Thu hoạch lúa tại Bạc Liêu. Ảnh: Huỳnh Sử/TTXVN

Trong khi đó, giá cà phê, tiêu sau khi hồi phục tuần trước đó thì vẫn giữ ổn định.

Thị trường nông sản trong nước:

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, giá lúa tươi thường từ 5.000 – 5.100 đồng/kg, lúa Jasmine 5.500 – 5.850 đồng/kg, lúa OM từ 5.100 – 5.600 đồng/kg, tăng nhẹ từ 50-100 đồng/kg so với cuối tuần trước.

Giá gạo thường tại An Giang ở mức 10.500-11.500 đồng/kg, gạo thơm Jasmine 14.500-15.500 đồng/kg, gạo Nàng Hoa 16.500 đồng/kg, gạo Nhật 22.500 đồng/kg… Nhìn chung, giá gạo tại nơi đây vẫn ổn định.

Theo Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương, một số nơi giá gạo tuần qua có xu hướng tăng nhẹ từ 100- 150 đồng/kg, nhưng so với tháng trước thì vẫn sụt giảm khoảng 10%, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang rất khó tìm kiếm đơn hàng. Hiện nay, thị trường lúa gạo trên thế giới rất trầm lắng, nhu cầu giảm mạnh so với những tháng đầu năm.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2020 đạt gần 3,5 triệu tấn với 1,71 tỷ USD, tăng 4,4% về khối lượng và tăng 17,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Giá gạo xuất khẩu bình quân 5 tháng đầu năm đạt 485 USD/tấn, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2019.

Từ Diễn đàn của người làm cà phê cho thấy, giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên ngày 11/7 không thay đổi so với cuối tuần trước, vẫn dao động trong khung 31.000 – 31.700 đồng/kg.

Tại cảng Tp. Hồ Chí Minh, giá cà phê robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, đứng ở 1.315 USD/tấn, với mức chênh lệch cộng 80 – 100 USD/tấn theo giá kỳ hạn tháng 11 tại London.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, xuất khẩu cà phê 6 tháng đầu năm 2020 đạt 943 nghìn tấn với 1,59 tỷ USD, tăng 2,4% về khối lượng và tăng 1,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Đức, Hoa Kỳ và Italy tiếp tục là ba thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam.

Giá cà phê xuất khẩu bình quân 5 tháng đầu năm 2020 đạt 1.684 USD/tấn, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm 2019.

Nhìn lại 6 tháng đầu năm 2020, giá cà phê trong nước xu hướng biến động giảm là chủ đạo. So với thời điểm cuối năm 2019, giá cà phê vối nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên giảm 1.500 – 1.900 đ/kg. Dự báo thời gian tới, giá cà phê trong nước có thể tăng lên do nguồn cung sụt giảm vì người nông dân không muốn bán hàng với giá quá thấp.

Về tiêu, theo Tin Tây Nguyên, giá tiêu tại khu vực trọng điểm Tây Nguyên trong tuần qua vẫn giao động từ 47.000 – 51.000 đồng/kg tùy từng địa phương, tương đương với tuần trước. Giá thấp nhất tại Đồng Nai và Bình Phước, cao nhất ở Bà Rịa – Vũng Tàu.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu tiêu 6 tháng đầu năm đạt 168 nghìn tấn với 358 triệu USD, giảm 4,8% về khối lượng và giảm 20,7% so với cùng kỳ năm 2019. Xuất khẩu hồ tiêu sang nhiều thị trường lớn giảm đáng kể do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Tại thị trường trong nước, giá hồ tiêu trong nước biến động giảm trong tháng 6/2020 ở quanh mức 47.000 – 49.000 đồng/kg, tùy từng địa phương. Dự báo trong thời gian tới, giá hạt tiêu khó có khả năng tăng mạnh bởi nhu cầu tiêu thụ tiêu vẫn còn yếu do đại dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp tại nhiều nước trên thế giới và đang có nguy cơ bùng phát mạnh trở lại tại nhiều thị trường tiêu thụ tiêu lớn như Mỹ và EU.

Thị trường nông sản thế giới:

Thị trường nông sản Mỹ cho thấy, giá các loại nông sản giao kỳ hạn trên Sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT) diễn biến trái chiều khi đóng cửa ngày giao dịch 10/7, theo đó giá ngô và giá đậu tương giảm, trong khi giá lúa mỳ tăng.

Giá ngô giao tháng 12/2020 giảm 12,25 xu Mỹ (tương đương 3,43%) xuống còn 3,4475 USD/bushel. Trong khi đó, giá lúa mỳ giao tháng 9/2020 tăng 9 xu Mỹ (1,71%) lên 5,34 USD/bushel, ngược lại giá đậu tượng giao tháng 11/2020 giảm 10,75 xu Mỹ (1,19%) xuống còn 8,9075 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

Theo báo cáo có tiêu đề Ước tính về cung cầu nông nghiệp thế giới (WASDE) của Bộ Nông nghiệp Mỹ, lượng ngô trữ kho vào cuối niên vụ 2019/20 đạt 2.248 triệu bushel, tăng 150 triệu bushel. Lượng ngô trữ kho vào cuối niên vụ 2020/21 của Mỹ giảm 2.648 triệu bushel. Báo cáo trên cũng dự đoán nhu cầu đối với ngô xuất khẩu của Mỹ tăng 375 triệu bushel.

Sản lượng lúa mỳ năm 2020 của Mỹ giảm 53 triệu bushel xuống còn 1.824 triệu bushel. Trữ lượng lúa mỳ cuối niên vụ 2020/21 của Mỹ ước đạt 942 triệu bushel.

Báo cáo trên đã hạ ước tính sản lượng lúa mỳ năm 2020 của Nga xuống còn 76,5 triệu tấn, giảm 500.000 tấn, trong khi xuất khẩu lúa mỳ của nước này đạt 36 triệu tấn. Trong khi đó, trữ lượng lúa mỳ thế giới niên vụ 2020/21 đạt mức kỷ lục 315 triệu tấn, giảm 1 triệu tấn.

Trong khi đó, trữ lượng đậu tương cuối niên vụ 2020/21 của Mỹ tăng lên 425 triệu bushel, tăng 30 triệu bushel. Xuất khẩu đậu tương niên vụ 2020/21 của Mỹ ổn định ở mức 2.050 triệu bushel.

Báo cáo trên cũng nâng dự báo sản lượng đậu tương năm 2020 của Brazil thêm 2 triệu tấn lên mức kỷ lục 126 triệu tấn, với xuất khẩu đậu tương tăng lên 89 triệu tấn.

Cũng theo báo cáo trên, nhập khẩu đậu tương niên vụ 2020/21 của Trung Quốc đạt 96 triệu tấn, tương tự niên vụ hiện nay. Tuy vậy, báo cáo trên không đưa ra dự báo về mức tăng trưởng nhu cầu của Trung Quốc đối với đậu tương nhập khẩu niên vụ tới.

Tại thị trường gạo châu Á: xuất khẩu gạo của Thái Lan trong tuần này đã giảm xuống mức thấp nhất 4 tháng qua giữa bối cảnh đồng nội tệ sụt giảm và nhu cầu gạo thấp, trong khi giá gạo Việt Nam tăng mạnh khi tình trạng thời tiết không thuận lợi kéo dài làm dấy lên quan ngại về triển vọng sản lượng gạo của nước này.

Giá gạo 5% tấm của Thái Lan ở mức 455-485 USD/tấn trong ngày 9/7, mức thấp nhất kể từ đầu tháng 3/2020 và thấp hơn mức 514-520 USD/tấn trong tuần trước đó. Theo một thương nhân kinh doanh gạo ở Bangkok (Thái Lan), nhu cầu gạo vẫn “dậm chân tại chỗ” trong những tuần gần đây và điều này đã kéo giá gạo đi xuống.

Giá gạo xuất khẩu của Thái Lan cũng giảm cho dù đồng nội tệ (baht) của nước này trong tuần giao dịch qua đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 1 tháng trở lại đây so với đồng USD trong bối cảnh gạo Thái vẫn đắt hơn so với các loại gạo của Việt Nam và Ấn Độ sau khi nước này trải qua một đợt hạn hán nghiêm trọng hồi đầu năm 2020.

Trong khi đó, những quan ngại về nguồn cung gạo do tình hình thời tiết không thuận lợi đã khiến giá gạo 5% tấm của Việt Nam tăng lên mức cao nhất 3 tuần qua là 425-457 USD/tấn, từ mức 415-450 USD/tấn một tuần trước đó.

Theo một thương nhân ở Thành phố Hồ Chí Minh, tình hình thời tiết không thuận lợi kéo dài ở khu vực đồng bằng châu thổ sông Mekong tiếp tục ảnh hưởng bất lợi tới vụ thu hoạch Hè Thu, từ đó tác động bất lợi tới giá gạo.

Tại Ấn Độ, giá gạo đồ 5% tấm ở mức 377-382 USD/tấn trong tuần này, tăng so với mức 373-378 USD/tấn tuần trước đó. Theo một nhà xuất khẩu ở Kakinada thuộc bang Andhra Pradesh (Ấn Độ), các khách hàng ở châu Phi đang tăng cường nhập khẩu gạo để đảm bảo nguồn cung dồi dào đáp ứng đầy đủ nhu cầu nội địa giữa lúc số ca mắc COVID-19 gia tăng ở châu lục này.

Ngoài ra, việc đồng rupee của Ấn Độ tăng lên xấp xỉ mức cao nhất trong hơn 3 tháng qua so với USD cũng góp phần hỗ trợ giá gạo.

Sản lượng gạo của Ấn Độ – nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới – có thể tăng lên mức cao kỷ lục nhờ thời tiết thuận lợi và chính phủ nước này tăng giá gạo thu mua sẽ áp dụng trong niên vụ mới.

Về thị trường đường: giá đường thô giao tháng 10/2020 tại thị trường London (Vương quốc Anh) đã giảm 0,05 xu Mỹ (0,4%) xuống còn 11,79 xu Mỹ/pound (1 pound=0,454 kg), xấp xỉ mức thấp nhất trong 1 tuần rưỡi qua l 11,75 xu Mỹ/pound trong bối cảnh tình hình kinh tế vĩ mô có những dấu hiệu tiêu cực.

Sản lượng đường tích lũy của các nhà đường ở Brazil trong niên vụ hiện nay cao hơn 48,75% so với niên vụ trước. Giá đường trắng giao tháng 8/2020 giảm 2,10 USD (0,7%) xuống còn 337,80 USD/tấn.

Trong khi đó, giá cà phê Arabica giao tháng 9/2020 tại London tăng 0,1 xu Mỹ (0,1%) lên 98,85 xu Mỹ/pound, còn giá cà phê Robusta giao tháng 9/2020 tại London tăng 5 USD (0,4%) lên 1.2020 USD/tấn.

Ngày 9/7, theo các thương nhân, nguồn cung cà phê thu hẹp và giá cà phê thế giới thấp đã khiến hoạt động mua bán cà phê tương đối trầm lắng ở Việt Nam, trong khi nhu cầu cà phê tăng mạnh đã hỗ trợ các thị trường cà phê ở Indonesia.

Các nông dân ở khu vực Tây Nguyên, vùng trồng cà phê lớn nhất Việt Nam, đã chào bán cà phê COFVN-DAK với giá 32.000 đồng (1,38 USD)/kg, không đổi so với tuần trước đó. Theo một nhà giao dịch, giá cà phê thế giới giảm cùng với lượng cà phê trữ kho thấp đã khiến thị trường khá “trầm lắng”, với việc các nông dân hạn chế bán cà phê nhằm hy vọng nguồn cung thu hẹp sẽ hỗ trợ giá cà phê. Nhà giao dịch trên cho rằng tình hình này ít nhất cũng sẽ kéo dài đến tháng 10/2020.

Bích Hồng – Anh Quân/Báo Tin Tức