ISSN-2815-5823

“Xanh” hóa: Doanh nghiệp muốn nhưng không dễ

(KDPT) – Xu hướng “tiêu dùng xanh”, “tín dụng xanh” để bảo vệ môi trường đang đặt doanh nghiệp (DN) Việt đứng trước bài toán kinh tế tuần hoàn (KTTH). Việc gia nhập các hiệp định thương mại tự do cũng dẫn đến việc các DN phải dần tiếp cận và đi theo mô hình kinh tế này. Tuy nhiên, có một thực tế là nhiều DN Việt muốn “xanh” nhưng “không biết làm thế nào xanh được?”.

Doanh nghiệp cũng muốn “xanh”

Trong khi KTTH đang tạo nên sự thay đổi sâu sắc trên toàn cầu thì ở Việt Nam, khái niệm này vẫn nằm ngoài tầm với của phần lớn DN. Chúng ta thừa chất thải vẫn phải nhập phế liệu. Khó khăn về công nghệ, thiếu nguồn lực đầu tư dẫn đến những khó khăn trong tiếp cận và hình thành chuỗi liên kết tạo nên nền KTTH ở Việt Nam.

Theo ông Trương Hồng Thanh, Chủ tịch Công ty Nước và Vệ sinh Môi trường Việt Nam (VESA), DN nào cũng biết KTTH, bảo vệ môi trường là tốt nhưng không phải DN nào cũng thực hiện được. Những doanh nghiệp như Heineken, Unilever, Coca- Cola… quy mô lớn toàn cầu, lợi nhuận cao, vốn mạnh, sản phẩm phù hợp tái chế mới có thể theo mô hình KTTH, kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, tín dụng xanh… Các DN Việt Nam phần lớn quy mô vừa và nhỏ, nên muốn “xanh” vẫn phải đi từng bước một.

Ảnh minh họa

Ông Thanh lý giải, thực chất việc các DN “xanh” hay chưa “xanh” vẫn là bài toán đầu tư. Trước kia tài nguyên thiên nhiên, nguyên vật liệu còn nhiều, có sẵn, giá rẻ nên các DN chưa chú trọng thu hồi, tái chế. Ngày nay, tài nguyên khan hiếm, nguyên vật liệu đầu vào ngày càng đắt đỏ, chi phí xử lý môi trường lớn… dẫn đến việc tái chế hiệu quả kinh tế hơn. Không phải các DN không muốn “xanh” mà do ở Việt Nam vẫn còn nhiều vướng mắc về pháp lý, hạn chế về nguồn vốn đầu tư, thị trường nhiều biến động, thay đổi… nên phần lớn các DN muốn KTTH phải đầu tư từng bước một.

Ông Hoàng Quyết Tiến, Giám đốc Công ty CP An Sinh cũng khẳng định, không phải các doanh nghiệp không muốn tái chế, tận dụng bởi khi nguồn chất thải không được tận dụng tái chế ngoài việc phát sinh lãng phí còn gây ô nhiễm môi trường, gia tăng hàng loạt các chi phí xử lý. Nhiều DN cũng nhìn thấy nguồn nguyên liệu tái chế tiềm năng. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam chưa có chế tài phân loại chất thải rắn tại nguồn; chưa hình thành được chuỗi liên kết để tái chế và xử lý; công nghệ tái chế còn kém…

Việt Nam còn thiếu các DN đủ năng lực về công nghệ về tái chế, tái sử dụng các sản phẩm đã qua sử dụng; khó thay đổi ngay thói quen sản xuất và tiêu dùng của toàn xã hội hiện nay đối với nhiều sản phẩm dễ sử dụng như túi nilon, sản phẩm nhựa dùng một lần sang chỉ sử dụng những vật liệu, sản phẩm có thể tái chế, tái sử dụng hoàn toàn; các DN Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ khó khăn trong việc đầu tư đổi mới công nghệ.

Theo ông Phạm Văn Hoá, Giám đốc điều hành VESA, trước kia luật chưa chặt nên các DN không quan tâm đến xử lý môi trường và tái chế chất thải. 3 năm trở lại đây, kể cả những DN không tham gia xuất khẩu cũng quan tâm đến xử lý nước thải, chất thải vì định kỳ Nhà nước 2 tháng kiểm tra 1 lần. Thậm chí ở các khu công nghiệp, cảnh sát môi trường kiểm tra bất ngờ. Nếu DN không đầu tư, có biến động chất thải lớn, xử lý không được là bị phạt và tiền khắc phục môi trường sau đó có thể rất lớn nên các DN giờ đã biết sợ.

Chưa nhìn ra lợi ích

Là nhà thầu chuyên xử lý nước thải và vệ sinh môi trường chuyên nghiệp nhiều năm, ông Phạm Văn Hoá cho biết, bản chất của vấn đề là DN chưa nhìn thấy lợi ích của việc xử lý các chất thải trong bài toán KTTH. Chưa có nhiều chuyên gia, nhà thầu có tầm tư vấn chỉ ra cho họ. Do hạn chế về thông tin, chưa nhận ra lợi ích của tái sử dụng chất thải nên các DN chưa đầu tư, chứ không hẳn vì công nghệ tốn kém hay quy mô DN.

Ông Phạm Văn Hoá chỉ ra rằng, trong bài toán kinh tế tuần hoàn, nước thải thu được dùng tưới cây, rửa đường, nước xả nhà vệ sinh… Hiện giá nước sạch đắt nên nếu đầu tư công nghệ xử lý nước thải rồi tái sử dụng thì tiết kiệm tiền nước khá nhiều, thậm chí, hai con số đó nhiều lúc ngang bằng nhau, lãi hơn cả đi mua nước sạch mà DN lại đạt chuẩn bảo vệ môi trường.

Hệ thống thu hồi chủ động

Việt Nam đang hội nhập kinh tế thế giới, các DN nên và bắt buộc phải “xanh”. Thứ nhất, phải xử lý nước thải, chất thải theo đúng luật để tránh gây phiền hà cho DN. Mỗi lần cơ quan chức năng kiểm tra cứ phải “phong bì”, đối phó, rất phiền hà. Thứ hai, đối với các DN xuất khẩu đi các nước EU, Mỹ, Úc, G7… thì ngoài quy định Việt Nam phải theo quy định nước ngoài. Thứ ba, nên chọn công nghệ có tính tự động hóa cao. Đầu tư công nghệ cao thì hệ thống vận hành đơn giản, không lo bị sự cố, ít tốn nhân công, mỗi lần cơ quan môi trường kiểm tra không phải lo cải tạo, nâng cấp, thêm chi phí hóa chất… Đầu tư công nghệ cũ, hàng năm hằng tháng phải bỏ tiền đi theo suốt vòng đời của nhà máy thì rất tốn kém, gấp nhiều lần đầu tư công nghệ cao ban đầu, ông Hóa cho biết.

Tuy nhiên, ông Hóa cũng thừa nhận không phải DN nào cũng có đủ tiềm lực để đầu tư. Với những DN không xuất khẩu thì có thể lựa chọn công nghệ xử lý chất thải truyền thống. Đầu tư công nghệ càng thấp thì chi phí vận hành công nghệ càng cao. Để khách hàng tiếp cận được mô hình KTTH thì đầu tiên các quy định pháp luật phải chặt. Khi đó các DN phải lo sợ, phải làm để tránh bị ảnh hưởng. Các công ty tư vấn sẽ phải đầu tư công nghệ và chất xám nhiều để giúp DN triển khai thay vì đối phó. Việt Nam cần tổ chức các diễn đàn về Khoa học và công nghệ, mời DN, hiệp hội trong và ngoài nước hiến kế, đề xuất giải pháp để tiếp cận với những mô hình xử lý môi trường tiên tiến và chuyên nghiệp.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng, cần xây dựng và triển khai Chương trình quốc gia về Hỗ trợ cộng đồng DN triển khai Mô hình KTTH. Trong giai đoạn trung hạn, Chính phủ có thể lựa chọn một số ngành kinh tế trọng yếu để triển khai thí điểm mô hình KTTH, như ngành nhựa, ngành giấy, ngành xây dựng, ngành thực phẩm…

Bên cạnh đó, cần chú trọng vào chính sách quản lý, bảo vệ môi trường, chính sách tài chính, thương mại cho phép chuyển đổi các chất thải/phế thải thông thường của ngành công nghiệp này thành các loại nguyên vật liệu thứ cấp cho các ngành công nghiệp khác; chính sách hỗ trợ tăng cường chia sẻ và chuyển giao công nghệ sản xuất tiên tiến, cũng như các chính sách giúp xây dựng mạng lưới kết nối các DN đa ngành hiệu quả hơn và tạo dựng môi trường đầu tư thuận lợi. Xây dựng một chiến lược phát triển mô hình KTTH trong một số ngành kinh tế trọng yếu, giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 là bước đi cần thiết để mô hình tiến bộ này có thể phát triển mạnh mẽ hơn nữa tại Việt Nam.

VÂN NHI



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 17/01/2025