ISSN-2815-5823

Thanh toán không tiền mặt: Cần xây dựng niềm tin bằng pháp lý

(KDPT) – “Thực tiễn cho thấy thanh toán di động sẽ nhanh chóng bùng nổ và phổ cập ở Việt Nam như chúng ta đã làm được với điện thoại di động hơn 10 năm trước. Đây cũng là xu hướng tất yếu bởi nhanh và phổ cập là hai yếu tố vô cùng quan trọng đối với Việt Nam”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định. Tuy vậy, Phó Thủ tướng cũng thừa nhận người dân cần niềm tin để phổ biến thanh toán không tiền mặt và đối với vấn đề này, “việc thiết kế cơ chế, chính sách phù hợp vừa có tính cấp bách vừa có ý nghĩa lâu dài trong bối cảnh mới”.

>>> Bài toán thủ tục hành chính – cái nhìn từ hoạt đồng đầu tư

>>> “Siêu đại gia” và muôn nẻo đường học vấn

Thế giới này là thế giới của công nghệ

Thương mại điện tử (TMĐT) tăng rất nhanh ở Việt Nam trong những năm gần đây, với tốc độ tăng trưởng ở mức 25 – 30% mỗi năm, thuộc hàng nhanh nhất khu vực. Hiện quy mô thị trường đạt khoảng 8 tỷ USD.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương), hiện chỉ có 3-5% lượng giao dịch sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt, đến 80% khách hàng hiện vẫn dùng phương thức nhận hàng trả tiền (COD), hình thức trung gian thanh toán qua các website TMĐT chỉ chiếm 8%.

Một vấn đề đang tồn tại trong TMĐT chính là lòng tin của khách hàng, dẫn đến việc họ vẫn ưa chuộng giao hàng COD. “Những nền tảng TMĐT bán hàng không đúng quảng cáo, mẫu mã yêu cầu khiến khách hàng không thực hiện thanh toán trước” – ông Phạm Tiến Dũng nói. Thực tế, hiện có nhiều website giả mạo doanh nghiệp uy tín để cung cấp thông tin sai lệch về hàng hóa, dịch vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người tiêu dùng.

Tham dự hội thảo “Xã hội không tiền mặt: chính sách và thực tiễn tại Việt Nam”, mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết nếu giảm được thanh toán tiền mặt, không chỉ tiết kiệm thời gian và chi phí cho người dân, doanh nghiệp, giảm chi phí hoạt động và nâng cao hiệu quả của NH, mà Nhà nước còn thuận tiện khi triển khai dịch vụ công cấp độ 4, tức là người dân nộp tiền qua mạng, không phải trực tiếp tới trụ sở cơ quan, kho bạc. Ngoài ra, hiệu quả quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước cũng được nâng cao, minh bạch nền kinh tế và các hoạt động thanh toán trong nền kinh tế cũng như thu nhập cá nhân trong xã hội, góp phần vào công tác phòng chống tham nhũng, phòng chống rửa tiền, tiêu cực và các loại tội phạm kinh tế.

Do đó, Phó Thủ tướng cho biết việc thiết kế cơ chế, chính sách phù hợp, xây dựng và triển khai các giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt đồng bộ hướng tới xã hội không tiền mặt là vấn đề vừa có tính cấp bách vừa có ý nghĩa lâu dài trong bối cảnh mới.

Theo Phó Thủ tướng hiện Việt Nam có những điều kiện lý tưởng để thúc đẩy thanh toán di động, các dịch vụ tài chính và thương mại điện tử khác, thay đổi triệt để thói quen dùng tiền mặt hiện tại. “Thế giới ngày nay là thế giới của công nghệ, sáng tạo dựa trên nền tảng về nhu cầu của con người, một nước đi sau có thể có lợi thế hơn những quốc gia phát triển, nhưng với điều kiện chúng ta phải đi nhanh, đi tắt đón đầu trong lĩnh vực mà chúng ta có cơ hội và tiềm năng. Chỉ như vậy mới có thể thay đổi được thứ hạng. Để làm được điều đó, điều tiên quyết là phải tạo lập môi trường cho cái mới sinh sôi, nảy nở và thúc đẩy nó” Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định.

Cần hành lang pháp lý

Giảng viên Nguyễn Minh Sáng, Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh, nhận định: Thị trường thanh toán không tiền mặt của Việt Nam đang rất sôi động nhưng để thúc đẩy phương thức thanh toán này phát triển hơn nữa, nhà thanh toán trung gian cần đa dạng hóa sản phẩm kết nối và tư vấn, truyền thông nhiều hơn. Có thể đa dạng hình thức xác thực thanh toán, như bằng mật khẩu, vân tay hay nhận dạng khuôn mặt… Một khi thấy được sự tiện lợi, an toàn khi thanh toán điện tử ở mọi lúc, mọi nơi…, người dân sẽ dần thay đổi thói quen dùng tiền mặt để chuyển sang không dùng tiền mặt”.

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Đào Minh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, cho biết: Không chỉ có người tiêu dùng “e ngại” khi giao dịch phi tiền mặt, một số doanh nghiệp tại Việt Nam cũng ngại chấp nhận phương thức thanh toán mới. Đồng thời, các chính sách khuyến khích đối với các thành phần tham gia cũng chưa nhiều.

Trước tình hình đó, bà Nguyễn Thị Minh Huyền đề xuất: “Chính phủ cần đưa ra những hành lang pháp lý, thể chế để xây dựng niềm tin của người tiêu dùng trong TMĐT, thúc đẩy phương thức thanh toán không dùng tiền mặt”.

Ngoài ra, theo nhiều chuyên gia kinh tế, muốn thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, không chỉ thay đổi thói quen của người dùng, đẩy mạnh các kênh thanh toán trực tuyến mà nhà nước cần đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để người dân thuận tiện sử dụng. Đồng thời, nhà nước cần trở thành người mua lớn nhất (mua sắm chính phủ qua đấu thầu trực tuyến) và cung cấp dịch vụ công trực tuyến thu phí…

Hà Thu



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 17/01/2025