Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong tháng 3, tổng sản phẩm trong nước GDP quý I/2018 ước tính tăng 7,38%. Trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,7%, đóng góp 3,39 điểm phần trăm.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp tăng 10,08% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 3,01 điểm phần trăm vào mức tăng chung.
Tính chung, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp trong quý I/2018 tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều mức tăng cùng kỳ các năm gần đây. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục tăng trưởng cao 13,9% (với trụ cột chính là sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính, sản phẩm quang học và sản xuất kim loại), đóng góp 10,5 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng trưởng ổn định ở mức 10,5%, đóng góp 0,9 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,1%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; ngành khai khoáng tăng 0,4%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm.
Một số ngành có chỉ số sản xuất 3 tháng đầu năm nay tăng cao so với cùng kỳ năm trước, đóng góp chủ yếu vào mức tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp như: Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 29,3%; thoát nước và xử lý nước thải tăng 22,1%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 17,9%; sản xuất kim loại tăng 14%; dệt tăng 13,7%…
Nhìn lại năm 2017, một trong những điểm sáng đóng góp cho tăng trưởng công nghiệp là ngành chế biến chế tạo, trong đó Samsung Việt Nam có vai trò quan trọng. Công ty này đã tạo ra hơn 1,21 triệu tỷ đồng giá trị sản xuất tính theo giá so sánh, tăng 31% so với 2016. Samsung cũng xuất khẩu tăng đột biến so với năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm máy tính và linh kiện đạt khoảng 2,9 tỷ USD, tăng 36,5%…
Tại Hội nghị về thúc đẩy sản xuất và tăng trưởng năm 2018 vừa qua, đại diện một số địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội công nghiệp lớn cũng đã nêu các ý kiến, kiến nghị để thúc đẩy tăng trưởng sản xuất công nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Ông Nguyễn Tử Quỳnh, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh. VGP/Nhật Bắc

Ông Nguyễn Tử Quỳnh, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, địa phương có tốc độ tăng trưởng công nghiệp đứng thứ 2 cả nước cho biết, quý I/2018 tốc độ tăng trưởng công nghiệp nhanh một phần do tốc độ tăng trưởng quý I/2017 của Samsung khá thấp. Do đó, với tình hình thương mại quốc tế biến động, cùng với tốc độ tăng trưởng các quý sau của năm ngoái khá cao thì tốc độ các quý sau năm nay sẽ không đơn giản để duy trì ở mức cao. Tuy nhiên, địa phương đang nỗ lực thực hiện đồng bộ các biện pháp cải thiện môi trường đầu tư, tiếp tục thu hút đầu tư, nhất là các dự án công nghệ cao, công nghệ sạch, các dự án thâm dụng ít lao động nhưng đóng góp cho ngân sách lớn cho Nhà nước.
Ông Nguyễn Tử Quỳnh cũng cho biết, các cơ quan chức năng sẽ trực tiếp, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, không để doanh nghiệp tốn thời gian và chi phí khi làm việc với các cơ quan nhà nước. Địa phương sẽ huy động mọi nguồn lực, nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng cơ bản, đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng khu công nghiệp (KCN).
Tỉnh Bắc Ninh cũng đề nghị sớm thông qua chủ trương đầu tư xây dựng khu công nghiệp thương mại và dịch vụ VSIP-Bắc Ninh 2; Khu công nghiệp Yên Phong II-C Bắc Ninh, ngoài ra, được đầu tư thêm các hệ thống hạ tầng, trạm điện để đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng tăng của doanh nghiệp sản xuất.
Còn đại diện doanh nghiệp FDI có đóng góp hàng đầu cho tăng trưởng công nghiệp chế biến chế tạo, ông Bang Hyun Woo, Phó Tổng giám đốc phụ trách đối ngoại Công ty Samsung Việt Nam đánh giá cao sự hỗ trợ tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài FDI nói chung và Samsung nói riêng.
Tuy nhiên, về triển vọng thị trường trong năm 2018, ông Bang Hyun Woo nhận định, thị trường điện thoại di động thế giới đang có dấu hiệu chững, hơn nữa, xu thế bảo hộ mậu dịch khiến các yếu tố rủi ro tăng lên. Về phía mình, Samsung đã có những kế hoạch và nỗ lực tối đa để đạt chỉ tiêu tăng kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng từ 7-10% so với năm 2017.Đại diện Công ty Samsung Việt Nam đưa ra 2 kiến nghị đối với các cơ quan chức năng. Đó là, đề nghị Chính phủ tiếp tục hỗ trợ thị trường lao động, cho phép thời gian làm thêm giờ linh hoạt hơn, tránh việc tăng chi phí nhân công quá nhanh, duy trì tính cạnh tranh thị trường lao động của Việt Nam.
Còn ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), một trong những ngành xuất khẩu chủ lực, đánh giá cao việc ký kết Hiệp định Đối tác tiến bộ và toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Tuy nhiên, khi tham gia hiệp định này sức ép từ các đối thủ cạnh tranh sẽ lớn hơn.
Do đó, cần khẩn trương tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu liên quan đến vấn đề thuế, phí hải quan, giảm thiểu việc kiểm tra chuyên ngành thiếu hiệu quả.
Hơn nữa, ông Trương Văn Cẩm cũng đề nghị tháo gỡ điểm nghẽn do khó khăn đầu tư khâu dệt nhuộm. Một lý do là một số địa phương từ chối các dự án này do lo ngại ảnh hưởng đến môi trường, dù công nghệ xử lý môi trường hiện nay đã có nhiều tiến bộ, đạt tiêu chuẩn cao về môi trường.

Duy Khánh (theo chinhphu.vn)