Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tháng 10/2022 đã trở thành tháng có lượng gạo xuất khẩu cao kỷ lục trong lịch sử ngành gạo nước ta. Thời tiết khắc nghiệt ở nhiều quốc gia châu Á đang đặt nguồn cung gạo vào tình trạng thiếu hụt, trong khi Ấn Độ áp thuế 20% lên toàn bộ gạo xuất khẩu của nước này đã giúp thúc đẩy thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam.

Trong tháng 10/2022, giá gạo 5% tấm của Việt Nam cũng đạt bình quân 425-430 USD/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 11 năm ngoái đến nay. Giá gạo xuất bình quân của Việt Nam tăng cao còn là nhờ thời gian gần đây, xuất khẩu gạo Việt Nam đã có sự dịch chuyển mạnh sang phân khúc gạo thơm và gạo chất lượng cao.

Theo Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV), với bối cảnh thuận lợi cho ngành gạo trong thương mại quốc tế và nhu cầu nội địa được thúc đẩy cuối năm, xu hướng tăng giá có thể còn kéo dài đến cuối tháng 12.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, điểm yếu của gạo Việt Nam so với Thái Lan, hay Ấn Độ là tính đồng nhất của thương hiệu. Hiện chúng ta chưa có nhiều sản lượng gạo với giá trên 1.000 USD/tấn vì chúng ta chưa liên kết được các doanh nghiệp lại với nhau, để tạo nên thương hiệu gạo Việt có giá trị cao. Các doanh nghiệp phải liên kết, cam kết canh tác theo tiêu chuẩn thì mới hy vọng tạo sự đồng nhất về thương hiệu.

Ông Trịnh Bá Ninh, Nguyên Phó Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam, nói: "Hiệp hội Lương thực Việt Nam tạo ra sân chơi cho các doanh nghiệp vào thì phải canh tác theo đúng một chuẩn và phải công khai trên toàn thế giới, phải minh bạch".

Ngoài ra, theo Bộ Công Thương, các doanh nghiệp Việt Nam cũng nâng cao năng lực đàm phán với nhà phân phối nước nhập khẩu.