Cụ thể, Việt Nam đã chính thức lọt top 5 khối ASEAN ở chỉ số Nominal Gross Domestic Product, viết tắt là Nominal GDP. Chỉ số Nominal GDP có thể hiểu là tổng sản phẩm quốc nội GDP được tính theo giá thị trường hiện tại.

Việt Nam lọt top 5 chỉ số GDP cao trong khối ASEAN.

Kinh tế Việt Nam kể từ giai đoạn đổi mới năm 1986, đã đạt được bước phát triển rất đáng ghi nhận trong hơn 30 năm qua. Năm 2019, kinh tế Việt Nam cho thấy sức bật đáng kể và khả năng chống chịu tốt trước các tác nhân gây hại đến nền kinh tế. Tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2019 là một con số ấn tượng với 7.02%, vượt mục tiêu đề ra ban đầu của Chính phủ. Tốc độ tăng trưởng cao hàng đầu trong khu vực, khiến các nhà đầu tư trong và ngoài nước càng vững tin vào môi trường đầu tư tại Việt Nam và phương hướng phát triển của Chính phủ. Trong Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới mà IMF vừa công bố, GDP đầu người Việt Nam tăng 2,4% đạt 3.497 USD/người vào năm 2020, đứng thứ 5 trong khối ASEAN. Ngoài ra, IMF còn nhận định, GDP năm 2021 của Việt Nam sẽ đạt 6,7%, tiếp tục nằm trong nhóm có tăng trưởng kinh tế cao nhất ASEAN.

Năm 2020 khởi đầu với sự suy thoái trầm trọng về mặt an ninh, xã hội và kinh tế trên toàn thế giới với sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 trên quy mô toàn cầu. Dịch Covid-19 đã khiến nền kinh tế thế giới biến động và thay đổi hoàn toàn. Hầu hết, các quốc gia trên thế giới đều nhận định rằng, kinh tế toàn cầu sau đại dịch sẽ rất khác so với trước đây. Thậm chí, các chuyên gia kinh tế cho rằng, tác động của dịch Covid-19 đối với kinh tế xã hội toàn cầu còn khủng khiếp hơn cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Tuy nhiên, nhờ những phản ứng kịp thời của Chính phủ Việt Nam nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus đã cho phép Việt Nam nhanh chóng mở cửa kinh tế trở lại, và hiện được dự đoán là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới trong năm nay. Trong khi nhiều quốc gia đang phải gánh chịu những cuộc đại suy thoái kinh tế trầm trọng vì đại dịch và phải xin các gói hỗ trợ từ IMF nhằm phục hồi kinh tế, thì Việt Nam hiện vẫn đang tăng trưởng với tốc độ 3%. Sự tăng trưởng của Việt Nam trong giai đoạn vừa qua được thúc đẩy thặng dư thương mại tăng kỷ lục, bất chấp sự sụp đổ của thương mại toàn cầu.

Trong khi các quốc gia mới nổi tập trung chi mạnh cho phúc lợi xã hội thì Việt Nam đã dành phần lớn nguồn lực cho xuất khẩu, xây dựng các cơ sở để đào tạo nguồn lao động chất lượng, phát triển các dự án cầu đường, bến cảng nhằm thúc đẩy trao đổi thương mại, và gia tăng lượng hàng hóa đưa ra nước ngoài. Điều này khiến cho hệ thống cơ sở hạ tầng của Việt Nam được đánh giá cao hơn so với các quốc gia ở giai đoạn phát triển tương tự.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là điểm đến thu hút của các nhà đầu tư nước ngoài. Hiện tại, Việt Nam đang tập trung thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Trong 5 năm qua, trung bình vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam đạt đến hơn 6% GDP. Đây là tỷ lệ cao nhất so với các quốc gia mới nổi khác. Hầu hết nguồn lực trên được đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng và các cơ sở nhà máy sản xuất.

Bất chấp những tác nhân tiềm tàng ảnh hưởng đến kinh tế xã hội như dân số dần thu hẹp, thương mại toàn cầu giảm sút,…nhưng Việt Nam vẫn duy trì được sự thành công đáng kinh ngạc trong khả năng thúc đẩy kinh tế phát triển. Hiện các quốc gia trên Thế giới vẫn đang đánh giá lại tác động của dịch Covid 19 đối với nền kinh tế. Dù rằng Việt Nam vẫn đang trên con đường phát triển phù hợp và không ngừng vững chắc tiến bước, nhưng điều này cũng không cho phép chúng ta chủ quan và lơ là mà phải luôn theo sát tình hình diễn biến của kinh tế thế giới và tận dụng thời cơ bứt phá đưa kinh tế Việt Nam vươn tầm sánh ngang các cường quốc kinh tế trên thế giới.

GIA HUY