Những định hướng lớn để hoàn thiện quản lý nhà nước về đất đai

Một vấn đề rất quan trọng được đặt ra đó là hoàn thiện thể chế quản lý nhà nước về đất đai trên cơ sở phân định rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước thực hiện chức năng "quản lý nhà nước" về đất đai, tách biệt với việc thực hiện chức năng "đại diện chủ sở hữu".

Trên thực tế, việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đất đai đã có những tiến bộ quan trọng; tuy nhiên, còn bộc lộ nhiều yếu kém và bất cập. Biểu hiện tập trung rõ nhất là tình trạng quản lý đất đai lỏng lẻo, nhiều sơ hở, dẫn đến sử dụng đất đai lãng phí, kém hiệu quả, sai phạm trên diện rộng, nhiều tiêu cực, tham nhũng… diễn ra ở hầu khắp các địa phương kéo dài trong nhiều năm.

Một trong những nguyên nhân chủ yếu là không phân định rõ cơ quan thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu với cơ quan thực hiện quản lý nhà nước về đất đai; có những nội dung quy định chưa phù hợp về quyền của các cơ quan Nhà nước, thẩm quyền về quản lý đất đai rất lớn nhưng trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân được giao lại không tương xứng, còn chung chung, không đủ cụ thể; cơ chế quản lý các loại đất chưa đủ rõ ràng, chặt chẽ; phân cấp quản lý đất đai chưa hợp lý; cơ chế và quy trình quản lý còn nhiều bất cập; kỷ cương không nghiêm; thiếu cơ chế kiểm tra giám sát có hiệu quả đối với các cơ quan Nhà nước thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước về đất đai.

Trong chế độ "đất đai thuộc sở hữu toàn dân", cần xác định các đơn vị Nhà nước và đơn vị trong hệ thống chính trị là một chủ thể quản lý - sử dụng đất rất quan trọng, song phải bảo đảm sự tuân thủ các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ, lợi ích và việc thực hiện cơ chế, chính sách đất đai bình đẳng với các chủ thể sử dụng đất khác. Trên thực tế có sự lẫn lộn vai trò, quyền hạn, nhiệm vụ của Nhà nước (đơn vị Nhà nước) với chức năng là "đại diện chủ sở hữu" với chức năng "thống nhất quản lý nhà nước về đất đai" và với chức năng là một chủ thể sử dụng đất.

Chính vì vậy mà có rất nhiều sơ hở, bất cập, có sự lạm quyền trong quản lý và sử dụng các loại đất này, dẫn đến sử dụng kém hiệu quả, thất thoát, nảy sinh nhiều tiêu cực, thậm chí tham nhũng nghiêm trọng.

Thực tiễn ở Đồng Tân

Qua thực hiện chuyên đề “Quản lý đất đai trong phát triển kinh tế địa phương”, chúng tôi đã đi sâu nghiên cứu thực trạng tồn tại trong quản lý đất đai ở huyện Ứng Hòa. Trong đó, nổi cộm tại xã Đồng Tân, công tác quản lý đất đai, từ nhiều năm qua đang bộc lộ những vướng mắc cần tháo gỡ.

Theo phản ánh của ông Trinh Văn Thiệu (thôn Khánh Vân, xã Đồng Tân, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội), năm 1991, thực hiện chủ trương của UBND xã Đồng Tân về việc bán đất giãn dân, gia đình ông có đóng tiền mua chung với ông Chu Mạnh Quyết và bà Phạm Thị Lựu (vợ ông Quyết) một suất đất, diện tích 280m2 (Trong đó diện tích được sử dụng là 210m2, diện tích quy hoạch hành lang đường là 70m2, từ tim đường ra 5m).

Đến năm 2009, gia đình ông Thiệu và ông Quyết thống nhất tách thửa đất trên, vì vậy ngày 8/5/2009, ông Quyết lập hợp đồng và hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất (diện tích 90m2 trong tổng số 210m2, tại thửa đất 191, tờ bản đồ số 06, địa chỉ thôn Mỹ Cầu, xã Đồng Tân) cho ông Thiệu. Việc lập hợp đồng chuyển nhượng này có xác nhận của cán bộ chính quyền địa phương khi đó.

Thửa đất đang xảy ra tranh chấp, theo phản ánh của ông Trịnh Văn Thiệu thì ông Chu Mạnh Quyết đã xây tường rào bao quanh để lấn chiếm.

Trong quá trình sử dụng từ 2009 (khi tách thửa) đến năm 2020, khu đất trên đã có nhiều biến động và xảy ra tranh chấp. Đặc biệt, theo phản ánh của gia đình ông Thiệu, thì năm 2020, phía gia đình ông Chu Mạnh Quyết và con trai là ông Chu Mạnh Hùng đã vượt đất và xây dựng nhà trái phép, xây tường bao lấn sang phần đất nhà ông Thiệu. “Hiện nay mặt tiền và mặt hậu thửa đất của nhà tôi chỉ còn 0,4m, vì bị hộ ông Quyết liền kề lấn chiếm sang 5,6m cả 2 mặt tiền và mặt hậu chạy dài hết thửa đất (tổng 5,6m2X15m = 84m2)”, ông Thiệu phản ánh.

Qua khảo sát thực tiễn, cho thấy, trong quá trình tranh chấp thửa đất trên, phía gia đình ông Chu Mạnh Quyết đã có đơn gửi chính quyền địa phương yêu cầu hủy bỏ hợp đồng chuyển nhượng ngày 8/5/2009, vì cho rằng khu đất này chưa đủ điều kiện để chuyển nhượng.

Việc tranh chấp giữa hai gia đình đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn, nhất là trong vấn đề quy hoạch, thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xã hội ở địa phương. Từ thực trạng nghiên cứu, để làm rõ hơn vấn đề, chúng tôi đã có buổi làm việc với lãnh đạo xã Đồng Tân. Tại buổi làm việc, ông Lưu Văn Bừng – Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Nguồn gốc đất tranh chấp giữa gia đình ông Thiệu và ông Quyết là đất giãn dân, có mua chung suất đất 210m2, nhưng không rõ nội dung cam kết giữa hai bên. Và trong quá trình đo đạc, có cắm mốc nhưng lại không lập văn bản. Năm 2009, ông Quyết lập hợp đồng chuyển nhượng một phần đất cho ông Thiệu, nhưng nay ông Quyết lại có đơn yêu cầu hủy hợp đồng và còn kiện chính quyền không giao đủ diện tích đất.

Cũng tại buổi làm việc, ông Ngô Việt Sáng – cán bộ Văn phòng – Thống kê xã Đồng Tân, nhấn mạnh: Vụ việc này bản chất là tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, và rất khó để chính quyền giải quyết, vì đó là mua bán chuyển nhượng cá nhân, không giao mốc thực địa. Trong khi, nguồn gốc đất là đứng pháp nhân ông Quyết, nhưng năm 2009 ông Quyết đã làm hợp đồng chuyển nhượng, và phía gia đình ông Thiệu vẫn nộp thuế sử dụng đất hàng năm. Như vậy, theo tôi để phù hợp nên đưa ra tòa án.

Qua phân tích, khảo sát, đánh giá thực trạng công tác quản lý đất đai tại huyện Ứng Hòa nói chung, xã Đồng Tân nói riêng, cho thấy còn nhiều lỗ hổng, đặc biệt tranh chấp đất đai đang ảnh hưởng tới tình hình kinh tế xã hội, gây khiếu kiện kéo dài. Qua sự việc giữa gia đình ông Thiệu và ông Quyết, dù đây là vấn đề cá nhân, nhưng lại nói lên việc xác lập sở hữu đất đai với quan điểm chủ thể toàn dân, trong đó thể hiện vai trò của chính quyền địa phương, chưa giải quyết tận gốc dứt điểm vụ việc. Trước hết, chính quyền phải có quyết định cuối cùng, chứ không thể “thả nổi” và hướng người dân đưa nhau ra tòa. Đồng thời, nếu để kéo dài, thì việc xây dựng của gia đình ông Chu Mạnh Quyết là có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Thứ hai, phải căn cứ nguồn gốc và quá trình biến động khu đất, để hòa giải hai gia đình, đồng thời bảo đảm quyền lợi của hai bên. Bởi thực tế, thửa đất đó với cả quá trình biến động cho thấy cả hai bên đều có quyền lợi liên quan. Do đó, lãnh đạo địa phương cần tháo gỡ để hai bên đi tới thống nhất, tránh vụ việc đi vào ngõ cụt, không có hướng giải quyết.

Bện cạnh thực tiễn tranh chấp cá nhân và tập thể từ công tác buông lỏng quản lý đất đai ở Ứng Hòa, qua quá trình triển khai, chúng tôi tiếp tục nhận được nhiều phản ánh của người dân xã Đồng Tân, những nội dung này sẽ được đề cập trong các bài viết sau của chuyên đề.