Triển vọng kinh tế nước ta đang phát triển tích cực

Theo báo cáo Cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố tháng 10, GDP của Việt Nam có thể đạt tăng 2,5-3,0% và lạm phát được giữ vững dưới 4% trong năm 2020, với sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ và sâu rộng hơn trong thời gian tới…

Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới (World Economic Outlook) công bố trong tháng 10, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng dự báo năm 2020, GDP của Việt Nam sẽ tăng 1,6%. Quy mô GDP Việt Nam sẽ đứng thứ 4 Đông Nam Á (vượt Singapore, Malaysia).

Còn Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trong “Báo cáo Cập nhật Triển vọng phát triển châu Á (ADO) 2020” công bố ngày 15/9, dự báo GDP Việt Nam dự kiến tăng 1,8% trong năm 2020 và tăng ở mức 6,3% trong năm 2021, trong khi GDP khu vực châu Á đang phát triển sẽ suy giảm 0,7% trong năm 2020, và tăng 6,8% trong năm 2021. Triển vọng kinh tế của Việt Nam trong trung hạn và dài hạn là tích cực.

Triển vọng kinh tế Việt Nam đang có dấu hiệu phát triển tích cực (Ảnh minh họa)

Theo Báo cáo Nghiên cứu toàn cầu của Ngân hàng Standard Chartered, Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 3% trong năm 2020 và vượt lên 7,8% vào năm 2021. Việt Nam nằm trong số ít những nền kinh tế ở châu Á ghi nhận mức tăng trưởng dương trong năm nay, bất kể những ảnh hưởng của làn sóng Covid-19 thứ hai.

Những thách thức và cơ hội

Hiện nay nền kinh tế Việt Nam tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức khi miền Trung đã và đang phải hứng chịu mưa bão, lũ lụt lịch sử, bắt đầu từ đêm ngày 06 rạng sáng ngày 07 tháng 10 năm 2020, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Thừa Thiên –Huế… đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của người dân. Bên cạnh đó, dịch bệnh Covid tiếp tục diễn biến phức tạp tại châu Âu, nhiều nước như Pháp, Đức.. đã bắt đầu lệnh phong tỏa trở lại sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến nhu cầu tiêu dùng hàng hóa cũng như vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu.

Tuy nhiên theo thông tin mới đây nhất từ Bộ Công Thương, với việc kiểm soát tốt được dịch bệnh Covid-19, hoạt động sản xuất công nghiệp tháng 10/2020 tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng cao hơn tháng trước để chuẩn bị cho các tháng tiêu thụ cao điểm cuối năm, đóng góp tích cực cho quá trình phục hồi nền kinh tế. (Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8/2020 tăng 3,5% so với tháng trước; tháng 9 tăng 2,3% và tháng 10 tăng 3,6%).

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 10 tăng 3,6% so với tháng 9 và tăng 5,4% so với cùng kỳ. Trong đó: ngành khai khoáng tăng 0,3% so với tháng trước và giảm 14,5% so với cùng kỳ; ngành chế biến, chế tạo tăng 4,8% so với tháng trước và tăng 8,3% so với cùng kỳ; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 2,4% so với tháng trước và tăng 1% so với cùng kỳ.

Ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo đạt mức tăng cao trong tháng 10 so với cùng kỳ chủ yếu do có sự khởi sắc của các ngành sau: sản xuất than cốc và dầu mỏ tinh chế tăng 22,6%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 20,2%; sản xuất các sản phẩm điện tử, máy tính và sản phẩm quang học tăng 16,9%; sản xuất kim loại tăng 15,2%; sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 10,9%; sản xuất thiết bị điện tăng 10,6%. Tính chung 10 tháng năm 2020, IIP ước tính tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước (thấp hơn so với mức tăng 9,5% của cùng kỳ năm 2019).

Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa đang phục hồi tốt

Theo số liệu của Bộ Công thương, ước tính, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng 10/2020 đạt 51,2 tỷ USD, giảm 0,3% so với tháng 9/2020 nhưng vẫn phục hồi khá tốt so với cùng kỳ năm 2019 với mức tăng 9,98%. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 26,7 tỷ USD, giảm 1,7% so với tháng 9/2020 song lại tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2019; trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu tăng 1,2% so với tháng 9/2020 và tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2019, ước đạt 24,5 tỷ USD.

Hàng hóa Việt nam đã xuất hiện trên các siêu thị ngoài nước

Như vậy, với sự phục hồi khá tích cực từ đầu quý III/2020 đến nay, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sau 10 tháng năm 2020 đã tăng 2,62% so với cùng kỳ năm 2019, ước đạt 439,8 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 229,27 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2019, đây là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh thương mại toàn cầu gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều nền kinh tế trong khu vực châu Á sụt giảm do tác động của dịch bệnh. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu cũng tăng nhẹ 0,4% so với 10 tháng năm 2019, đạt 210,55 tỷ USD.

Sản xuất và thương mại nội địa phát triển ổn định

Đối với lĩnh vực sản xuất và thương mại nội địa, thị trường hàng hóa trong tháng 10 không có biến động lớn. Nhìn chung cả nước công tác ổn định thị trường, cung cầu hàng hóa được đảm bảo. Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường được đẩy mạnh nhằm ngăn chặn các hành vi tăng giá bất hợp lý, buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10 ước tính đạt 450,8 nghìn tỷ đồng, tăng 2,4% so với tháng trước và tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 356,5 nghìn tỷ đồng, tăng 2,5% và tăng 11%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 44,8 nghìn tỷ đồng, tăng 2,1% và giảm 9%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 1,2 nghìn tỷ đồng, giảm 0,1% và giảm 69,8%; doanh thu dịch vụ khác đạt 48,3 nghìn tỷ đồng, tăng 2% và giảm 4,4%. Tính chung 10 tháng năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 4.123 nghìn tỷ đồng, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 3% (cùng kỳ năm 2019 tăng 9,7%).

Thị trường tiêu dùng nội địa ổn định

Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 10 tháng đạt 3.263,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 79,1% tổng mức và tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu bán lẻ hàng hóa 10 tháng so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương: Hải Phòng tăng 11,5%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 9,9%; Đồng Nai tăng 9,8%; Hà Nội tăng 9,7%; Bình Định tăng 5,1%; Nghệ An tăng 4,1%; Thanh Hóa tăng 4%; Cần Thơ tăng 3,3%; Đà Nẵng giảm 5,7%; Khánh Hòa giảm 2%.

Theo Bộ Công thương, năm 2020 là năm cuối, có ý nghĩa quyết định trong việc hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016-2020. Do đó, trong 2 tháng cuối năm 2020, Bộ Công Thương tiếp tục yêu cầu Thủ trưởng các Đơn vị thuộc Bộ quán triệt, tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trên các lĩnh vực theo các nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Mục tiêu trước mắt là tập trung thúc đẩy mạnh mẽ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng trong nước, xuất khẩu và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để góp phần sớm phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội trong trạng thái bình thường mới.

TRƯỜNG MINH