Điện thoại đổ chuông.

Tôi choàng dậy.

Tiếng thì thầm từ đầu kia vọng lại: Bài Linh hồn đã mất của Bằng Kiều hay quá mày ạ, tao nghe từ tối đến giờ.

Lật đật: Ai? Ai? Bằng Kiều hả? mất rồi hả? sao lại mất?…

Một hồi, chừng nghe đã thủng, tôi dụi mắt nhìn đồng hồ: 3h sáng!

– Chợp mắt một tí đi, mai còn đi làm sớm…

Hồ lặng.

Sương mồ côi nhện giăng dày cỏ.

Dây đó, cá quẫy lóc bóc.

Một đàn mương tớp sóng lóp bóp, lùi lũi tiến vào bờ.

Một cánh chim bói cá hoảng hốt vụt lên

Tiếng cắc caaa!!!…lảnh lót xé toạc khoảng mênh mông lặng.

Chúng tôi đi, dẫn đầu là tổ trưởng tổ sản xuất, kỹ sư thuỷ lợi Trần Thị Hồng Minh.
Một đập chính, mười tám đập phụ, hồ chứa dài 60km, diện tích mặt nước 235km2, dung tích toàn bộ của hồ lên tới 2.490.000.000 m3.

Duy tu, bảo dưỡng định kỳ, kiểm tra, khắc phục, sửa chữa những con đập, đo đạc quan trắc và các yếu tố khí tượng thủy văn, tham gia xây dựng phương án phòng chống lũ, lụt cho hạ du do xả lũ hoặc sự cố đập, bảo vệ lòng Hồ Thác… chính là công việc mà Tổ Thủy Công, Trung Tâm Dịch Vụ Kỹ Thuật, Công ty cổ phần Thủy điện Thác Bà chúng tôi đảm nhiệm.

Đường kiểm tra và mặt đập 3, một trong 19 con đập chúng tôi ngày ngày chăm lo, duy tu, bảo dưỡng.

Tổ công tác gồm 8 người, bốn trong số đó là phụ nữ. Bốn phụ nữ U50, cùng độ tuổi, cùng hoàn cảnh xuất thân. Sinh ra trên cùng một triền quê, uống nước cùng một dòng sông để lớn. Lấy chồng, sinh con, con đường học vấn mỗi người mỗi khác, vì quê hương, vì tình yêu dành cho nguồn điện mà cùng về, cùng cống hiến cho mặt nước xanh. Chúng tôi hiểu nhau, yêu thương nhau, ngay từ nhỏ đã tự ví mình là “Bốn con cún con” (bốn đứa tuổi Tuất), sẻ chia vất vả khó khăn, giúp nhau hoàn thành nhiệm vụ, cùng nhau đi qua cay đắng, ngọt bùi.

Chị Lê Thị Thuý, chị Nguyễn Thị Thu Hà tham gia duy tu bảo dưỡng biển báo.

Tiếng chuông điện thoại giữa đêm kia chỉ là một trong vô vàn tiếng chuông chúng tôi gọi nhau khi thảng thốt, phút lúc yếu lòng, khi cần tựa nương và cả lúc ngập dâng hạnh phúc.

Là tiếng chuông kể về một sớm mùa đông nhiều, nhiều năm về trước. Những mùa đông buồn tủi, những mùa đông rét xót, những mùa đông chẳng hề hiếm hoi để người ta có thể thấy một trong bốn đứa, mắt đỏ ngầu không hẳn do thiếu ngủ, tóc tém xờm ngoài cổ áo, giày bảo hộ vắt lên chữ ngũ, ngón tay nhịp nhịp trên bàn làm việc. Những ngón tay nhỏ nhắn y như tay trẻ con, cố tỏ ra mạnh mẽ, cố tỏ ra vui vẻ để che biệt những yếu lòng, che biệt trăm ngàn thổn thức, trăm ngàn khao khát mỗi đêm. Những ngón tay của Minh…

Chị Trần Thị Hồng Minh tham gia đo thấm.

Là tiếng chuông kể về ngày đầu xuân của bây giờ, của những năm gần đây, về khoảnh khắc thiêng liêng của đất trời trong mọi đêm trừ tịch.

Tiếng chuông ấy kể rằng đêm ba mươi Tết, năm nào cũng vậy, khi tiếng pháo giao thừa bên sông vừa lặng, nhà nhà bắt đầu chìm vào giấc ngủ nồng, ba mẹ con Minh, chụm lại gộc củi còn đỏ lửa trước sân, dắt nhau, ngược đồi, trèo đủ ba trăm sáu lăm bậc đá, tìm đến mái đền, tìm về chốn thâm nghiêm, dành trọn những phút giây thanh khiết nhất của năm để tưởng hồi về người chồng, người cha không may khuất núi lúc tuổi còn đang trẻ, tưởng hồi về người con, người em bệnh nặng, bao năm dốc lòng chạy chữa mà vẫn vắn số…

Tiếng chuông kể về những lần Minh đã muốn buông tay, những lần Minh quyết tâm gượng dậy, vượt qua số phận, đi qua yếu mềm, đi qua niềm đau xót, mỉm cười, ngước mắt, cầu cho ngày mai tươi đẹp, cầu cho nhân gian nhân ái, cho nhân sinh vạn kiếp bình an.

Bởi thuỷ điện sống vì nguồn nước.

Bởi hồ thuỷ điện tích nước, không chỉ để phát điện mà còn để điều tiết tưới tiêu, để cắt lũ khu vực, để phía hạ lưu Đồng Bằng Bắc Bộ kia được nồng nàn hương mới, thiêm thiếp lúa vàng.

Bởi sự đảm bảo an toàn công trình, đảm bảo an toàn chống lũ, đảm bảo hiệu quả phát điện, chúng tôi, “Bốn con cún”, chẳng quản nắng mưa, chẳng nề giá rét, tinh mơ mỗi sớm, chiều muộn đêm về, ngày nào cũng cần mẫn trên đường. Chúng tôi, nói như tổ trưởng Trần Thị Hồng Minh: “ Đi theo mặt trời, ăn ngủ cùng mặt trời hôm sớm…”.

Chị Lê Thị Thuý, chị Nguyễn Thị Thu Hà tham gia cắt cỏ bảo dưỡng hạ lưu đập.

Mùa hè ngắt nắng

Mùa đông rét so.

Đất, đá, xi măng, nhựa đường, sơn, xỉ… những vật liệu tưởng chỉ thuộc về thuộc về thế giới đàn ông, những dụng cụ sản xuất tưởng chỉ thuộc về phái mạnh, ngày nào cũng thế, lần lượt qua tay.

Những hố tràn, những con đập, những cung đường.

Những ổ gà, những xương cá, những lần bão dội.

Những đe doạ, hung hăng của người mang dạ rắp tâm lấn chiếm.

Những lần dân vận thành công…

Bảo vệ đập, bảo vệ hồ, bảo vệ đường kiểm tra. Sau mỗi tiếng chuông, chúng tôi biết mình đã lại vừa thêm một lần lạt mềm buộc chặt. Sau mỗi tiếng chuông chúng tôi lại thấy mình chín đằm hơn, vững tin hơn trong chiếc áo màu ghi.

Chị Nguyễn Thị Thắng, chị Lê Thị Thuý tham gia bảo dưỡng cột mốc.

Trong muôn ngàn tiếng chuông, có tiếng chuông kể rằng bão tố cuộc đời kia đối với chúng tôi như chẳng có là gì! Hai trong “Bốn con cún” đã phải từ lâu vừa làm mẹ, vừa làm cha. Một từ lúc con mới lên ba, một từ lúc con còn chưa vượt cấp. Cha già, mẹ yếu, một tay chăm sóc, một tay nâng giấc. Con học, con lớn, một tay gầy dựng, một tay vén thu, một tay dựng vợ gả chồng. Bốn chúng tôi, tự hào, việc nước việc nhà việc nào cũng thạo.

Một vườn lan ăm ắp toả hương.

Một cửa hàng điện thoại khách vào ra nườm nượp.

Một ảnh viện áo cưới viết nên những câu chuyện tình yêu trọn vẹn.

Một vườn trại tăng gia, gà kêu, trái chín đầy cành.

Giải ba bóng chuyền da cấp tỉnh; Giải nhì đơn ca, giải ba song ca Hội thi Tiếng Hát CNVC lao động của Tổng Công Ty Phát điện 3 và nhiều giải khác khi tham gia các hội thi của Công ty, của địa phương…

Tranh thủ mọi khoảnh khắc rảnh rỗi, chúng tôi tham gia thể thao, văn nghệ, học nhảy aerobic, hoà mình vào mọi hoạt động, vào các phong trào của Công ty, của khu phố.

Hai trong bốn chúng tôi đã vinh dự trở thành Đảng viên Cộng sản. Chị Trần Thị Hồng Minh đã trở thành chiến sĩ thi đua, được nhận bằng khen của Tổng công ty nhiều năm. Cả bốn đều là Phụ nữ Hai Giỏi, Phụ nữ Hai Giỏi suất sắc, nhiều lần được nhận giấy khen, bằng khen.

Các con ngoan ngoãn, hiếu thuận, học hành giỏi giang, phương trưởng, hoàn thành suất sắc mọi nhiệm vụ, biết sống là cho đi, là cống hiến, luôn lan toả năng lượng tích cực, được bạn bè đồng nghiệp và người dân địa phương yêu quý, tôn trọng,
Đó là niềm tự hào của chúng tôi, “Bốn con cún thuở xưa” của vùng Hồ Thác.

Hồ vẫn lặng.

Nhện vẫn giăng mồ côi kín cỏ.

Cá vẫn quẫy lóc bóc.

Hồ lặng nhưng lòng người không lặng.

Như những dịch chuyển dưới tầng sâu của con đập 1.33 triệu m3 đất đá ngoài kia, ngày đêm vẫn rỉ rả, lắng dào. Mỗi sớm, khi hừng đông thức dậy “Bốn con cún” của lòng Hồ Thác vẫn đi.

Tha thiết thương yêu.

Vững bền, kiên định, say sưa tìm tòi, học hỏi, tích luỹ.

Từ phải sang: Chị Trần Thị Hồng Minh, chị Lê Thị Thuý, chị Nguyễn Thị Thu Hà và chị Nguyễn Thị Thắng, nhóm “Bốn con cún” cùng tuổi Tuất.

Chúng tôi đi, tóc búi lên cao, hành trang trên vai, gọn gàng bảo hộ.

Chúng tôi đi, tự biết mình đẹp một vẻ đẹp đơn sơ mộc mạc, như những bông hoa Xuyến Chi khiêm nhường bên mặt hồ kia, ngày đêm vẫn sóng sánh, rung rinh.

Chúng tôi đi, vì một mặt nước mênh mông.

NGỌC HÀ
(Bài viết đạt Giải Đặc biệt Cuộc thi “Vẻ đẹp phụ nữ EVN”)