Thanh Hóa: “sốt đất ảo” được kiểm soát, giá đất ổn định trở lại

Nhằm hạn chế “sốt đất” trở lại, mới đây Thanh Hoá lần thứ hai (lần đầu là giữa tháng tư) chỉ đạo các cơ quan tiếp tục công khai, minh bạch thông tin quy hoạch, dự án được phê duyệt trên địa bàn.

Cụ thể, trước đó UBND tỉnh có công văn ngày 12/4/2021về tăng cường công tác quản lý tình hình thị trường bất động sản trên địa bàn, đến nay về cơ bản các hiện tượng biến động giá đất “đột biến”, “sốt ảo” đã bước đầu được kiểm soát, giá đất có xu hướng ổn định trở lại.

Mới đây, để tiếp tục tăng cường chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về giá đất và thị trường bất động sản trên địa bàn, tránh hiện tượng sốt ảo, bong bóng, đầu cơ đẩy giá, thổi giá đất để trục lợi làm ảnh hưởng đến chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Công văn số 6422/UBND-KTTC về việc tiếp tục tăng cường chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về giá đất. Theo đó, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa giao các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về tăng cường công tác quản lý tình hình thị trường bất động sản trên địa bàn.

Công văn số 6422/UBND-KTTC về việc tiếp tục tăng cường chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về giá đất trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Nguồn: Thanhhoa.gov.vn.

“Sốt đất” qua đi, thị trường bất động sản cần thiết lập mặt bằng giá mới?

Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Cấp cao, Bộ phiên Nghiên cứu và Tư vấn, Savills Hà Nội cho biết, thời gian qua, trong bối cảnh dịch bệnh Covid – 19, nhiều loại hình bất động sản gặp khó khăn trong hoạt động khai thác kinh doanh. Tuy nhiên, thị trường đã có lượng tiền đến từ đầu tư chứng khoán, dẫn đến thực tế đất hay bất động sản gắn với đất thu hút đáng kể sự quan tâm của nhà đầu tư.

Bà Hằng cho biết, nhìn từ thực tế trước đây, khi có những hiện tượng vượt quá giá trị thực thì bản thân các nhà đầu tư cũng nhận thấy cần phải điều chỉnh, không thể đi trên “con sóng” cao và nhận lại nhiều rủi ro, chưa kể dòng tiền hiện nay vào bất động sản cũng bị kiểm soát, liên quan đến quy định đầu tư vốn ngắn hạn và dài hạn và một số công cụ khác về quản lý các hoạt động kinh doanh bất động sản.

Thời gian gần đây, việc này đã lắng xuống, nhưng chúng ta vẫn nhìn thấy giá trị của bất động sản, đặc biệt là đất một số khu vực đã tăng và có dấu hiệu giá ảo. Tình trạng này sẽ không có lợi chung cho tất cả các bên, do đó các nhà đầu tư sẽ cần có những nước đi phù hợp.

Đồng quan điểm, ông Matthew Powell – Giám đốc Savills Hà Nội bổ sung: “Hiện tượng tăng giá đất, về bản chất, sẽ dẫn tới việc thị trường cần thời gian nhất định để cân bằng lại giữa cung và cầu thật, có thể xác lập một nền giá mới, làm nên dư địa phát triển cho các địa phương và tỉnh thành. Chúng tôi hy vọng nền giá mới sẽ sớm định hình ổn định, tuy nhiên sẽ cần thời gian để mức giá có thể điều chỉnh lại. Hiển nhiên là tại những thị trường mà đã phát sinh giao dịch với giá tăng cao thì việc điều chỉnh lại về mức giá cân bằng sẽ mất nhiều thời gian hơn.”

“Có một thực tế mà chúng ta nhận thấy là bất động sản, đặc biệt là bất động sản nhà ở, vẫn luôn là kênh đầu tư dài hạn hấp dẫn, một trong những phương án đa dạng hóa kênh đầu tư của các nhà đầu tư. Nhưng chúng ta vẫn cần lưu ý về việc cân nhắc giá trị của kênh đầu tư về dài hạn này. Chỉ trong điều kiện khu vực được đầu tư có tiềm năng phát triển thì khi đó đầu tư mới là một quyết định nên làm”, Giám đốc Savills Hà Nội nói thêm.

Chuyển động mới tại dự án 4 tỷ USD của VinaCapital

Vừa qua UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành văn bản 170/TB-UBND về việc thông báo Kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh tại cuộc họp giao ban với các Phó Chủ tịch UBND tỉnh ngày 10/5.

Theo kết luận, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam thống nhất báo cáo Ban cán sự Đảng UBND tỉnh xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh uỷ việc căn cứ Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An, trong đó có nội dung cho phép kinh doanh nhà ở để trình Thủ tướng Chính phủ cho chuyển Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An thành Khu đô thị nghỉ dưỡng Nam Hội An phù hợp với Quy hoạch đô thị Duy Hải – Duy Nghĩa.

Nguồn: UBND Tỉnh Quảng Nam.

Theo tìm hiểu, dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An có diện tích 985,6 ha, thuộc địa phận ba xã: Duy Hải, Duy Nghĩa (huyện Duy Xuyên) và Bình Dương (huyện Thăng Bình). Chủ đầu tư là Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An (thuộc Tập đoàn VinaCapital). Dự án được chia thành 7 giai đoạn với tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD. Giai đoạn 1 được phát triển trên diện tích 163 ha với mức đầu tư 500 triệu USD gồm các hạng mục: sân golf 18 lỗ có tiêu chuẩn thi đấu quốc tế, khunghỉ dưỡng 1.000 phòng, đã đi vào hoạt động.

Liên danh Xuân Cầu Holdings làm dự án gầm 5.000 tỷ tại Bình Định

UBND tỉnh Bình Định vừa chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu đô thị và du lịch sinh thái Diêm Vân tại huyện Tuy Phước. Theo đó liên danh Xuân Cầu Holdings là chủ đầu tư dự án.

Theo tìm hiểu, dự án Khu đô thị và du lịch sinh thái Diêm Vân nằm tại huyện Tuy Phước, có diện tích 130ha. Trong đó, 57,7ha là diện tích khu đô thị, 72,3ha là diện tích khu du lịch sinh thái. Tổng vốn đầu tư dự án là gần 5.000 tỷ đồng. Chủ đầu tư dự án là liên danh 3 công ty, gồm Công ty CP Du lịch Bình Định, Công ty TNHH Khách sạn Silk Path và Công ty TNHH Xuân Cầu đều đến từ Hà Nội.

Dự án nhằm xây mới một khu đô thị hiện đại về không gian, kiến trúc, cảnh quan; đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; hình thành các công trình nhà ở với kiến trúc và kỹ thuật theo quy hoạch được duyệt và phù hợp với chương trình phát triển đô thị TP. Quy Nhơn, chương trình phát triển nhà ở tỉnh Bình Định.

Tập đoàn T&T trúng thầu dự án nghìn tỷ tại Cà Mau

Sở Xây dựng tỉnh Cà Mau vừa có thông báo kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở Khu đô thị mới khóm 5 (phường 1, TP Cà Mau). Doanh nghiệp trúng thầu là CTCP Tập đoàn T&T. Tổng chi phí thực hiện dự án hơn 1.000 tỷ đồng. Thời gian thực hiện hợp đồng là 57 tháng kể từ ngày ký hợp đồng.

Trước đó, tháng 3/2020, Sở Xây dựng tỉnh này đã có thông báo mời sơ tuyển quốc tế lựa chọn nhà đàu tư thực hiện dự án trên. Tổng diện tích sử dụng đất của dự án gần 23 ha, hiện trạng khu đất chưa bồi thường, giải phóng mặt bằng. Cơ cấu sử dụng đất tạm tính như sau: Đất công trình công cộng (7,51 ha) đất ở (7,98 ha) và đất giao thông (7,41 ha). Tháng 3/2021, tại Hà Nội, Tập đoàn T&T và UBND tỉnh Cà Mau cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược trong các lĩnh vực: Đầu tư bất động sản, hạ tầng giao thông, cảng biển và logistics, năng lượng, du lịch và thương mại dịch vụ.

Phú Thọ tìm chủ cho hai dự án sân golf hơn 167 ha

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Thọ vừa công bố danh mục dự án sử dụng đất để tìm nhà đầu tư đối với hai dự án sân golf Tam Nông 1 và Tam Nông 2 tại huyện Tam Nông.

Cụ thể, dự án sân golf Tam Nông 1 thuộc địa bàn xã Lam Sơn và xã Thọ Văn có diện tích khoảng 92,9 ha. Trong đó, khu sân golf 18 hố và các hạng mục phụ trợ (nhà câu lạc bộ, khu sân tập golf, khu để xe điện,…) có diện tích khoảng 88,17 ha; đất mặt nước diện tích khoảng 4,13 ha; đất giao thông đối ngoại khoảng 0,6 ha; hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án hơn 466 tỷ đồng.

Dự án sân golf Tam Nông 2 thuộc địa bàn xã Lam Sơn và xã Quang Húc với diện tích khoảng 74,8 ha, được tổ chức thành các không gian chính gồm: Khu sân golf 18 hố và các hạng mục phụ trợ diện tích khoảng 73,37 ha; đất mặt nước diện tích khoảng 0,88 ha; đất giao thông khoảng 0,55 ha và hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án là 465 tỷ đồng.

Cả hai dự án đều có thời hạn hoạt động 50 năm. Tiến độ đầu tư tối đa 36 tháng kể từ ngày ký hợp đồng thực hiện dự án. Hiện trạng đất triển khai dự án chưa giải phóng mặt bằng.

QUANG ANH