TIN LIÊN QUAN
>>> Trung Quốc mua thêm hàng chục tấn vàng dự trữ
>>> Kinh tế Trung Quốc bất ngờ bình ổn trong tháng 3/2019

Bước đột phá lớn

Năm 2019, chính sách ngoại giao của Trung Quốc đã có bước đột phá lớn, đó chính là thành viên G7 đầu tiên (Italy đồng thời là thành viên EU) đã tham gia Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) mà Trung Quốc đề xướng, điều này chắc chắn sẽ dội một gáo nước lạnh vào EU khi vừa tuyên bố xác định Trung Quốc là “đối thủ toàn diện”.

Vào ngày 23/3, Trung Quốc và Italy đã ra một thông cáo chung, chính thức xác nhận Italy sẽ tham gia xây dựng BRI, hai bên nhận thức được tiềm năng to lớn của BRI trong việc thúc đẩy sự kết nối, sẵn sàng tăng cường kết nối mạng lưới giao thông vận tải trong khuôn khổ BRI với EU, thúc đẩy hợp tác sâu rộng trong các lĩnh vực cảng, logicstic và vận tải đường biển.

“Đối thủ toàn diện” hay “đối tác hợp tác”. (Nguồn: EPA)

Như vậy, sau khi EU xác định quan hệ Trung Quốc – EU là “đối thủ toàn diện”, Italy bất ngờ xuất hiện, ủng hộ mạnh mẽ BRI, điều này có ý nghĩa gì?

Trước đó, vào ngày 12/3/2019, trong một văn kiện do Ủy ban châu Âu ban hành, sau khi Mỹ xác định Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược, thì EU cũng đã xác định Trung Quốc là đối thủ toàn diện. Bản báo cáo này cho rằng, EU công nhận Trung Quốc vẫn là đối tác hợp tác, nhưng trong lĩnh vực khoa học và công nghệ lại là đối thủ kinh tế và là “đối thủ toàn diện” liên quan đến mô hình quản trị.

EU cho rằng, Trung Quốc có tham vọng trở thành cường quốc hàng đầu thế giới và không muốn tiếp tục bị coi là nước đang phát triển thì cần gánh vác nhiều trách nhiệm hơn nữa đối với trật tự quốc tế lấy quy tắc làm nền tảng, cần phải biến cải cách thành chính sách và hành động. Việc Mỹ và châu Âu lần lượt xác định Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược và đối thủ toàn diện liệu có phủ bóng đen lên quan hệ Trung Quốc – EU?

Vậy, Trung Quốc và EU rốt cuộc là “đối thủ toàn diện” hay “đối tác hợp tác”?

Đôi bên cùng thắng

Ngày 9/4, Trung Quốc và EU đã nhắc lại cam kết củng cố hơn nữa mối quan hệ đối tác giữa hai bên và bảo vệ hoạt động thương mại tự do và cơ chế đa phương, trong Tuyên bố chung sau Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc – EU tại Brussels, do Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đồng chủ trì.

Việc Hội nghị lần này ra một Tuyên bố chung đã làm tiêu tan các dự báo trước đó của truyền thông phương Tây rằng, Hội nghị sẽ không ra được Tuyên bố chung. Trong khi đó, Tuyên bố chung này có nội dung khá rộng, liên quan đến mối quan tâm chiến lược của hai bên, cũng như nhiều điểm nóng trong lĩnh vực thương mại, phản ánh nhận thức chung rộng rãi của hai bên.

Cùng thời điểm với việc ra Tuyên bố chung này, Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa sẽ tăng thuế đối với 11 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ EU trong bối cảnh đàm phán để chấm dứt xung đột thương mại Mỹ – Trung vẫn chưa đi đến hồi kết. Giữa Trung Quốc và EU còn tồn tại nhiều bất đồng nhưng hai bên kiên trì xu hướng hợp tác, thông qua phương thức đàm phán để giải quyết tranh chấp thương mại, tạo hiệu ứng tích cực cho thế giới.

Gần đây dư luận châu Âu từng tỏ ra bi quan về quan hệ Trung Quốc – EU, nhưng tiến triển thực chất mà hai bên đạt được đã khẳng định rõ về mối quan hệ này. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới có chuyến thăm châu Âu, qua đó củng cố nền tảng quan hệ song phương. Hội nghị lần này ra Tuyên bố chung cũng thể hiện khả năng đột phá của hai bên trong những vấn đề cụ thể.

Tuyên bố chung bao gồm một số vấn đề được hai bên hết sức quan tâm như tiếp cận thị trường một cách công bằng, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, hợp tác về công nghệ 5G, khiến luồng dư luận gây chia rẽ quan hệ Trung Quốc – EU trở nên thiếu thuyết phục. Cùng là tranh chấp thương mại, nhưng Mỹ và EU giải quyết bằng phương thức đối đầu, tăng thuế lẫn nhau, còn Trung Quốc và EU luôn coi đàm phán, đối thoại đóng vai trò chủ đạo. Sự khác biệt này không những có ý nghĩa về kinh tế mà còn mang ý nghĩa chính trị quốc tế.

Mỹ và EU có quan hệ đồng minh, thậm chí còn được coi là “thân thích”. Tuy nhiên, sự phiền phức do quan hệ thân thích không công bằng đem lại còn lớn hơn so với hợp tác hài hòa giữa bạn bè. Chủ nghĩa đơn phương đã trở thành thách thức nổi cộm trong quan hệ quốc tế.

Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc – EU tại Brussels, do Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đồng chủ trì. (Nguồn: THX)

Trung Quốc và EU là hai thực thể kinh tế lớn trên thế giới, nhưng tiếng nói của hai bên chưa cao. Điều này rất đáng để suy ngẫm. Thực ra lợi ích chung của Trung Quốc và EU bị dư luận phương Tây đánh giá thấp. Dư luận phương Tây là một khối tổng thể, bị định hướng bởi lợi ích quốc gia của Mỹ, lợi ích của châu Âu chỉ chiếm vị trí thứ yếu trong đó.

Hướng tới lợi ích chung

Kiên trì mở rộng hợp tác là lựa chọn duy nhất của Trung Quốc và EU, phương thức tăng cường hợp tác chủ yếu là tìm tòi, đàm phán giữa hai bên, chứ không bên nào chịu sự tác động của bên thứ ba. Việc xác định nguyên tắc này có ý nghĩa quan trọng đối với lợi ích của Trung Quốc và EU. Cụ thể hơn là Trung Quốc và EU cần xử lý tốt mối quan hệ với Mỹ. Trung Quốc và EU không cần thiết và cũng không thể “bắt tay đối phó với Mỹ”, nhưng mỗi bên đều không được ảo tưởng dựa vào quan hệ với Mỹ để gây sức ép với bên kia. Nếu làm như vậy sẽ gây tác hại lớn đến cả Trung Quốc và EU.

Trung Quốc và EU không có xung đột lợi ích lớn, hai bên có khả năng không ngừng tăng cường lợi ích chung, hợp tác công bằng và giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại. Hai bên cần nhận thức rõ về quan hệ song phương, loại bỏ những rắc rối gây ra bởi ý thức hệ, tư duy địa chính trị truyền thống.

Việc Hội nghị các nhà lãnh đạo Trung Quốc – EU ra Tuyên bố chung hay không không phải là chuyện lớn, bởi một số Hội nghị trước đây từng không có Tuyên bố chung, song xu thế phát triển quan hệ Trung Quốc – EU là không đổi. Dù cho thế giới thay đổi ra sao, cũng như quan hệ Trung Quốc – EU còn nhiều vấn đề hiện thực và khó xử, nhưng quan hệ song phương sẽ tiếp tục phát triển.

Theo Báo Thế giới & Việt Nam