Diễn đàn do Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh phối hợp một số đơn vị tổ chức, nhằm đưa ra những giải pháp phát triển bền vững cho các ngành hàng tại Việt Nam, phát huy năng lực cạnh tranh và vị thế của doanh nghiệp, hoạch định những chiến lược phát triển thị trường và sản phẩm trong thời kỳ kinh tế khó khăn.

Diễn đàn “Đẩy mạnh chiến lược thị trường sản phẩm cho các doanh nghiệp Việt Nam thập kỷ 2020 – 2030”.

Từ đầu năm 2020, dịch bệnh Covid-19 bùng phát đã để lại tác động nặng nề lên nền kinh tế và xã hội trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Dịch bệnh và giãn cách xã hội đã khiến lối sống và quản lý tài chính của người Việt thay đổi, người tiêu dùng có xu hướng kỹ lưỡng, thận trọng với kế hoạch tài chính, quan tâm chú ý đến bảo hiểm cho bản thân và gia đình. “Người dân có ý thức phòng bị cho tương lai nhiều hơn, theo nghiên cứu của Kantar có 18% khách hàng tại Việt Nam có kế hoạch mua các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, 34% mua bảo hiểm trực tuyến”, bà Nguyễn Thị Bích Chung, đại diện Công ty nghiên cứu thị trường Kantar, cho biết.

Bà Nguyễn Thị Bích Chung, đại diện Công ty nghiên cứu thị trường Kantar phát biểu tại diễn đàn.

Dịch Covid-19 khiến tâm lý của người tiêu dùng miền Bắc và miền Nam có sự khác biệt rõ rệt. Theo nghiên cứu của Kantar người tiêu dùng miền Bắc có tâm lý lo lắng, hoang mang nhiều hơn so với miền Nam.

Điều đó đòi hỏi, doanh nghiệp cần có sự thay đổi để thích ứng phù hợp với nhu cầu của khách hàng trong giai đoạn cuộc sống bình thường mới này. Ông Vũ Xuân Trường, Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, cho biết “Việc thay đổi đầu tiên của các doanh nghiệp là tư duy thương hiệu. Hãy coi thương hiệu là vũ khí để cạnh tranh. Thứ hai là tư duy thị trường, tư duy quản trị và tư duy lãnh đạo. Mỗi cán bộ công nhân viên trong doanh nghiệp đều là điểm tiếp xúc thương hiệu. Tư duy tầm nhìn mới, chiến lược thương hiệu kết hợp truyền thông – hiện đại, phát huy tinh thần thương hiệu Việt”.

Cùng với đó, phát triển thương mại điện tử cho các doanh nghiệp Việt Nam trong kỷ nguyên số cũng là giải pháp tối ưu giúp doanh nghiệp đứng vững sau đại dịch Covid-19. Bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương), khẳng định “Việt Nam là một thị trường rất tiềm năng, số ít trong các quốc gia Đông Nam Á có cơ sở hạ tầng và tiềm năng phát triển thương mại điện tử, kinh tế số mạnh. Thương mại điện tử đang là cấu thành quan trọng của nền kinh tế số. Tốc độ tăng trưởng trên 25%, tiếp tục tăng trưởng trong 5 năm tới”.

Bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) phát biểu tại diễn đàn.

Theo bà Huyền, hiện nay có rất nhiều các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để phát triển thương mại điện tử và kinh tế số tuy nhiên điều đó đặt ra nhiều thách thức. Thiếu hụt số lượng lớn lao động có kỹ năng số, theo dự đoán năm 2020 Việt Nam thiếu 500.000 nhà khoa học trong lĩnh vực dữ liệu. Khả năng tiếp cận giáo dục thấp; kỹ năng không phù hợp; đào tạo kỹ năng mới có thể không đáp ứng kịp với tốc độ gián đoạn làm việc số.

Với tư cách là một doanh nghiệp hoạt động đi đầu trong lĩnh vực thương mại điện tử, ông Hoàng Quốc Quyền, Giám đốc đối ngoại cao cấp Tiki Miền Bắc cho rằng: “Theo tôi, chiến lược mới còn rất lớn là 80 triệu dân, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể khai thác nông thôn rất tiềm năng này, vừa để mang sản phẩm tốt đến người nghèo thu nhập thấp, vừa có một thị trường tiếp cận không quá cạnh tranh”. Đồng thời ông Quyền gửi gắm thông điệp, mong muốn trong vòng 10 năm tới, khu vực nông thôn có sự thay đổi, người dân được sử dụng sản phẩm chất lượng do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất.

CÔNG NINH