Từ “Thực tập sinh lâu đời” đến người đưa vClinic chạm tay vào Sao Khuê 2025
Anh Nguyễn Sơn Tùng – Giám đốc sản phẩm phần mềm quản lý phòng khám vClinic chính là một trong những người như thế. Anh và đội ngũ Công ty cổ phần Orenda vừa cùng nhau vinh dự nhận Giải thưởng Sao Khuê 2025 trong lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe. Đây không chỉ là thành quả của công nghệ, mà là dấu mốc của một hành trình dài, âm thầm và kiên định.

Từ một “thực tập sinh kỳ cựu” đến người dẫn dắt những sản phẩm công nghệ vì sức khỏe cộng đồng
Chia sẻ với PV tạp chí điện tử Kinh doanh và Phát triển, anh Tùng vẫn hay cười, gọi mình là “thực tập sinh lâu đời nhất” tại Orenda – một cách nói đùa giản dị mà phản ánh cả một quá trình đi lên không ồn ào, không hào nhoáng. Anh đến với ngành công nghệ muộn hơn bạn bè cùng trang lứa. Sau khi tốt nghiệp, anh không lao ngay vào các tập đoàn lớn, cũng chẳng chạy đua vào những dự án “hot” trên thị trường. Anh chọn đi một vòng khác, rồi mới quay lại với nghề – mang theo nhiều hoài nghi, thậm chí cả nỗi tự ti rằng mình đã lỡ nhịp với thời đại.
Anh từng tự hỏi liệu mình có còn bắt kịp những bước tiến công nghệ, liệu người quay lại sau như anh có cơ hội chứng minh giá trị? Nhưng cũng chính trong những năm tháng “thực tập” ấy – từ lập trình, kiểm thử, đến quản trị dự án – anh đã từng bước học lại, làm lại và trưởng thành trong chính hành trình đó.

Ngày hôm nay, khi đã là người phụ trách các sản phẩm công nghệ cốt lõi tại Orenda, dẫn dắt đội ngũ kỹ sư tài năng, anh vẫn giữ cho mình một niềm tin giản dị: "Không có gì là không thể. Chỉ cần hôm nay mình cố gắng hơn một chút so với ngày hôm qua, thế là đủ”.
Trước khi phụ trách vClinic – phần mềm quản lý phòng khám hiện đại, anh Tùng từng là trưởng sản phẩm phần mềm quản lý nhà thuốc GPP. Và dù ở nhà thuốc hay phòng khám, anh luôn bắt đầu bằng một câu hỏi quan trọng: “Người dùng thực sự cần điều gì”?
Anh Tùng kể, có thời điểm, phần lớn nhà thuốc và phòng khám vẫn dùng sổ tay hoặc Excel để lưu trữ thông tin. Dữ liệu mất mát, sai sót nối tiếp, nhân viên y tế làm việc trong áp lực, bệnh nhân mỏi mòn chờ đợi… Khi ấy, không phải cứ code thêm vài dòng là giải quyết được vấn đề.
Anh Tùng và nhóm của mình đã chọn cách bắt đầu từ việc lắng nghe – một cách kiên trì, bền bỉ và chân thành. Không chỉ là vài buổi khảo sát cho có lệ, họ dành hàng trăm giờ ngồi tại các cơ sở y tế lớn nhỏ, quan sát bác sĩ, dược sĩ, nhân viên tiếp đón… làm việc mỗi ngày.
Anh nhận ra, đằng sau một cái nheo mày của bác sĩ khi nhìn kết quả chẩn đoán có thể là do ảnh hiển thị quá nhỏ. Một dược sĩ mãi không tìm thấy thuốc trong danh sách dài loằng ngoằng có thể vì giao diện phần mềm chưa thật sự thân thiện. Và nếu một người dùng nói “phần mềm dùng ổn” nhưng không gia hạn, thì chắc chắn vẫn còn điều gì chưa ổn đâu đó.
Từ những quan sát tỉ mỉ và thấu cảm ấy, vClinic được phát triển không phải để “bắt trend” công nghệ, mà để phục vụ thật – thực tế và thiết thực. Từ giao diện đến kiến trúc hệ thống, từng bản cập nhật được cải tiến dựa trên phản hồi người dùng – để sản phẩm không chỉ chạy tốt mà còn chạm được vào nhu cầu thật sự của ngành y.
Đằng sau một giải thưởng là những điều thầm lặng
Với anh Sơn Tùng, giải thưởng Sao Khuê 2025 không phải là đích đến. Đó chỉ là một khoảnh khắc để anh dừng lại, nhìn lại hành trình của mình – một chặng đường của rất nhiều đêm trắng nâng cấp hệ thống, của những email trả lời khách hàng lúc nửa đêm, của các ca trực cuối tuần để không có đơn thuốc nào bị in trễ.
Khi cái tên vClinic được xướng lên, anh không thấy cảm giác chiến thắng, mà là một cái thở phào. Là khi những điều nhỏ bé, lặng lẽ anh và đội ngũ đã làm cuối cùng cũng được ghi nhận. Là lúc anh thấy mình không sai khi kiên định chọn con đường “từng bước một” giữa thời đại “chạy thật nhanh”.

Với anh, vClinic không đơn thuần là phần mềm quản lý phòng khám. Đó là một phần của hệ sinh thái y tế số – nơi mỗi quy trình, mỗi dữ liệu được kết nối để giúp các y bác sĩ làm việc hiệu quả hơn, giúp người bệnh tiếp cận dịch vụ dễ dàng hơn, và giúp hệ thống y tế Việt Nam chuyển mình – không ồn ào, nhưng vững chắc.
Có thể anh Tùng không phải là người phát minh ra công nghệ mới, cũng không đứng đầu các bảng xếp hạng. Nhưng câu chuyện của anh – từ một “thực tập sinh già” trở thành người kiến tạo những giải pháp y tế số hiệu quả – là minh chứng rõ ràng rằng: Không phải ai bắt đầu nhanh cũng về đích trước. Người kiên trì và tử tế với hành trình của mình mới thật sự đi xa.
Trong một thế giới thay đổi không ngừng, đôi khi điều quý nhất không phải là sáng tạo ra điều gì mới, mà là làm cho điều đang có trở nên tử tế, bền vững, và chạm đến con người hơn. Anh Nguyễn Sơn Tùng – người đàn ông thầm lặng phía sau vClinic – đang làm được điều đó, từng ngày./.
- Cung cấp các giải pháp số thông minh, Meey Group lại được vinh danh tại Sao Khuê 2025
- 198 nền tảng, dịch vụ, giải pháp số xuất sắc được trao Giải thưởng Sao Khuê 2025