Mặc dù chưa công bố báo cáo tài chính quý 2 nhưng hàng loạt ngân hàng lớn nhỏ đã có những tiết lộ bất ngờ về lợi nhuận làm ra với nhiều con số “trong mơ”.

Ảnh minh họa.

Bùng nổ quý 2

Là ngân hàng triển khai kế hoạch kinh doanh 6 tháng cuối năm sớm nhất, Vietcombank cho biết trong nửa đầu năm 2018 đã đạt lợi nhuận trước thuế hơn 7.700 tỷ đồng, tăng 52,7% so với cùng kỳ năm trước và bằng 55,2% kế hoạch cả năm. Với kết quả này, Vietcombank chắc chắn tiếp tục giữ vững ngôi vị đầu bảng về lợi nhuận toàn ngành.

Có được những con số ấn tượng đó, ngoài hiệu quả kinh doanh và dịch vụ đột phá, Vietcombank còn có lợi thế là thoái vốn khỏi OCB với giá cao ngất ngưởng. Hiện nhà băng này vẫn còn vốn tại Eximbank và MB, nếu thoái vốn theo đúng lộ trình thì cũng sẽ ghi nhận thêm những khoản lợi nhuận lớn khác nữa trong thời gian tới.

Trong khi đó thông tin từ Ngân hàng Nam Á cho biết, tính đến 16/6/2018, tổng tài sản của ngân hàng đã đạt 91%, huy động vốn đạt 88%, lợi nhuận trước thuế đạt 97,3% kế hoạch năm. Với mục tiêu lãi 300 tỷ đã được cổ đông thông qua thì con số mà Nam A Bank ghi nhận 6 tháng đầu năm đã tương đương khoảng 292 tỷ đồng – gần bằng lợi nhuận cả năm 2017 đạt được và là tốt nhất trong vòng ít nhất 5 năm trở lại đây.

Ngoài làm ăn hồi phục mạnh sau giai đoạn 2015 – 2016 trầm lắng, Nam A Bank hiện nay còn được Ngân hàng Nhà nước tin tưởng và giao tham gia tái cơ cấu 3 quỹ tín dụng nhân dân ở Đồng Nai.

OCB thì cho biết, nhờ tăng thu từ tín dụng, lãi tốt từ dịch vụ mà đặc biệt là khoản thu từ bảo hiểm, đã giúp ngân hàng lãi hơn 1.300 tỷ đồng trước thuế trong nửa đầu năm nay, cao gấp 2,6 lần so với cùng kỳ 2017. Với những gì đã thể hiện trong khoảng 2 năm trở lại đây, như ngân hàng hợp kênh đầu tiên, ngân hàng đi đầu trong áp dụng Basel II, lợi nhuận và quy mô tăng liên tục quý này qua quý khác…giới chuyên môn đánh giá Ngân hàng Phương Đông là minh chứng tốt nhất của nhóm ngân hàng nhỏ về sức bật mạnh cả về thương hiệu lẫn vị thế trên thị trường.

Ngân hàng VIB cũng đang có những thể hiện đáng chú ý. Trong 6 tháng đầu năm nay ngân hàng đã lãi trước thuế hơn 1.150 tỷ đồng, cao gấp 3 lần cùng kỳ năm 2017. Đóng góp quan trọng nhất vào sự tăng trưởng quy mô và lợi nhuận của VIB là hoạt động ngân hàng bán lẻ, với doanh thu tăng 100% so với cùng kỳ năm trước.

Nếu các ngân hàng khác thiên về lợi nhuận nhờ “ăn mạnh” ở dịch vụ và tín dụng thì VIB lại có thêm sự kết hợp từ việc kiểm soát chặt chất lượng tài sản và tiết giảm chi phí. Đến 30/6, theo thông tin từ ngân hàng, hệ số huy động ngắn hạn cho vay trung dài hạn chỉ 40,7% (trong khi quy định là 45%), hệ số cho vay trên huy động (LDR) chưa đến 76% trong khi quy định tối đa 80%, và hệ số an toàn vốn đạt 12,25%. Đặc biệt hiệu quả chi phí/ doanh thu (CIR) của VIB đã giảm từ 65% cùng kỳ năm trước xuống còn 49%. Lãnh đạo VIB khá tự hào về chỉ số này khi ngân hàng đã tìm ra phương án hữu hiệu đưa CIR giảm dần qua các quý.

Một số ngân hàng chưa công bố rõ ràng kết quả kinh doanh quý 2 mà muốn chờ báo cáo tài chính công khai trong vài ngày nữa, nhưng hiện cũng đã phát tín hiệu về lợi nhuận nửa đầu năm nay vượt kế hoạch 6 tháng như HDBank, Techcombank, Sacombank, MB…

Dự kiến cả năm sẽ vượt xa kế hoạch

Với kết quả kinh doanh đạt được trong 6 tháng đầu năm, rõ ràng những kỳ vọng hoàn thành và vượt kế hoạch của các ngân hàng là hoàn toàn có cơ sở, thậm chí còn “khiêm tốn”.

Đơn cử như Vietcombank, với 7.700 tỷ đồng đã đạt được sau nửa chặng đường thì mục tiêu 13.000 tỷ đồng trong cả năm không có gì khó khăn, đó là chưa kể riêng việc thoái vốn khỏi Eximbank và MB theo lộ trình sẽ giúp ngân hàng ghi nhận cả nghìn tỷ vào lợi nhuận.

Hay như ở OCB đã đạt hơn 1.300 tỷ, dựa trên cơ sở mà ngân hàng này đã thể hiện thời gian qua cũng như thể trạng rất tốt hiện nay, thì việc đạt và vượt 700 tỷ nữa trong nửa cuối năm chắc chắn dễ như trở bàn tay. Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc ngân hàng cũng xác nhận rằng rất tự tin với kế hoạch 2.000 tỷ đã đề ra.

Lãnh đạo ngân hàng VIB thì nói rằng với kết quả kinh doanh tích cực của nửa đầu năm và những triển vọng tốt hơn trong thời gian tới, cả năm nay có thể lãi trên 2.500 tỷ đồng tức vượt 25% so với kế hoạch đã được cổ đông giao phó hồi tháng 4 năm nay.

Tại HDBank, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trên 3.900 tỷ đồng cho năm nay, nhưng mới đây lãnh đạo nhà băng này cho biết sau khi việc sáp nhập với PGBank được hoàn tất thì lợi nhuận có thể tới hơn 4.700 tỷ đồng.

Hoặc như ở VPBank, dù trong quý 2 có một vài sự cố liên quan đến khách hàng của con gà đẻ trứng vàng Fe Credit, nhưng theo lãnh đạo ngân hàng này điều ấy sẽ không ảnh hưởng gì đến kết quả cũng như kế hoạch kinh doanh. Mục tiêu 10.800 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế vẫn giữ vững và ngân hàng tự tin sẽ đạt được.

Riêng ở Nam A Bank, ngân hàng chẳng cần phải chờ đến nửa cuối năm mà đã hoàn thành kết quả kinh doanh cả năm trong 6 tháng đầu năm, thì các tháng còn lại, với yếu tố mùa vụ vốn có trong hoạt động ngân hàng đặc biệt là tín dụng, thì cổ đông của nhà băng này hoàn toàn có thể lạc quan về những con số lợi nhuận cao hơn nữa, thậm chí có thể là một con số cao kỷ lục của nhà băng này.

Còn xét chung về hệ thống, kết quả khảo sát của Vụ Dự báo thống kê thuộc Ngân hàng Nhà nước mới công bố mới đây cho thấy hầu hết các tổ chức tín dụng đều đánh giá kết quả hoạt động kinh doanh tăng trưởng tốt trong quý 2 và kỳ vọng kết quả năm nay tăng cao hơn so với năm trước. Cụ thể, có đến 67,4% số các đơn vị được hỏi nhận định tình hình kinh doanh trong quý 2 có cải thiện tốt hơn so với quý trước, trong đó 18,8% là “cải thiện nhiều”. Dự kiến trong thời gian tới, 76,1% số các tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ “cải thiện” trong quý 3 và 82,6% kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ “cải thiện” trong cả năm 2018 so với năm 2017, trong đó có đến 1/3 số các tổ chức tín dụng tin là “cải thiện nhiều”.

Theo Trí thức trẻ