Hội thảo nhằm hoàn thiện chiến lược du lịch địa phương, đặt mục tiêu cho việc phát triển du lịch Nghệ An hiệu quả.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Bùi Đình Long cho biết, Nghệ An là tỉnh có rất nhiều tiềm năng phát triển du lịch, nhưng tỉ lệ thu từ du lịch chiếm thị phần rất nhỏ trong tổng thu của tỉnh. Do vậy Nghệ An xác định cần đẩy nhanh phát triển du lịch, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Phó Chủ tịch Bùi Đình Long đồng thời nhấn mạnh: “Hội thảo nhằm xem xét thêm về tính thực tiễn, về tầm nhìn để khi chiến lược được ban hành, Nghệ An có thể xây dựng được các đề án, dự án để triển khai chiến lược hiệu quả”.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An Bùi Đình Long khai mạc Hội thảo.

Tại Hội thảo, tổ tư vấn đã trình bày về những nội dung chính của chiến lược; chia sẻ thông tin về mục tiêu, quan điểm lập chiến lược; các chỉ tiêu; thương hiệu du lịch đặc trưng của tỉnh Nghệ An…

Bên cạnh đó, giới thiệu phân vùng không gian phát triển du lịch; đề xuất định hướng phát triển du lịch một số khu vực trọng điểm, trọng tâm, không gian du lịch chuyên đề; định hướng kết nối hệ thống tuyến, điểm và hạ tầng du lịch; định hướng phát triển hạ tầng giao thông vận tải liên kết các vùng du lịch trọng điểm. Mặt khách, đề ra các nhóm giải pháp phát triển du lịch; lộ trình thực hiện chiến lược; tổ chức thực hiện chiến lược. Theo tổ tư vấn, chiến lược cơ bản dựa trên chiến lược hợp tác trong phát triển, phát triển hạ tầng giao thông - du lịch, định hình quản trị điểm đến, định hướng thị trường, phát triển nguồn nhân lực, đầu tư - chính sách, ứng dụng khoa học công nghệ, thích ứng rủi ro. Chiến lược ưu tiên cốt lõi thiết lập sản phẩm du lịch, tiếp thị - truyền thông phát triển thương hiệu, hình thành các di sản - tài nguyên du lịch tạo mới.

Hội thảo Góp ý dự thảo Chiến lược phát triển du lịch Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035

Các đại biểu đánh giá dự thảo chiến lược có cách tiếp cận mới về nội dung và cách thực hiện, tuy nhiên vẫn chưa cho thấy sự đột phá. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho rằng giải pháp trong chiến lược nên tập trung, chú trọng đến các chuyên đề, sản phẩm; cũng cần cấu trúc lại chiến lược cho phù hợp, dễ hiểu, dễ thực hiện. Phải xác định được sản phẩm đặc trưng, đột phá, làm rõ thực trạng, điểm nghẽn; việc phát triển phải dựa trên giá trị cốt lõi là văn hóa kết hợp với ứng dụng công nghệ. Cần định hướng thị trường trong tương quan sản phẩm, không nên đặt kỳ vọng quá cao. Đáng chú ý, PGS.TS Hoàng Văn Hải - Viện trưởng Viện Quản trị kinh doanh - Đại học Kinh tế quốc dân đã mạnh dạn đề xuất Nghệ An coi du lịch là kinh tế hỗ trợ. Chiến lược cần phải làm Nghệ An hấp dẫn người dân tại chỗ, hướng đến khách hàng mục tiêu là người Nghệ An xa quê. “Nhà đầu tư tốt cũng rất quan trọng. Chiến lược cũng cần tính đến yếu tố công nghệ trong phát triển, vấn đề hỗ trợ về nguồn lực, chính sách. Điểm yếu nhất của Nghệ An là doanh nghiệp, cấn phải có doanh nghiệp lớn đầu tư đột phá. Đặc biệt là phải thêm lửa mạn hơn nửa cho lãnh đạo Nghệ An” - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam -PGS.TS Trần Đình Thiên chia sẻ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Bùi Đình Long: "Một trong những điều Nghệ An mong muốn là phát triển kinh tế du lịch trở thành mũi nhọn cho phát triển kinh tế chủ đạo"

Tại Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng TCDL Hà Văn Siêu, đánh giá cao bản chiến lược, theo cách tiếp cận mới, theo xu hướng hiện đại, phát triển. Đồng thời, Phó Tổng cục trưởng cho rằng nội dung của bản dự thảo chiến lược đã tiếp nhận những ý kiến đặc sắc của các chuyên gia đầu ngành từ nhiều lĩnh vực khác gắn với du lịch. Nội dung dự thảo chiến lược bám sát được thực trạng, đưa ra tầm nhìn, quan điểm, mục tiêu và giải pháp cho du lịch Nghệ An trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, phần giải pháp cần phân tích yếu tố con người tạo thành nguồn lực cho phát triển. Cần đánh giá tác động của du lịch về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường để thấy rằng mục tiêu đề ra được toàn diện. Việc đánh giá sẽ quyết định đến vấn đề đặt ra mục tiêu của du lịch Nghệ An từng giai đoạn cụ thể.

“Về quan điểm, cần gắn với yếu tố đặc thù của Nghệ An. Mục tiêu cần thể hiện rõ bằng chỉ tiêu, chỉ số. Giải pháp phải đi thẳng vào vấn đề cần giải quyết, mang tính thời kỳ, giai đoạn. Chiến lược phải khẳng định cách tiếp cận thị trường, cân đối cầu và cung, thì tính chiến lược mới đi thẳng vào vấn đề giải pháp sản phẩm đặc thù, chiến lược truyền thông quảng bá cho sản phẩm đó”. Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu nhấn mạnh.