Hướng đến mô hình thư viện thông minh thời đại công nghiệp 4.0
Hướng đến mô hình thư viện thông minh thời đại công nghiệp 4.0

Ngày 11/02/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 206/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, trong đó đặt ra mục tiêu: “Ứng dụng mạnh mẽ, toàn diện công nghệ thông tin, nhất là công nghệ số nhằm nâng cao năng lực hoạt động của các thư viện và hình thành mạng lưới thư viện hiện đại; đảm bảo cung ứng dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người sử dụng; thu hút đông đảo người dân quan tâm, sử dụng dịch vụ thư viện, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập”.

Vì sao cần phải chuyển đổi số ngành thư viện ?

Chuyển đổi số thư viện là quá trình áp dụng công nghệ thông tin, các nền tảng số đối với các thư viện truyền thống. Nếu ngày trước khi bạn đọc muốn tìm tài liệu hay sách đọc phải đến thư viện ngồi đọc tại chỗ hoặc thuê mang về thì ngày nay, nhiều bạn đọc ngại lục tìm sách trong thư viện mà thích có sẵn file dữ liệu trong máy tính để có thể truy cập mọi lúc, mọi nơi. Hay một số người tìm các đầu sách nghiên cứu, chuyên ngành mà thư viện không có, đây là lúc cán bộ thư viện cần hỗ trợ bạn đọc tìm kiếm thông tin, tư liệu.

Chuyển đổi số thư viện là bước tiến lớn để phục vụ người đọc. Việc chuyển đổi này góp phần xây dựng, kết nối liên thông các thư viện nhằm chia sẻ dữ liệu. Hiện nay, việc liên hệ, kết nối với mạng lưới Thư viện số của cả nước để lấy tư liệu, thông tin cho bạn đọc tương đối thuận lợi. Việc liên kết thông tin giữa các thư viện lớn trong cả nước góp phần hỗ trợ, phục vụ nhu cầu tìm kiếm thông tin của người đọc ở bất cứ đâu.

Một trong những lợi ích mà chuyển đổi số thư viện mang lại là giúp thu hẹp khoảng cách giữa đồng bằng và miền núi, thành thị và nông thôn, đặc biệt là trong việc hưởng thụ những giá trị văn hóa. Những con em dân tộc thiểu số sẽ dễ dàng tiếp cận hơn với những kiến thức bổ ích từ những thông tin mà chuyển đổi số thư viện mang lại, người thành thị cũng hiểu rõ hơn những phong tục, tập quán, nét văn hóa bản sắc của người vùng cao khi tiếp cận thông tin số hóa từ thư viện.

Số hóa 70% tài liệu cổ, quý hiếm tại các thư viện

Với mục tiêu 70% tài liệu cổ, quý hiếm hay bộ sưu tập tài liệu có giá trị đặc biệt về văn hóa, lịch sử, khoa học được thu thập và quản lý trước đây sẽ được số hóa. Cùng với 70% tài liệu nội sinh, công trình nghiên cứu khoa học do các thư viện của các trường đại học đã thu thập và quản lý cũng sẽ được số hóa.

Ngoài ra, 100% thư viện công lập có vai trò quan trọng sẽ được đầu tư, hoàn thiện, phát triển về hạ tầng số, dữ liệu số, triển khai liên thông, chia sẻ mọi tài nguyên, sản phầm thông tin thư viện theo chức năng, nhiệm vụ. 100% người công tác tại thư viện sẽ được đào tạo và đào tạo lại, cập nhật các kiến thức, kỹ năng vận hành thư viện hiện đại. Các thư viện trong cả nước sẽ được kiểm tra , quản lý thông qua hệ thống quản lý thông tin.

Thúc đẩy mạnh mẽ việc chuyển đổi số thư viện

Để tạo đột phá trong mục tiêu này, các cơ quan chức năng tham gia đã triển khai những nội dung chính như chủ trì xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể để tổ chức triển khai chuyển đổi số nhanh chóng. Xây dựng, sửa đổi, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền các văn bản nhằm thúc đẩy chuyển đổi số ngành thư viện, phối hợp với các bộ, các cơ quan trong xây dựng, hoàn thiện, ban hành các văn bản pháp luật liên quan. Bồi dưỡng nâng cao chất lượng nhân lực, từ đó đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số ngành thư viện.

Đất nước đang từng bước đi lên, hòa theo dòng chảy công nghệ toàn cầu. Mọi lĩnh vực hiện nay đều từng bước được số hóa. Kiến thức, thông tin là điều cốt lõi trong phát triển trí tuệ của mọi người, điều đó cần các nơi cung cấp bổ sung như thư viện. Việc chuyển đổi số trong các thư viện hiện nay là điều cần làm, cần khẩn trương triển khai để mỗi người dân đều có thể dễ dàng tiếp nhận lượng kiến thức văn minh , các kho tàng khổng lồ trên thế giới từ đó chuyển hóa thành tri thức đóng góp cho sự phát triển hùng cường của đất nước.