Thời gian qua, khi nhiều tỉnh, thành phải phong tỏa do Covid-19, hoạt động giao thương bị ngưng trệ, trong đó có mặt hàng gạo. Việc gặp trở ngại trong hoạt động xuất khẩu gạo không phải vì thiếu đơn hàng, mà do Covid-19 bùng phát mạnh khiến vận chuyển gặp khó, thiếu nhân công thu hoạch lúa, nhiều nhà máy chế biến lúa buộc phải đóng cửa hoặc giảm công suất… đã ảnh hưởng lớn đến thu hoạch và lưu thông lúa gạo tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Doanh nghiệp lưu kho gạo ST24, chờ đóng gói xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Ảnh: Đức Thanh

Doanh nghiệp sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ” không được, lúa gạo thu mua bị chững lại, gạo đưa ra sà lan chở đường sông TP.Hồ Chí Minh xuất đi cũng bị ách tắc… Tuy Ấn Độ đang có vài bất lợi trong mùa vụ thu hoạch, song xuất khẩu gạo của Việt Nam, Thái Lan đang vấp phải sự cạnh tranh gay gắt từ thị trường này.

Tuy nhiên, sau khi tình hình dịch Covid-19 trong nước dần được kiểm soát, một số địa phương nới lỏng giãn cách xã hội, giá gạo đã tăng nhẹ. Tính hết tháng 9, có 18 tàu vào các cảng xếp hàng với số lượng 158.300 tấn gạo các loại.

Cùng với đó, giá gạo 5% tấm của Việt Nam tăng từ 385 USD/tấn trong hai tuần trước lên 400 USD/tấn; trong khi giá gạo đồ 5% tấm xuất khẩu của Ấn Độ vẫn ở mức từ 358-363 USD/tấn; giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Thái Lan vẫn ở mức 280-402 USD/tấn (tùy loại).

Nhiều thương nhân kỳ vọng, xuất khẩu gạo tăng trở lại khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt hơn. Trên thực tế từ ngày 1-15/9/2021 Việt Nam xuất khẩu 247.420 tấn gạo, trị giá 121,644 triệu USD so với cùng kỳ, tăng 22,18% về số lượng và tăng 20,31% về trị giá.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng đang khởi động. Ví dụ tại TP. Cần Thơ, mấy ngày gần đây, Công ty Cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An đã tập hợp lao động về nhà máy để thực hiện xét nghiệm, bố trí công việc. Dự kiến, từ sau ngày 10/10 công ty sẽ bắt đầu nối lại các đơn hàng xuất khẩu cho đối tác. Trước mắt, ưu tiên xuất khẩu khoảng 22.000 tấn gạo cho thị trường Hàn Quốc với thời gian giao hàng từ 15/10 – 15/11/2021.

Tương tự, Công ty TNHH Vrice tại TP. Hồ Chí Minh cũng cho biết, doanh nghiệp đã hoạt động 50% công suất được 1 tuần nhằm thực hiện những đơn hàng đã ký kết trước đó.

Với kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD mỗi năm, gạo là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta. Việc khó khăn trong xuất khẩu mặt hàng này sẽ tác động tới kết quả xuất khẩu nông sản và kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước.

Xuất khẩu gạo Việt Nam cũng được kỳ vọng sẽ tăng tốc khi những hạn chế di chuyển liên quan đến Covid-19 dần được nới lỏng, mặc dù việc giá gạo Thái Lan và Ấn Độ rẻ hơn cản trở xuất khẩu tăng mạnh.

Hàng loạt cảng biển đang được mở lại dịch vụ đóng rút gạo để phục vụ các doanh nghiệp xuất khẩu gạo hoàn thành đơn hàng cuối năm. Từ 25/9, cảng Tân Cảng Sa Đéc mở cửa tiếp nhận dịch vụ đóng hàng phục vụ xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp. Trước đó, từ ngày 22.9, cảng Tân Cảng Hiệp Phước cũng đã mở lại dịch vụ, đóng góp thêm công suất đóng rút 18-20 container/ngày, giảm bớt ách tắc trong đóng rút gạo xuất khẩu của các doanh nghiệp hiện nay.

Vì vậy, dù có tín hiệu tích cực, song các bộ, ngành vẫn đang tích cực tìm những giải pháp để ổn định tình hình sản xuất cũng như xuất khẩu gạo trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, để giữ vững thương hiệu gạo Việt trên thị trường thế giới, Bộ Công Thương kiến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần tuân thủ nghiêm ngặt quy định về truy xuất nguồn gốc, kiểm soát dư lượng chất kiểm dịch thực vật, để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

ĐỨC ANH