Triển lãm do Bảo tàng Lịch sử Quân sự (LSQS) Việt Nam phối hợp với Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức.

Phát biểu khai mạc triển lãm, Trung tá Nguyễn Thành Lê, Phó Giám đốc Bảo tàng LSQS Việt Nam nhấn mạnh: “Chiến thắng này trở thành một sự kiện lịch sử quan trọng, đánh dấu bước ngoặt cơ bản, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp giành thắng lợi và để lại những bài học quý báu về nghệ thuật chỉ đạo, tiến hành và phát huy sức mạnh chiến tranh nhân dân, đại đoàn kết toàn dân, nhất là nghệ thuật quân sự trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

Trung tá Nguyễn Thành Lê phát biểu khai mạc triển lãm.

Với hơn 200 hình ảnh, tư liệu, hiện vật, triển lãm “Chiến thắng Biên Giới năm 1950” gồm 4 phần.

Phần Mở đầu: Giới thiệu những hình ảnh, tài liệu tiêu biểu phản ánh về sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam nhất là trong Chiến dịch Biên Giới năm 1950.

Khách tham quan triển lãm.

Phần 1: Chủ tịch Hồ Chí Minh với Chiến dịch Biên Giới năm 1950

Trưng bày những hình ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu khái quát về hành trình Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp ra mặt trận trực tiếp chỉ đạo, theo dõi và động viên các lực lượng tham gia chiến dịch Biên Giới năm 1950. Tiêu biểu như: Thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi bộ đội và du kích kêu gọi thi đua lập công trong Chiến dịch Biên Giới năm 1950; Thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi các thương binh…

Một số hình ảnh về hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Chiến dịch Biên Giới năm 1950.

Phần 2: Chiến dịch Biên Giới năm 1950 – Bước ngoặt lịch sử

Trưng bày những hiện vật, tư liệu trong thời gian diễn ra Chiến dịch Biên Giới năm 1950. Tiêu biểu như: Văn bản Chủ trương tác chiến của bộ chỉ huy Chiến dịch Biên giới; Sơ đồ tác chiến pháo binh Của khẩu đội pháo thuộc Trung đoàn 174 quân khu Việt Bắc vẽ về cuộc tấn công tiêu diệt cứ điểm Đông Khê, trận chiến đấu mở màn trong chiến dịch giải phóng Biên Giới 1950; Thư của Hồ Chủ Tịch gửi tù binh, sĩ quan và binh lính Pháp được hồi hương về nước tháng 10/1950;…

Triển lãm trưng bày nhiều hiện vật có ý nghĩa lịch sử quan trọng.

Phần 3: Viết tiếp chiến công

Sự thành công của Chiến dịch Biên Giới năm 1950 đã tạo điều kiện thuận lợi cho chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” và Đại thắng Mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Tiêu biểu là: Bức thư viết tay Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp gửi cán bộ và chiến sĩ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, tháng 1/1954; Quyết tâm thư viết bằng máu Của chiến sĩ Đại đội 9, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 24, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 gửi Đảng ủy Trung đoàn trước khi đánh Thượng Đức và vùng B, Đại Lộc, tháng 9/1974 và nhiệm vụ tấn công tiêu diệt tiểu đoàn 2 ngày 28/2/1975; Bản mệnh lệnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa” gửi các đơn vị ngày 7/4/1975 trong chiến dịch Hồ Chí Minh;…

Các sự kiện lịch sử của Chiến dịch Biên Giới năm 1950 được tái hiện sinh động tại triển lãm.

Cũng trong không gian triển lãm, ban tổ chức trưng bày hàng trăm cuốn sách về cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và lịch sử hình thành, phát triển của tỉnh Cao Bằng. Trong số đó có nhiều cuốn viết về sự quan tâm đặc biệt Chủ tịch Hồ Chí Minh đồi với tỉnh Cao Bằng như: Bác Hồ với Cao Bằng, Người ở Nguồn, Những chuyện kể về Bác Hồ với đồng bào dân tộc, Cao Bằng làm theo lời Bác,…

Triển lãm “Chiến thắng Biên Giới năm 1950” kéo dài đến ngày 20/10/2020 tại Bảo tàng tỉnh Cao Bằng, số 71 Vườn Cam, phường Hợp Giang, tỉnh Cao Bằng.

PHÚC NINH