Dẫu ở xa quê hương đến nửa vòng trái đất như Mỹ, hay ở ngay cùng châu lục như Nhật Bản, Úc, Malaysia, những người dân đất Việt đều cố gắng bớt chút thời gian để chuẩn bị cho ngày Tết cổ truyền dân tộc.

Họ cũng mua mâm mũ quả, cũng bánh chưng xanh, giò lụa… để thắp hương cầu cho năm mới gia đình bình an, đất nước ngày càng phồn thịnh.

Hai năm nay, đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều người xa quê chưa thể trở về sum họp gia đình. Nhưng không vì thế, cái Tết bớt đi vị quê hương, dẫu muôn trùng đường mây.

Chị Linh Anh, Việt kiều Úc, hiện đang sinh sống và làm việc tại bang New South Wales cho biết, cộng đồng người Việt tại đây khá đông đảo. Đa phần là các du học sinh, do đó mọi người thường hay tổ chức các buổi gặp mặt, nấu ăn cùng nhau dịp Tết để vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương xứ sở. Đặc biệt, các sinh viên đã tổ chức gói bánh chưng và biểu diễn một số tiết mục văn nghệ thể hiện tinh thần lạc quan, đoàn kết vượt khó và hướng tới năm 2022 may mắn, thành công. “Nhưng hai năm nay do dịch bệnh, mọi người cũng hạn chế tập trung, chỉ có những gia đình ở gần nhau mới tụm lại để cùng đón Tết”. Tuy thế, mâm cỗ vẫn đầy đủ những món truyền thống, như giò, chả và đặc biệt là bánh chưng”. – chị Linh Anh cho biết.

Cũng theo chị Linh Anh, do chênh lệch múi giờ và ở Úc vẫn phải đi làm vào ngày Tết Việt Nam, nên mọi người thường tổ chức đón năm mới vào ngày cuối tuần gần với Âm lịch. Còn ngày Tết, gia đình lại quây quần bên nhau gọi điện thoại về chúc Tết người thân.

Cộng đồng người Việt ở nước ngoài cùng nhau gói bánh chưng ngày Tết.

Đối với anh Quang Minh, hiện đang sinh sống tại bang Illinois (Mỹ), vào dịp này thời tiết tại đây khá lạnh, thường xuyên dưới 0 độ. Do đó, cách thức đón Tết là mọi người quây quần bên lò sưởi, kể cho nhau nghe những gì đã làm được trong năm qua, những dự định tốt lành cho năm mới. “Illinois không có nhiều người Việt như ở các bang khác. Trong một tối cuối năm, những người Việt ít ỏi ấy cùng với dâu rể là người nước ngoài và gia đình những người làm việc tại một nhà hàng Việt thường tập trung, cùng ngồi ăn buổi tất niên ấm cúng. Và tất nhiên, thực đơn không thể thiếu những món ăn Việt Nam” – Anh Minh vui vẻ nói.

Nguyễn Anh Tuấn, kĩ sư đang làm việc việc tại tỉnh Shiga Nhật Bản dường như “may mắn” hơn khi cộng đồng người Việt ở đây rất đông đảo. Anh Tuấn cho biết, đã làm việc tại đất nước mặt trời mọc được 7 năm. Dịp Tết cổ truyền với anh và bạn bè luôn đặc biệt, ấm áp nghĩa tình. “Ở đây không có nồi để nấu bánh chưng, nên chúng tôi đã chế một chiếc nồi to bằng inox và tự tay gói bánh, luộc bánh. Đây cũng là hoạt động gắn kết tình cảm giữa những người con xa xứ, mang không khí Tết đến xuân về cho mọi người”. – Anh Tuấn chia sẻ.

Nồi nấu bánh chưng tự chế của anh Anh Tuấn và bạn bè.

Trong số những người dân Việt Nam phải xa quê hương, có hàng trăm nghìn lao động xuất khẩu. Trong những ngày Tết, phải xa gia đình kiếm sống, họ không khỏi chạnh lòng nhớ lại những cái Tết ở nhà với sự sum họp đầm ấm của gia đình. Đại dịch Covid-19 đã khiến dự định về quê ăn Tết 2 năm qua của họ gặp nhiều khó khăn. Ước muốn của những người con nước Việt trên khắp năm châu đều cầu mong cho năm mới hòa bình, an lành, đại dịch sớm đi qua để những cái Tết được nối lại gần nhau hơn.

Mâm cỗ ngày Tết của kiều bào tại Nhật Bản.

Năm Nhâm Dần đã gõ cửa mọi nhà, những người con xa quê giờ này đang cùng nhau chia sẻ những vui buồn, thành công và khó khăn trong năm qua. Những mục tiêu, mong ước cho năm mới đều được đặt ra, phấn đấu đạt được kết quả tốt hơn. Dĩ nhiên, người Việt xa quê luôn dành một góc riêng trong lòng hướng về quê hương đất nước. Và như thế, Tết ở đâu cũng luôn đượm vị quê hương, thắm tình xứ sở.

THÁI TRUNG