“Cò đất” tung tin

Thời gian gần đây, các “cò đất” liên tục thông tin về những dự án còn trên giấy để đẩy giá đất lên cao khiến thị trường bất động sản (BĐS) ở Tây Nguyên sôi động bất thường. Tại Gia Lai, sốt đất nhất là các khu vực giáp ranh với TP. Pleiku như xã Ia Sao, Ia Der hoặc các địa điểm gần khu vực sân golf FLC, khu trung tâm hành chính mới ở huyện Đak Đoa, khu vực quanh núi lửa Chư Đăng Ya…

Đi dọc các đường làng của thôn Jút 2 (xã Ia Dêr), thôn Đức Thành (xã Ia Sao) huyện Ia Grai, biển quảng cáo bán đất giăng trên cây, cột điện và trước ngõ nhà dân. Hay tại đường Văn Cao (thôn 2, xã Trà Đa) và thôn 1, (xã Biển Hồ, Tp. Pleiku), nhân viên công ty môi giới BĐS dẫn khách từng tốp 3 – 5 người đi xem đất. Có chủ đất mua hơn 1.000 m2 đất, san phẳng vườn cà phê rồi cắm cọc phân từng lô. Tại khu vực núi lửa Chư Đăng Ya (huyện Chư Păh, Gia Lai), “cò đất” hoạt động rầm rộ với chiêu trò quảng cáo đường mật như view (quang cảnh, khung cảnh) ruộng, view núi lửa, giá tốt nhất cho nhà đầu tư… khiến nhiều người dân sập bẫy, tiền mất tật mang.

Khu vực hộ dân quanh núi lửa Chư Đăng Ya.

Người dân ở Chư Đăng Ya khi nghe những lời ngon ngọt của “cò đất” về “dự án tỷ đô”, đất được giá cao đã cắt đất ở, đất rẫy quanh khu vực thắng cảnh chuyển nhượng. Không ít người đã bị mắc lừa với những thông tin chưa xác thực. Thắng cảnh Chư Đăng Ya với vùng hoa dã quỳ đẹp mê hồn thu hút hàng chục ngàn lượt khách thưởng lãm mỗi mùa dã quỳ nở. Đặc biệt, từ khi có thông tin loan truyền việc tỉnh Gia Lai kêu gọi dự án trị giá hàng tỷ USD để đầu tư, thu hút du lịch thì ngay lập tức diễn ra cơn sốt đất ảo.

Giá đất ruộng lúa, đất nương rẫy trồng cà phê, hồ tiêu của nông dân quanh vùng núi lửa bị thổi giá chóng mặt. Từ 10 triệu đồng/m chiều ngang lên đến 30 – 40 triệu đồng, thậm chí tăng đến 90 triệu đồng/m ngang ở các trục đường chính trong thôn làng, nơi có view ruộng, hồ. Giới “cò đất” theo đó cũng đổ về đây tranh thủ làm ăn, kiếm lời. Những mảnh đất được nhắm tới không đâu khác mà chính là vùng đất đang mưu sinh của người địa phương. Thực trạng mua bán đất đai xung quanh vùng núi lửa Chư Đăng Ya hiện đang nóng hơn bao giờ hết, kéo theo những ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân.

Nhiều địa phương khác, nhiều hộ dân phá bỏ vườn cà phê sát với mặt đường bê tông với ý định xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất, phân lô bán nền. Tại thôn Đức Thành, xã Ia Sao, ông Huỳnh Văn Tuyển đang sử dụng đất đã tự ý xây dựng nâng cấp đường bê tông với chiều dài 40 m. Mục đích của ông Tuyển là để phân lô bán nền trên đất trồng cây cà phê và đã bị chính quyền địa phương phát hiện, xử lý.

Mặc dù chưa được cơ quan chức năng đồng ý tách thửa, phân lô, nhưng nhiều công ty BĐS như BSO Pleiku, Đất Xinh Gia Lai, Pleiku Land… (trụ sở tại TP.Pleiku) đã quảng cáo, môi giới trên mạng. Các vị trí đường bê tông tự làm được công ty môi giới BĐS vẽ ra, in thành tờ rơi để giới thiệu với khách hàng.

Chính quyền vào cuộc

Ba năm trước, giá đất tại TP. Pleiku tỉnh Gia Lai cũng “sốt rần rần” khi xuất hiện những thông tin như TP. Pleiku sắp lên đô thị loại 1, các dự án lớn sắp được đầu tư. Ngay cả việc đơn vị bộ đội tổ chức bay huấn luyện trên bầu trời TP. Pleiku cũng được đồn thổi rằng các doanh nghiệp đang khảo sát, lập dự án… kéo theo giá đất bị đẩy lên từng ngày. Đến giữa năm 2019, giá đất tại TP. Pleiku bắt đầu hạ nhiệt. Nhiều người vay tiền đầu tư mua đất giờ bán không ai mua. Một nhà đầu tư BĐS lớn ở Gia Lai cho rằng, thị trường BĐS tại tại đây đang rất sôi động. Tuy nhiên, người mua cần cân nhắc bởi những lô đất bị thổi giá lên quá cao. Người mua sẽ không mua được với giá trị thực, dẫn đến các hoạt động về vốn, thanh khoản bị đứng hoàn toàn.

Thực tế, theo lời kêu gọi đầu tư của tỉnh Gia Lai về dự án du lịch lớn có giá trị cao mà một tập đoàn đang khảo sát. Tuy nhiên mọi việc chỉ đang dừng lại ở thông tin mà chưa có một văn bản chính thức nào về việc đầu tư vào khu vực này. “Cò đất” đã lợi dụng để trục lợi từ những thông tin chưa chính xác, tung tin sốt đất, thổi giá nhằm trục lợi và không ít người dân đã vội cả tin.

Chính quyền tỉnh Gia Lai trước thông tin sốt đất ở nhiều địa phương của tỉnh này đã yêu cầu xử lý nghiêm các dự án BĐS chưa đủ điều kiện pháp lý đã đưa vào giao dịch. Theo đó, trong thời gian qua, thị trường nhà ở và BĐS trên địa bàn tỉnh Gia Lai có chuyển biến tích cực, thu hút nhiều nhà đầu tư lớn triển khai các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị, dự án đầu tư xây dựng kinh doanh BĐS. Tuy nhiên, vẫn còn một số nhà đầu tư chưa thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, tiềm ẩn nguy cơ, rủi ro ảnh hưởng đến thị trường BĐS, quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng và các nhà đầu tư thứ cấp.

Ngoài ra, Sở Xây dựng được giao tăng cường công tác quản lý, giám sát, kiểm tra và thanh tra các dự án BĐS trên địa bàn tỉnh; Xử lý nghiêm các dự án BĐS chưa đủ điều kiện pháp lý đã đưa vào giao dịch, kinh doanh trên thị trường. Thường xuyên công bố, công khai thông tin dự án đầu tư xây dựng nhà ở đủ điều kiện/chưa đủ điều kiện kinh doanh, giao dịch trên thị trường BĐS theo quy định pháp luật…

Về vấn đề sốt đất tại Chư Đăng Ya, ông Nay Kiên – Chủ tịch UBND Huyện Chư Păh cho biết đã chỉ đạo Công an huyện vào cuộc điều tra, xác minh những vụ việc có dấu hiệu lừa đảo, mua bán nhiều sổ đỏ của người dân. Đồng thời, sẽ xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân nếu có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai.

AN NHIÊN