Chúng ta vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không phải cái gì cũng mở toang hết, mà phải thận trọng, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng lưu ý.

Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành phiên thảo luận.

Chiều 12/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bắt đầu phiên họp thứ 49, tiến hành giám sát chuyên đề: “Việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên”.

Sau 25 Việt Nam tham gia và thực thi các FTA, đây là lần đầu tiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát về chủ đề này.

Kết quả giám sát cho thấy, tính đến hết năm 2019, Việt Nam đã ký kết 13 FTA và đang đàm phán 3 FTA. Trong số 13 FTA đã ký kết, có 12 FTA đã có hiệu lực đối với Việt Nam thuộc phạm vi của chuyên đề giám sát, bao gồm 1 FTA thế hệ mới là Hiệp định CPTPP đã được Quốc hội phê chuẩn trong năm 2018.

Các FTA mà Việt Nam tham gia có độ phủ rộng hầu hết các châu lục với gần 60 nền kinh tế có tổng GDP chiếm gần 90% GDP thế giới, trong đó có 15 nước thành viên G20 và 9/10 đối tác kinh tế – thương mại lớn nhất của Việt Nam thuộc 3 trung tâm kinh tế lớn nhất thế giới là Bắc Mỹ, Tây Âu và Đông Á.

Việc tham gia các FTA đã góp phần đưa nền kinh tế nước ta duy trì mức tăng trưởng cao từ 6-7%/năm, kinh tế vĩ mô ngày càng ổn định; lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo, Phó trưởng đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu khái quát.

Một trong những kết quả nổi bật là kể từ năm 2004 đến nay, tốc độ tăng bình quân xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và các đối tác thương mại FTA đều đạt mức 2 con số, trong đó, Chile, Trung Quốc, Hàn Quốc và Ấn Độ là 4 đối tác có tốc độ tăng giá trị xuất nhập khẩu trung bình năm cao hơn 20%.

Giá trị xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc tăng cao gấp 16 lần trong giai đoạn 2004 – 2019 (từ 7,2 tỷ USD lên 116,9 tỷ USD). Đây cũng là đối tác thương mại có trị giá xuất nhập khẩu chiếm tỷ trọng cao trong trị giá xuất nhập khẩu chung của cả nước (chiếm 19,7% trong năm 2019). Việt Nam luôn trong tình trạng thâm hụt cán cân thương mại (nhập siêu) với Trung Quốc với trị giá nhập siêu lớn, tăng từ 1,72 tỷ USD trong năm 2004 lên đến 34 tỷ USD trong năm 2019.

Những con số này khiến Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng Phan Thanh Bình lo ngại rằng, chúng ta vẫn chưa thoát được việc phụ thuộc vào một vài nền kinh tế lớn và gần Việt Nam, điểm này, theo ông Bình cần đánh giá sâu hơn.

Theo Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, hiện nay vẫn còn có ý kiến khác nhau về mức độ hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Có ý kiến cho rằng đi nhanh quá, mở rộng quá, có ý kiến lại cho rằng cần mở rộng hội nhập hơn nữa. Báo cáo cần khẳng định là thực hiện FTA mà Việt Nam là thành viên đã đem lại lợi ích chính đáng cho Việt Nam, bước đầu có khó khăn nhưng lâu dài có kết quả tích cực, ông Hiển nêu quan điểm.

Phát biểu kết thúc phần thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định, Thường vụ Quốc hội đánh giá cao đóng góp của việc tham gia các FTA với sự phát triển chung, hiệu quả về chính trị và ngoại giao là rõ rệt. Về kinh tế – xã hội, việc thực thi các FTA giúp tăng trưởng xuất khẩu, tránh phụ thuộc vào một thị trường truyền thống.

“Chúng ta vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không phải cái gì cũng mở toang hết mà phải thận trọng”, Phó chủ tịch nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề này, Phó chủ tịch nêu sửa Luật Công đoàn cũng là một vấn đề, sẽ sửa thế nào và có nên sửa chưa, cần được cân nhắc thật kỹ.

Mặt khác, quá trình hội nhập cũng đòi hỏi có những chính sách ưu đãi cho khu vực FDI, nhưng với doanh nghiệp trong nước cũng phải từng bước bình đẳng. “Có ưu đãi nhưng phải bình đẳng, khi giám sát tôi đau đáu nhất nội dung này”, Phó chủ tịch Tòng Thị Phóng phát biểu.

Qua giám sát, Đoàn giám sát thống nhất với báo cáo của Chính phủ và các bộ, ngành về một số bài học kinh nghiệm.

Một, bám sát các chủ trương, đường lối về hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng, tranh thủ sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng để chủ động thúc đẩy, tham gia các FTA.

Hai, xác định hội nhập quốc tế là sự nghiệp của toàn dân và của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước.

Ba, xác định hội nhập quốc tế về kinh tế là trọng tâm, hội nhập trong các lĩnh vực khác phải tạo thuận lợi cho hội nhập kinh tế và góp phần tích cực vào phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thúc đẩy phát triển văn hóa, xã hội.

Bốn, xây dựng hệ thống giám sát đồng bộ; phát huy tính chủ động và phối hợp đồng bộ của tất cả các cấp, các ngành, địa phương và doanh nghiệp.

Năm, thường xuyên tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao sự hiểu biết về hội nhập kinh tế quốc tế và các FTA cho cán bộ trong hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân để thực hiện có hiệu quả.

Sáu, công tác dự báo phải đáp ứng yêu cầu diễn biến thế giới và đánh giá khả năng nước ta triển khai theo lộ trình phù hợp.

NGUYỄN LÊ

Nguồn link gốc: https://baodautu.vn/thuc-thi-fta-khong-phai-cai-gi-cung-mo-toang-het-d131189.html