Áp lực đáo hạn trái phiếu

Từ số liệu của Fiin Group có thể thấy, năm 2023 và 2024 sẽ có một lượng trái phiếu đáo hạn khổng lồ. Theo đó, giá trị trái phiếu đáo hạn trong năm 2023 ước tính đạt 302.900 tỷ đồng gấp 1,91 lần so với năm 2022; còn năm 2024 là 281.700 tỷ đồng, gấp 1,78 lần năm 2022.

Giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn giai đoạn 2022 - 2026
Giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn giai đoạn 2022 - 2026.

“Tổng phát hành trái phiếu năm nay là 214.000 tỷ đồng, cao gấp 3 lần so với năm 2020. Điểm rơi đáo hạn năm tới (năm 2023) là rất lớn. Đây là điều đáng lưu ý về thị trường trong năm sau”, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia nêu nhận định về thị trường trái phiếu doanh nghiệp những năm tới.

Ông Lực cho biết thêm, trong giai đoạn 2018 - 2021, quy mô phát hành trái phiếu doanh nghiệp là rất lớn. Do vậy trong giai đoạn 2023 - 2025, ước tính sẽ có hơn 700.000 tỷ đồng (chưa tính tiền lãi) trái phiếu sẽ đáo hạn.

Trong số này, các doanh nghiệp bất động sản đã phát hành gần 215.000 tỷ đồng trong năm 2021 và thêm 50.000 tỷ đồng trong 10 tháng đầu năm 2022 với lãi suất bình quân là 10,35%/năm.

Theo TS. Cấn Văn Lực, trong 2 năm tới, giá trị trái phiếu bất động sản đáo hạn cũng rất lớn. Cụ thể, năm 2023 sẽ có khoảng 120.000 tỷ đồng đáo hạn, năm 2024 có khoảng 110.000 tỷ đồng chưa tính tiền lãi.

Còn theo Fiin Ratings, tính đến hết ngày 31/12/2022, sẽ có 21.850 tỷ đồng trái phiếu bất động sản đáo hạn.

Con số này tạo ra áp lực khổng lồ cho doanh nghiệp bất động sản, nhất là trong bối cảnh thanh khoản tụt dốc, doanh nghiệp bất động sản không bán được hàng, dòng tiền gặp khó, nguồn vốn tín dụng ngân hàng bị siết chặt và lãi suất tăng cao.

Giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn giai đoạn 2022 - 2026

Giải pháp hỗ trợ trái phiếu doanh nghiệp

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) bày tỏ sự lo ngại trước những con số nêu trên.

Theo ông, trong trường hợp các doanh nghiệp “bung tiền” để mua lại các lô trái phiếu đã phát hành trong giai đoạn thị trường bất động sản đối mặt với nhiều khó khăn về thanh khoản, vốn vay như hiện tại, không ít doanh nghiệp sẽ “kiệt sức”, không còn khả năng tiếp tục triển khai dự án, kéo thị trường bất động sản có thể bị “đóng băng”.

Vì lẽ đó, ông Châu tán đồng đề xuất cho phép doanh nghiệp phát hành trái phiếu được phép gia hạn kỳ hạn trái phiếu thêm 2 năm trong Dự thảo Nghị định sửa đội Nghị định 65 của Bộ Tài chính.

“Trong hai năm tới sẽ có hàng trăm ngàn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp bất động sản đáo hạn, nên đề xuất nêu trong Dự thảo sẽ góp phần làm phân tán khối lượng trái phiếu đáo hạn. Nhờ đó doanh nghiệp bất động sản sẽ không phải bán rẻ tài sản của họ. Vừa rồi, một số doanh nghiệp bất động sản đã phải bán tài sản với giá chỉ bằng 30 - 50% giá trị thật”, ông Châu cho hay.

TS. Cấn Văn Lực thì cho rằng điều cần làm lúc này là tiếp tục kiên định ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế về kiểm soát và tăng trưởng, cân đối giữa lãi suất và tỷ giá hối đoái, giữa ngân sách Nhà nước và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Ông Lực nhấn mạnh, “cần sớm giải quyết rủi ro trái phiếu doanh nghiệp, nhất là nhóm doanh nghiệp bất động sản và đẩy mạnh quá trình sửa đổi các luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản và lĩnh vực tài chính".

Giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn giai đoạn 2022 - 2026

Chủ tịch HĐQT Fiin Ratings Nguyễn Quang Thuân cho rằng cần có những biện pháp riêng cho các doanh nghiệp phát hành có rủi ro cao như đánh giá, phân loại cụ thể. Song song đó cần đẩy nhanh tiến độ xử lý và tái cấu trúc nợ. Ngoài ra, có thể xem xét cho phép nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ dưới sự bảo lãnh thanh toán của ngân hàng.

Ông Don Lam, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vina Capital đề xuất: “Việt Nam nên thành lập công ty bảo hiểm bảo lãnh trái phiếu do Chính phủ hỗ trợ, đồng thời tăng cường quy định bảo vệ nhà đầu tư, điều chỉnh khuôn khổ pháp lý đối với tổ chức ủy thác trái phiếu và yêu cầu bên ủy thác tham gia đảm bảo doanh nghiệp phát hành trái phiếu tuân thủ giao ước”.