ISSN-2815-5823
Thứ năm, 07h57 14/06/2018

Sôi động cuộc đua ứng dụng công nghệ gọi xe

(KDPT) – Sự rút lui của Uber đã kích thích cuộc đua ứng dụng công nghệ đặt xe của các doanh nghiệp công nghệ và vận tải nội địa đồng loạt “xuống đường” nắm bắt thời cơ. Mô hình taxi truyền thống dự báo sẽ vẫn khó khăn và một cuộc chiến mới thực sự đã bùng nổ trên thương trường gọi xe ứng dụng công nghệ.

Cuộc chiến không cân sức

Mất “nồi cơm” vào tay taxi, xe ôm công nghệ, từ lái xe đến các ông chủ taxi truyền thống tìm đủ mọi cách để giành giật lại thị phần. Một cuộc chiến thực sự đã bùng nổ trên thương trường giữa loại hình taxi, xe ôm truyền thống và xe ôm, taxi công nghệ.

Sự xuất hiện của Uber, Grab đã “châm ngòi” cho cuộc đua ứng dụng công nghệ gọi xe. Sự góp mặt của Uber và Grab đã khiến thị trường vận tải cạnh tranh dữ dội trong thời gian qua. Với nền tảng công nghệ thông minh, tăng tính kết nối, minh bạch giá cước, Uber, Grab đã tỏ ra vượt trội so với taxi truyền thống, đem lại trải nghiệm mới, hào hứng cho khách hàng.

Trên thị trường hiện nay đã xuất hiện nhiều phần mềm gọi xe, với nhiều hãng xe có quy mô lớn. Thị trường taxi một lần nữa lại “dậy sóng” khi các hãng xe công nghệ quyết đấu để giành giật thị phần.

Quả thật, thay vì phải gọi lên tổng đài đặt xe, khách hàng chỉ cần thực hiện vài thao tác đơn giản trên điện thoại thông minh là đã có thể biết rõ hành trình đi – đến, tên lái xe, biển số xe và giá cước hành trình trước khi bắt đầu chuyến đi.

Tiện lợi và đơn giản kèm theo nhiều chiến dịch khuyến mại rầm rộ, Uber, Grab nhanh chóng thu hút một lượng lớn khách hàng chuyển từ taxi truyền thống sang. Chưa có một con số thống kê chính thức về số lượng xe Uber, Grab, nhưng chỉ cần nhìn vào bức tranh ảm đạm của các hãng taxi truyền thống thì có thể thấy số lượng xe taxi công nghệ gia tăng nhanh chóng như thế nào.

Ồ ạt đầu tư công nghệ vận tải

Thị trường vận tải đang bắt đầu cuộc chiến cạnh tranh mới, giữa Grab và các ứng dụng công nghệ vận tải thuần Việt khác. Để “giữ chân” khách hàng, một số hãng taxi truyền thống đã quyết định đầu tư xây dựng phần mềm gọi xe. Các hãng taxi như Thành Công, Taxi Group, Sao Thủ Đô (Hà Nội), Mai Linh, Vinasun… đều đang có ứng dụng gọi xe. Nhìn chung, ứng dụng gọi xe của các hãng taxi này khá hiện đại, dễ sử dụng, khách hàng biết được khoảng cách đi và đến, tính phí sơ bộ, vị trí xe taxi, vị trí đón khách, thanh toán bằng thẻ, đánh giá tài xế…

Taxi Thành Công, được biết tới là một trong những hãng taxi lớn nhất của Hà Nội cũng đã có phần mềm gọi xe. Thậm chí, taxi Thành Công cũng mới áp dụng đặt xe thông qua mạng xã hội là “facebook messenger”.

Chẳng hạn như của Vinasun, các thao tác trên ứng dụng gọi xe khá đơn giản, trực quan. Chỉ cần chọn điểm đến, chọn loại xe (4 chỗ, 7 chỗ hoặc bất kỳ); sau đó xác nhận đặt xe và chờ tài xế đến đón. Vinasun sử dụng nền tảng bản đồ của Google – tương tự như Grab, vì vậy sự sai lệch vị trí hầu như không xảy ra. Tương tự là ứng dụng đặt xe của hãng Mai Linh. Điều được người dùng đánh giá cao trên ứng dụng này là khi gọi xe khách hàng biết được xung quanh có bao nhiêu tài xế đang sẵn sàng phục vụ. Thông tin của tài xế được thể hiện rõ với các thông tin như biển số, mã số tài xế và điểm số đánh giá của người dùng. Sau chuyến đi, thông tin được thể hiện rất rõ ràng, bao gồm cả thời gian lên và xuống xe, thời gian và quãng đường thực hiện hành trình cùng số tiền phải thanh toán.

Tuy nhiên điều thấy rõ là số lượt tải ứng dụng đặt xe của các hãng taxi không lớn. Nhiều khách hàng phàn nàn về ứng dụng hay bị treo, không xác định được điểm đến, xe đến trễ… Dù đã tăng tính kết nối với khách hàng, nhưng thực tế hiệu quả mà các hãng taxi truyền thống đạt được là còn khiêm tốn. Điều này là do khách hàng vẫn thích đi Uber, Grab vì không có mào taxi nên vẫn di chuyển được trên những tuyến phố cấm taxi. Thêm nữa, một số khách hàng còn phản ánh phần mềm của taxi truyền thống chạy không “mượt” như Uber, Grab. Việc cài đặt khá rắc rối, phức tạp, thậm chí định vị sai cả vị trí đón khách…

Thực tế cho thấy, các hãng taxi truyền thống đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng để đầu tư ứng dụng phần mềm gọi xe, nhưng hiệu quả chưa cao, vì thế đây cũng là một trở ngại đối với các doanh nghiệp nhỏ, ít xe, việc bỏ ra số tiền lớn để đầu tư ứng dụng công nghệ gọi xe đang là một thách thức.

Khoa học công nghệ đang phát triển không ngừng, các hãng taxi nên tự nâng cấp mình để phù hợp.

Xuất hiện thêm nhiều lựa chọn

Cuộc đua về công nghệ phần mềm gọi xe, giành giật khách hàng giữa các hãng taxi đang đến rất gần. Tất nhiên, người tiêu dùng và ngay cả những tài xế lái xe sẽ được hưởng lợi trong một cuộc cạnh tranh mới bằng công nghệ.

Ứng dụng gọi xe Việt mới ra mắt FastGo hiện không thu phí chiết khấu đối với tài xế lái xe theo tỷ lệ % giống Grab, Uber, mà chỉ thu phí dịch vụ tối đa không quá 30.000 đồng/ngày. Ví dụ, một ngày tài xế thu được 1.000.000 đồng/ngày mà chỉ phải đóng phí dịch vụ 30.000 đồng, sẽ tạo nên mức sinh lời đáng kể.

Nhà sáng lập ứng dụng gọi xe thuần Việt – Aber cam kết sẽ không tăng giá cước vào giờ cao điểm để khuyến khích khách hàng lựa chọn dịch vụ. Đối với tài xế Aber cũng sẽ không phải trả chiết khấu qua từng cuốc xe mà mức phí này sẽ được thay bằng mức phí quản lý ứng dụng hàng tháng dựa trên tổng thu nhập của tài xế. Theo đó, Aber cũng sẽ không thu phí tài xế nếu doanh thu trong tháng dưới 500.000 đồng và sẽ không thu theo mức cố định hàng tháng.

Một số hãng gọi xe công nghệ nước ngoài cũng dự kiến vào Việt Nam như Didi Chuxin (Trung Quốc) và Go-Jek (Indonesia). Thị trường gọi xe công nghệ của Việt Nam hứa hẹn sẽ cạnh tranh khốc liệt trong thời gian tới. Tất nhiên, dịch vụ nào tốt, rẻ, minh bạch, có lợi, sẽ được khách hàng đón nhận.

Nguyễn Ngân



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 13/01/2025