ISSN-2815-5823

Quảng Nam: Chỉ đạo ‘nóng’ vụ giá đất tăng cao nhưng giá đền bù lại giảm sâu

(KDPT) – Mới đây, ông Lê Trí Thanh – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã ký Công văn số 1510/UBND-KTTH về việc tập trung xử lý và hoàn chỉnh hồ sơ, tham mưu báo cáo xin ý kiến giải quyết các tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, đối với việc hỗ trợ khác khi Nhà nước thu hồi đất vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở nhưng không được công nhận là đất ở, UBND tỉnh Quảng Nam cơ bản thống nhất với các nội dung theo đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường tại Báo cáo số 143/BC-STNMT ngày 04/3/2022 và ý kiến của các ngành, địa phương tại cuộc họp.

Hỗ trợ theo hướng, ngoài việc được bồi thường theo giá đất nông nghiệp cụ thể (trồng cây lâu năm, trồng cây hàng năm,…) còn được hỗ trợ bằng 50% giá đất ở theo bảng giá đất của thửa đất đó….

UBND tỉnh Quảng Nam giao Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp thu nội dung góp ý, hoàn chỉnh Báo cáo và dự thảo văn bản của UBND tỉnh trước ngày 18/3/2022 để báo cáo Ban cán sự đảng UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh uỷ xem xét cho ý kiến và Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét thông qua Nghị quyết (cá biệt) để ban hành Quyết định (cá biệt).

Về giao đất ở tái định cư, UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, đảm bảo nguyên tắc giao đất ở tái định cư không vượt diện tích đất ở bị thu hồi theo quy định nhưng có vận dụng linh hoạt theo từng trường hợp cụ thể.

Ví dụ đất ở thu hồi 150 m2 thì có thể xem xét bố trí 02 lô tái định cư theo quy định, nếu lô 100 m2, phần diện tích vượt 50 m2, người dân phải nộp tiền theo giá đất tái định cư.

UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố khi quy hoạch phân lô tại các khu tái định cư phải linh hoạt, đa dạng diện tích các lô đất bố trí tái định cư, đảm bảo hài hoà, hợp lý, không phá vỡ cảnh quan theo quy hoạch.

Đồng thời giao Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp thu nội dung góp ý tại cuộc họp để tiếp tục nghiên cứu, tham mưu giao đất tái định cư cho các hộ dân hài hoà, hợp lý trong giai đoạn chuyển tiếp của các chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn tỉnh và báo cáo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo,…

‘Sốc’ trước thông tin giá đất đền bù giảm sâu

Trước đó, tại Công văn số 1049/UBND-KTN ngày 24/2/2022, UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, trên địa bàn hiện đang gặp phải nhiều vướng mắc liên quan đến trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Trong đó, nổi bật nhất là việc trước đây, khi thu hồi đất vườn ao gắn liền với thửa đất ở nhưng không được công nhận là đất ở, UBND tỉnh Quảng Nam quy định việc xác định giá đất vườn ao bằng 50% giá đất ở trong cùng thửa đất để bồi thường.

Tuy nhiên, hiện nay theo quy định đất vườn ao không được công nhận là đất ở thì thuộc loại đất nông nghiệp. Khi xác định giá đất cụ thể để bồi thường và tính cả hỗ trợ theo quy định đối với đất nông nghiệp trong cùng thửa đất ở thì giá trị thấp nhiều lần so với giá đất ở nên người dân không đồng tình.

Trong khi đó, nếu xác định giá đất cụ thể để bồi thường đất nông nghiệp cao hơn thì vượt khung giá đất quy định. Đây chính là khó khăn cho các địa phương trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Mới đây, tại Công văn số 183/UBND-VP năm 2022, UBND thành phố Tam Kỳ cho biết đã gặp phải vướng mắc về xác định đơn giá bồi thường khi thu hồi đất trồng cây lâu năm (có nguồn gốc từ vườn, ao không được công nhận là đất ở).

Đơn cử, tại dự án khu dân cư, tái định cư khối 4, phường An Sơn có 46/65 hộ thuộc diện giải tỏa trắng đều bị thu hồi đất có vườn, ao. Tuy nhiên, đơn giá bồi thường đất vườn, ao giữa chính sách cũ và mới có sự chênh lệch rất lớn.

Thậm chí có trường hợp, nếu áp dụng theo quy định mới (Quyết định số 42/2021/QĐ-UBND) thì đền bù với mức giá 116.000 đồng/m2, nhưng áp dụng theo quy định cũ thì mức giá đền bù là 2.729.000 đồng/m2, chênh lệch giữa giá đất đền bù theo mức cũ và mức mới lên đến 2.613.000 đồng/m2.

Hay có trường hợp mức giá đền bù theo quy định mới (Quyết định số 42/2021/QĐ-UBND) là 116.000 đồng/m2, nhưng mức giá đền bù theo quy định cũ là 17.905.000 đồng/m2. Trường hợp này, chênh lệch giữa giá đất đền bù theo mức cũ và mức mới chênh lệch đến 17.789.000 đồng/m2.

Không những giá đền bù về đất giảm sâu như nêu trên mà quy định mới của UBND tỉnh Quảng Nam có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 cũng đã siết chặt vấn đề bố trí đất ở tái định cư khi thực hiện chính sách đền bù, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng.

Theo đó, Quyết định số 42/2021/QĐ-UBND quy định, tỉnh giao 2, 3, 4, 5 lô đất ở tái định cư cho hộ gia đình, cá nhân theo quy hoạch chi tiết phân lô được duyệt tại khu tái định cư, nhưng không vượt quá diện tích đất ở bị thu hồi và không vượt quá 2, 3, 4, 5 lần hạn mức giao đất ở theo quy định hiện hành của UBND tỉnh.

Như vậy, theo quy định mới (Quyết định số 42/2021/QĐ-UBND), đã được bổ sung thêm điều kiện, việc giao đất ở tái định cư cho hộ gia đình, cá nhân theo quy hoạch chi tiết phân lô được duyệt tại khu tái định cư nhưng không vượt quá diện tích đất ở bị thu hồi.

Việc thay đổi chính sách nêu trên khiến người dân chưa đồng tình.

Nhiều người dân tại địa phương cho biết, họ rất bất ngờ trước các thông tin nêu trên và cho rằng UBND tỉnh cần có sự điều chỉnh lại hợp lý hơn, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người dân.

MINH ĐỨC (T/H)



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 23/11/2024