Những đêm không ngủ…

Bắt đầu sự nghiệp với con số 0 tròn trĩnh, không thầy, không kỹ thuật, không tài liệu, không nghiên cứu thị trường,…, thứ duy nhất giúp nghệ nhân Bùi Chí Công quyết tâm tìm hiểu, nghiên cứu về thủy tinh và các sản phẩm nghệ thuật từ chất liệu này chỉ có khao khát thoát ra khỏi “tổ kén” của chính mình. Đầu tiên là tính cơ lý hóa của vật liệu. Kính có thể nung chảy, uốn, đúc… được không? Kính chịu được sự ăn mòn của tất cả các loại muối, axit (trừ axit flohydric). Độ cứng của kính tương đương với đá granite và đặc biệt, nó là loại vật liệu rắn duy nhất mà ánh sáng có thể xuyên qua. Những bài học vỡ lòng ông tự vỡ vạc bằng thực nghiệm.

Kế đó là những lần ngược xuôi khắp các cơ quan, đơn vị, hỏi đến những người phụ trách kỹ thuật tại các tiệm kính để tìm ra câu trả lời cho những trăn trở của mình. Từng cuốn sách, tạp chí có liên quan đều được ông kỳ công nghiên cứu suốt những đêm dài. Mỗi điều tìm thấy đều như những tia sáng le lói dẫn lối cho người lạc bước trong hầm tối. Sau sáu tháng thử nghiệm, ông khắc thành công hình một trái táo lên vuông kính cỡ lòng bàn tay. Nét khắc thô cứng, vụng về nhưng có can hệ gì, khi cuộc đời ông giờ đây đã có chiếc “la bàn” dẫn lối.

Tháp Mandala – Một tác phẩm của Artglass. (Ảnh: www.artglass.com).

Dường như con đường đi đến thành công của họa sĩ Bùi Chí Công cũng chính là cuộc hành trình tìm tòi và khám phá của một người nghệ sĩ. Năm 1994, ông có khách hàng đầu tiên là Khách sạn Mondiand trên đường Đồng Khởi, Quận 1 (TP Hồ Chí Minh) với tác phẩm kính điêu khắc Hồ Sen, Lan Xuân, mở đầu cho sự tiến bước của Artglass trên con đường kinh doanh nghệ thuật. Artglass cũng chính là đứa con tinh thần của doanh nhân, họa sĩ Bùi Chí Công trên hành trình đưa các tác phẩm của mình đến với đông đảo công chúng.

Đến giờ, Artglass đã khẳng định vị thế hàng đầu trong ngành hàng thủy tinh nghệ thuật mà thành công và mỗi tác phẩm đều gắn liền với tên tuổi và tâm huyết của “ông chủ” Bùi Chí Công. Trên dọc chiều dài đất nước, hầu hết khách sạn lớn như Majestic, Rex, Park Hyatt… cho đến sân golf Long Thành, Bảo tàng dân tộc Thái Nguyên đến các công trình quan trọng nhất của đất nước như Trụ sở trung ương Đảng, Bộ Quốc phòng… Artglass đều tham gia và để lại những tác phẩm “để đời”.

Người nặng duyên với thủy tinh nghệ thuật

Hôm nay đây, người ta biết đến một Bùi Chí Công tài hoa qua từng tác phẩm. Đó là công trình đài phun nước nghệ thuật hoa sen bằng thủy tinh ở vị trí trung tâm phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP Hồ Chí Minh). “Đài Sen thủy tinh” là tác phẩm thủy tinh nghệ thuật đầu tiên trên thế giới do ông Bùi Chí Công thiết kế và chế tạo bởi công ty Kính Nghệ Thuật Art Glass. Sự hiện diện của Đài Sen đã làm biến đổi cảnh quan khu trung tâm thành điểm check-in đầy màu sắc và ngập tràn không khí lễ hội rộn ràng, giúp cho mọi người trở nên cởi mở bởi, đánh thức trách nhiệm xã hội của cư dân, thu hút du khách trong nước và ngoài nước, qua đó góp phần vào sự tăng trưởng của thành phố. Chuyên gia kính nghệ thuật Bùi Chí Công đã khẳng định: “4.0 không chỉ có trong kinh tế và khoa học mà còn là xu hướng của nghệ thuật . Khác với cách “Độc Thoại” của tác phẩm kiểu cũ, nghệ thuật 4.0 thông qua thiết kế vật liệu và công nghệ mới tương tác với năng lượng thiên nhiên,sự phong phú vượt qua mọi giới hạn làm cho tác phẩm trở nên thu hút hơi bao giờ hết”.

Tác giả Bùi Chí Công bên cạnh tác phẩm “Đài Sen thủy tinh”.

Dự án “Trâu diễu hành Hà Nội 2021” được đưa ra trưng bày thị giác tại các địa điểm văn hóa trung tâm Hà Nội tiếp tục ghi dấu ấn của Bùi Chí Công khi lần đầu tiên 50 bức tượng trâu điêu khắc có kích cỡ bằng đúng những chú trâu chọi thật được khoác lên mình những nét đẹp tinh tế tạo thành 50 tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Họa sĩ Bùi Chí Công cho biết, ông muốn mang đến một điểm đến du lịch và là lễ hội nghệ thuật công cộng chứ không phải tác phẩm nghệ thuật đơn lẻ. Điều đó đã tạo nên không khí lễ hội tưng bừng, rộn ràng chào đón năm mới Tân Sửu.

Tác phẩm trâu nghệ thuật của nghệ nhân Bùi Chí Công từng được trưng bày trên bờ hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) dịp Tết Tân Sửu 2020.

Ngoài ra, với đề bài là: Sáng tạo một tác phẩm nghệ thuật chưa từng có thể hiện vị thế, tầm nhìn xa vào tương lai thị trường toàn cầu và giá trị cốt lõi của thương hiệu của Doji, Chuyên gia sáng tạo Bùi Chí Công đã thể hiện qua tác phẩm Diamond canopy ở cửa chính với kích thước 11,8×8,814×3,18m. Đây là mái kính hình khối kim cương bằng kính nghệ thuật Artglass đầu tiên và lớn nhất thế giới, là vương miện của công trình, mang tới cho khách hàng sự thán phục và ngạc nhiên bởi sự lộng lẫy, kỳ vĩ gợi lên những cảm xúc về đỉnh cao của sự quý giá và nghệ thuật tinh hoa. Từ cảm hứng tự do, phi trọng lực hình khối Diamond canopy như bay bổng khỏi mặt đất một cách khéo léo bằng hệ thống kết cấu treo ẩn dấu – một kỹ thuật lần đầu tiên được sử dụng tại Việt Nam, kết hợp với ưu thế về không gian ba chiều đã tạo nên một phong cách mới hết sức hiện đại và ấn tượng. Sự kết hợp của những khối hình học đồng thời phân mảng mạnh mẽ và đường nét đặc trưng tạo nên một sự giao thoa đồng điệu đầy tinh khiết đã tạo nên viên kim cương cắt mài theo kiểu Brilliand tinh xảo và rực rỡ.

Giờ đây, khi đã có cho mình những thành công nhất định, doanh nhân, nghệ nhân Bùi Chí Công vẫn âm thầm làm nên những dự án nghệ thuật, đóng góp vào sự phát triển kinh tế nước nhà, Là những kinh nghiệm và bí quyết để truyền lại cho thế hệ sau – những nhà sáng tạo tương lai, và cùng nhau làm nên nhiều hơn nữa những công trình tầm cỡ, những mùa Xuân mới ngập tràn niềm vui.

HƯƠNG THU

Bạn đang đọc bài Trái ngọt làm nên những mùa Xuân tại chuyên mục Văn hoá – Giải trí
Cung cấp thông tin, liên hệ đường dây nóng:
03694529040977600308.
Hoặc Email: [email protected]
[email protected]