Dự Hội nghị có: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa – Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Bà Nguyễn Thị Doan – nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; Ông Nguyễn Đắc Vinh – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội; Bà Nguyễn Thúy Anh – Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội; Ông Đào Ngọc Dung – Bộ trưởng Bộ LĐ, TB&XH; Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Ông Hầu A Lềnh – Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Ông Trần Văn Sơn – Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ;

Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, có sự tham dự của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn; Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng; Thứ trưởng Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn; Đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ, đơn vị trực thuộc Bộ.

Cùng đại diện lãnh đạo địa phương, lãnh đạo các Sở GD&ĐT 63 tỉnh thành trên cả nước.

Toàn cảnh Hội nghị.

Cùng với cả nước, toàn ngành Giáo dục đã tham gia tích cực vào công tác phòng, chống dịch Covid-19; triển khai quyết liệt, mạnh mẽ, hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch với mục tiêu “đảm bảo sức khỏe, an toàn của học sinh, sinh viên, giáo viên lên trên hết” đồng thời thực hiện phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng học”.

Năm học 2020-2021, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Bộ GD&ĐT tiếp tục ban hành các văn bản chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch; tăng cường thực hiện kế hoạch năm học, triển khai dạy học trực tuyến, kiểm tra, đánh giá, ôn thi tốt nghiệp THPT; tổ chức hoạt động dạy và học, kết thúc năm học và tuyển sinh trong thời gian dịch Covid-19 tại các cơ sở giáo dục đại học.

Các cơ sở giáo dục đã chủ động tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố điều chỉnh linh hoạt kế hoạch dạy học phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, tổ chức dạy học qua Internet và trên truyền hình; điều chỉnh việc kiểm tra, đánh giá (trong đó, một số Sở GDĐT đã hướng dẫn kiểm tra cuối học kì II theo hình thức trực tuyến), hoàn thành kế hoạch năm học 2020 – 2021.

Cụ thể, Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 đã đáp ứng được yêu cầu gọn nhẹ, thiết thực, khách quan, công bằng, minh bạch, nghiêm túc và được nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Để bảo đảm an toàn chống dịch, Bộ GD-ĐT điều chỉnh phương án thành hai đợt.

Công tác triển khai chương trình, SGK mới đối với lớp 1 hoàn thành đúng kế hoạch, đảm bảo chuẩn đầu ra, yêu cầu cần đạt của chương trình, một số mặt còn nổi trội hơn so với chương trình hiện hành.

Chất lượng giáo dục phổ thông mũi nhọn tiếp tục được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Kết quả thi Olympic năm 2021, với 37/37 học sinh dự thi đều đạt giải đã khẳng định sự cố gắng vượt bậc trong học tập, rèn luyện của học sinh, giáo viên và các nhà trường, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.

Năm học 2020-2021 cũng đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Quy mô tuyển sinh sau tự chủ có xu hướng giảm, trong đó giảm mạnh đào tạo đại trà và tăng đào tạo chất lượng cao. Về tổ chức bộ máy, hiện đã có 88/175 hội đồng trường được thành lập theo luật mới (không tính các cơ sở GDDH thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng); theo báo cáo của 45 bộ, ngành, địa phương cho thấy không có địa phương, bộ, ngành nào có vướng mắc về quy trình, thủ tục thành lập hội đồng trường theo quy định mới.

Theo đó, năm học 2020 – 2021, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đạt 98,6% (tăng 0,2% so với năm học trước), trong đó có 12.000 em xét đặc cách tốt nghiệp.

Đối với các cơ sở giáo dục đại học, việc chuyển đổi phương pháp giảng dạy được thực hiện ở hầu hết các môn học, trừ những môn liên quan đến thí nghiệm, thực nghiệm, thực tập còn lại đều được triển khai dạy học trực tuyến. Tỷ lệ giảng viên dạy học trực tuyến của nhiều trường đạt 80 – 90% tổng số giảng viên cơ hữu. Tuy nhiên, thời lượng học trực tuyến chiếm tỷ lệ thấp so với kế hoạch đào tạo ban đầu của chương trình đào tạo.

Tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho toàn ngành Giáo dục năm 2021 chỉ đạt khoảng 17,3% chi ngân sách cả nước, chưa đạt tỷ lệ theo quy định. Tỷ lệ chi cho con người (chi lương, các khoản theo lương) còn chiếm tỷ lệ lớn trong tổng chi thường xuyên tại các trường; nhiều địa phương chưa bảo đảm tỷ lệ tối thiểu 18% chi chuyên môn theo quy định tại Quyết định số 46/2016/QĐ-TTg, gây khó khăn cho công tác bảo đảm chất lượng dạy và học tại các địa phương.

Việc mua sắm bổ sung thiết bị theo yêu cầu của Chương trình GDPT 2018 còn chậm. Đặc biệt trong tình hình dịch Covid-19 học sinh phải học trực tuyến, tại những nơi có điều kiện kinh tế khó khăn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số, cơ sở vật chất, trang thiết bị, đường truyền Internet còn hạn chế, gây ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.

Giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng làm việc chưa được chú trọng đúng mức; kỷ luật, kỷ cương quản lý trường, lớp ở nhiều nơi còn buông lỏng. Tình trạng học sinh, sinh viên vi phạm đạo đức, lối sống, an toàn trường học, vi phạm pháp luật, bạo lực học đường, còn xảy ra ở một số địa phương, cơ sở giáo dục gây bức xúc trong dư luận xã hội. Một bộ phận giáo viên còn vi phạm đạo đức nhà giáo, ngại thay đổi, chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới.

Nhiều trường học có đủ điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị được trưng dụng thành điểm cách ly tập trung, sẵn sàng đón tiếp người trong diện cách ly. Nhiều đại học, trường đại học đã tổ chức đoàn cán bộ, giảng viên, sinh viên tình nguyện lên đường chi viện cho các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch. Nhiều thầy giáo, cô giáo tình nguyện vào khu cách ly cùng học sinh, tham gia các hoạt động quyên góp, ủng hộ cho công tác phòng, chống dịch.

Có thể khẳng định, mặc dù chịu tác động sâu rộng của dịch Covid-19 nhưng toàn ngành Giáo dục đã hoàn thành mục tiêu kép trong năm học 2020 -2021, vừa tham gia tích cực trong phòng, chống dịch bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên, vừa hoàn thành kế hoạch năm học, bảo đảm chất lượng giáo dục.

QUỲNH ANH