừa năm 2004, Nutifood kết hợp cùng TW Hội Thanh niên Việt Nam, hơn 7.000 bánh tét Tết đã được các văn nghệ sĩ, người nổi tiếng tổ chức thi gói và tặng quà tận tay người lao động nghèo trên đường phố, các mái ấm tình thương của người khuyết tật.

Cầu truyền hình trực tiếp "Vì tương lai Việt" cùng lúc tại 3 thành phố lớn: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng vào năm 2005, đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của Nutifood với các hoạt động vươn ra cộng đồng vì thế hệ trẻ em Việt Nam, qua đó huy động hơn 3,1 tỷ đồng đóng góp vào Quỹ bảo trợ trẻ em nghèo Việt Nam... Đáng nói, phần lớn tất cả các loại chương trình cộng đồng đều do Nutifood tự tổ chức.

Ngoài các hoạt động nói trên, Công ty Nutifood đã tham gia sáng lập và điều hành Quỹ “Hỗ trợ dinh dưỡng bệnh nhân nghèo TP.HCM”, qua đó cung cấp thực phẩm dinh dưỡng miễn phí đến hơn 10.000 bệnh nhân nghèo thương tâm tại các bệnh viện trên toàn quốc.

Trong những năm gần đây, Nutifood luôn là nhà tài trợ chính cho nhiều hoạt động xã hội, các cao trào truyền thông, các Hội nghị chuyên đề về sức khỏe của ngành y tế Việt Nam và TP.HCM như: Chương trình uống Vitamin A toàn TP.HCM; Ngày uống sữa Thế giới; Ngày hội trẻ thơ; Ngày hội dinh dưỡng và vận động hợp lý phòng chống đái tháo đường; Nhịp cầu Y tế; Câu lạc bộ bệnh nhân tiểu đường; hỗ trợ hoạt động truyền thông sức khỏe cho công nhân trong các khu chế xuất… tạo nên một hình ảnh chuyên gia dinh dưỡng thân thiện với các hoạt động cộng đồng thiết thực. Nutifood cũng là một thành viên tích cực trong cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tham gia tích cực các đợt “Bán hàng về nông thôn”, tham gia “Chương trình bình ổn thị trường”.

Sự ra đời của sữa cho trẻ suy dinh dưỡng thấp còi GrowPLUS+, mà nay thương hiệu này đã trở thành nhãn sữa trẻ em số 1 Việt Nam là điển hình cho việc thực hiện sứ mệnh phụng sự cộng đồng của công ty. Trăn trở trước thực trạng suy dinh dưỡng thấp còi của trẻ em còn chưa mấy khả quan, các bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng Nutifood đã miệt mài nghiên cứu, xây dựng công thức và trải qua hàng trăm lần thử nghiệm để cho ra đời sản phẩm GrowPlus+ vào năm 2012.

Tiếp đó, Nutifood đã triển khai "Hành trình vì một Việt Nam thoát khỏi suy dinh dưỡng, thấp còi" để GrowPlus+ có thể đến với nhiều trẻ em suy dinh dưỡng có hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu, vùng xa của tổ quốc trong năm 2019. Một triệu ly sữa, hơn 30.000 trẻ suy dinh dưỡng, thấp còi cùng phụ huynh các em ở 12 tỉnh đã được các bác sĩ của Nutifood khám sức khỏe, tư vấn khẩu phần ăn phù hợp, xây dựng lối sống lành mạnh, phòng tránh bệnh tật.

Song song đó, nhiều hoạt động cộng đồng cũng được công ty liên tục triển khai như: Tài trợ 10 tỷ xây trường tiểu học Lê Thị Hồng Gấm tại Bình Dương; tặng chăn ấm, sữa dinh dưỡng, quà cùng sách vở cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn cho trường dân tộc bán trú THCS xã Mẫu Sơn, tỉnh Lạng Sơn; trao học bổng và xe đạp cho 200 học sinh nghèo Bình Định, 10 tỷ đồng cho Quỹ phát triển Đại học Quốc gia TP.HCM …

Với những nỗ lực và đóng góp của mình, Nutifood đã được trao tặng nhiều giải thưởng và bằng khen khác nhau, trong đó có Huân chương lao động Hạng 3 vào tháng 9/2920. Vinh dự đón nhận Huân chương do Chủ tịch nước trao tặng với những đóng góp xuất sắc cho xã hội và cộng đồng, bà Lệ chia sẻ: “Tại Nutifood, chúng tôi luôn đặt sứ mệnh phụng sự cộng đồng lên trên hết. Chúng tôi tin rằng cùng nhau tạo ra những sản phẩm chất lượng, đóng góp cho sự phát triển của xã hội sẽ mang lại niềm vui cho chính bản thân mỗi người. Mỗi cán bộ nhân viên Nutifood luôn cảm thấy tự hào, hạnh phúc vì thấy được ý nghĩa trong từng hoạt động bởi đang tạo ra giá trị, sản phẩm chất lượng cho cộng đồng”.

Khi dịch Covid-19 bùng phát, Nutifood đã tặng hàng triệu phần quà và tiền mặt với tổng trị giá gần 50 tỷ đồng cho lực lượng bộ đội biên phòng, lực lượng công an, các y bác sĩ, công nhân, người cao tuổi, trẻ em, bệnh nhân và những hoàn cảnh khó khăn… để cùng san sẻ, chung tay cùng cả nước vượt qua dịch bệnh.

Công ty Cổ phần Thực phẩm Dinh dưỡng Nutifood đã phối hợp cùng Quỹ Phát triển Tài năng Việt của Ông Bầu đã trao tặng hàng trăm ngàn sản phẩm dinh dưỡng và cà phê, trị giá 2,6 tỷ đồng đến lãnh đạo Cục Quản lý Khám, Chữa bệnh - Bộ Y tế và các bệnh viện tuyến đầu các tỉnh phía Bắc.

Tổng Giám đốc Nutifood Trần Thị Lệ cho biết: “Không chỉ riêng tập thể y bác sĩ cùng các lực lượng phòng chống dịch nơi tuyến đầu cần bổ sung dinh dưỡng, các bệnh nhân cũng cần tăng cường sức khỏe để nhanh chóng khỏi bệnh, trở về làm việc, sinh hoạt bình thường. Thấu hiểu điều đó, Nutifood đã gửi đến các phần quà để tiếp sức các y bác sĩ và các bệnh nhân, cùng cả nước chung tay chiến thắng dịch bệnh”.

Trong dịp Tết Nguyên Đán 2024, Nutifood thông qua Quỹ Phát triển Tài năng Việt của Ông Bầu đã trao gửi hàng ngàn phần quà dinh dưỡng đến trẻ em nghèo các địa phương vùng biên giới phía Bắc.

Thuận vợ, thuận chồng tát biển Đông cũng cạn

Từ một bác sĩ nghiên cứu dinh dưỡng trở thành “Nữ tướng” của doanh nghiệp sữa Việt Nam thuộc Top 3 công ty sữa lớn nhất Việt Nam, bà Lệ chia sẻ, có những thứ bà không thay đổi đó là: Tính chính trực, sự kiên định và nhiệt huyết. Khi vạch ra mục tiêu gì thì bà sẽ đi đến cùng. Điều này lý giải cho thắc mắc của nhiều người khi thấy tại các phòng ban của Nutifood nguyên tắc “chính trực” được đặt lên hàng đầu trên tờ giấy in các nguyên tắc lãnh đạo của công ty.

May mắn nhất với tôi là anh Hải đầu óc rất thông minh, có tầm nhìn xa, mình chỉ là CEO, sếp nói 1 câu thôi là mình chạy cả nửa năm trời mới làm xong.

CEO Nutifood Trần Thị Lệ
kinhdoanhvaphattrien.vn

Cũng theo bà Lệ, bà học hỏi mỗi ngày, từ làm sản phẩm tốt, tới hợp tác khoa học, tới quản lý lãnh đạo, để đội ngũ có thể đi nhanh, vững và đường dài: “Khó nhất là đi nhanh mà phải vững chắc. Tôi hay nói với đội ngũ của mình mỗi khi họ có kế hoạch hay sáng kiến mới là: ‘Ok, làm cái đó tốt nhưng phải tốc độ’”.

Người ta thường nói: “Đằng sau sự thành công của người chồng có bóng dáng phụ nữ” hay “thế gian được vợ hỏng chồng”… nhưng với vợ chồng bà Lệ lại không như vậy, cả hai đều quá tuyệt vời.

Trong một lần hiếm hoi chia sẻ với báo chí về “soái ca” của mình, nữ doanh nhân kể rằng, chồng bà thường nói đùa: “Bà xã phân công tôi làm Chủ tịch”, nhưng chính ông là người vạch ra tầm nhìn táo bạo cho Nutifood và bà là người hiện thực hoá tầm nhìn ấy.

Thực ra tôi bị đàn áp cả ở nhà lẫn công ty, nhưng mình tự nguyện bị đàn áp, bởi anh ấy luôn là người có lý. Lâu lâu mình mè nheo chút thôi. Với tôi ngày nào cũng là ngày 8/3. May mắn nhất với tôi là anh Hải đầu óc rất thông minh, có tầm nhìn xa, mình chỉ là CEO, sếp nói 1 câu thôi là mình chạy cả nửa năm trời mới làm xong.

May mắn nữa là được cùng nhau làm việc, cái gì anh quyết rồi thì mình không quyết nữa, cái gì mình quyết rồi thì anh không bàn tới bàn lui. Nhất trí với nhau là trong công ty chỉ theo 1 sếp chứ nếu 2 sếp thì nhân viên biết đường nào mà chạy. Chúng tôi thống nhất với nhau là cùng đồng hành để công ty phát triển”, bà Lệ hạnh phúc nói.

Đằng sau người phụ nữ thành đạt như bà Trần Thị Lệ là một người chồng chuẩn “soái ca” là ông Trần Thanh Hải. Dưới sự điều hành của vợ chồng bà Lệ, ông Hải, Nutifood đã có những bước tiến thần tốc và thu được những thành quả đáng tự hào. Câu nói “thuận vợ, thuận chồng tát biển Đông cũng cạn” rất đúng trong trường hợp này.

Hơn 2 thập kỷ hình thành và phát triển đầy thăng trầm của Nutifood cũng là giai đoạn bác sĩ Trần Thị Lệ vươn lên, trở thành nữ tướng có tiếng trong giới doanh nhân Việt, luôn trong danh sách những người phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam. CEO Nutifood là một doanh nhân nói ít làm nhiều bởi bà luôn kiên định con đường đã chọn và chỉ lo làm sao để tạo ra những sản phẩm tốt nhất, hiệu quả nhất phục vụ người tiêu dùng chứ không quan tâm tới những danh xưng hào nhoáng.

Qua những bức ảnh hiếm hoi của bà Trần Thị Lệ - 1 trong những CEO kín tiếng nhất Việt Nam, chúng tôi nhận thấy bà có một vẻ đẹp giản dị, thùy mị, không phải “sắc nước hương trời” nhưng toát lên khí chất riêng mà không phải ai cũng có được. Mọi người thường nói phụ nữ không cần quá đẹp nhưng phải có tố chất riêng là vì thế. “Hữu xạ tự nhiên hương”, người phụ nữ có tố chất như bà Lệ thì ở đâu cũng có thể cuốn hút, cảm hóa mọi người và khi nỗ lực đến cùng thì tất nhiên những điều tốt đẹp và thành công cũng sẽ đến với bà một cách tự nhiên./.

Những câu nói truyền cảm hứng của bác sĩ - CEO Nutifood Trần Thị Lệ:

  • Có người nói phụ nữ làm lãnh đạo, làm CEO thì khó tươi tỉnh, đẹp, vui vẻ? Không. Cái đó là do mình, cân bằng hay không là do mình. Mình không đổ thừa ai, mà đó là sự sắp xếp có chủ đích của mình.
  •  Nutifood giữ được tốc độ phát triển nhanh vì luôn đổi mới sáng tạo, kiên trì giữ đúng định hướng và “làm miệt mài” để đáp ứng nhu cầu chuyên biệt của người tiêu dùng tại các thị trường khác nhau.
  • Khó nhất là đi nhanh mà phải vững chắc. Tôi hay nói với đội ngũ của mình mỗi khi họ có kế hoạch hay sáng kiến mới là: “Ok, làm cái đó tốt nhưng phải tốc độ".
  • Tôi dần bỏ qua những lo lắng không cần thiết. Mình lo thì chuyện vẫn xảy ra. Nên hãy sắp xếp khoa học công việc và chú tâm làm việc. Giống như bắn cung, mình hãy chuẩn bị thật kỹ trước khi giương cung, còn một khi mũi tên bay đi thì mình không tác động được gì nữa.