Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân với đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), theo đó đề xuất: Bổ sung quy định doanh nghiệp nước ngoài cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho tổ chức, cá nhân tại Việt Nam theo các hình thức kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số phải nộp thuế tại Việt Nam đối với thu nhập từ hoạt động này, qua đó đảm bảo quyền đánh thuế và mở rộng cơ sở thuế đối với các hoạt động thương mại điện tử, hoạt động kinh tế số xuyên biên giới phù hợp với thông lệ quốc tế, với pháp luật về quản lý thuế hiện hành.

Bộ Tài chính cho biết, theo nguyên tắc và thông lệ quốc tế, quyền đánh thuế được chia sẻ giữa quốc gia nơi doanh nghiệp cư trú và quốc gia nơi doanh nghiệp phát sinh thu nhập; giữa quốc gia nơi doanh nghiệp cư trú và quốc gia nơi doanh nghiệp có cơ sở thường trú.

Liên quan đến nội dung này, Điều 2 Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) hiện hành đã có quy định về khái niệm người nộp thuế, quy định về nguyên tắc nộp thuế của người nộp thuế đối với thu nhập phát sinh tại Việt Nam và ngoài Việt Nam và khái niệm về cơ sở thường trú. Trong đó, việc xác định cơ sở thường trú được thực hiện theo các Hiệp định tránh đánh thuế hai lần mà Việt Nam đã ký kết với các nước; đối với các quốc gia chưa có Hiệp định thuế với Việt Nam thì áp dụng quy định về cơ sở thường trú theo quy định của Luật thuế TNDN.

Về cơ bản, quy định này phù hợp với thực tế cũng như quy định tại Hiệp định tránh đánh thuế hai lần mà Việt Nam đã ký kết với các nước, đảm bảo quyền đánh thuế của Việt Nam. Thực tiễn thực hiện thời gian qua cũng không phát sinh vướng mắc.

Tuy nhiên, thực tiễn quốc tế và cả trong nước gần đây đã cho thấy với sự phát triển của khoa học và công nghệ cùng với các hoạt động thương mại điện tử, kinh tế số xuyên biên giới, nhiều doanh nghiệp nước ngoài có phát sinh thu nhập tại Việt Nam nhưng không cần thông qua bất kỳ địa điểm hay cơ sở đại diện nào tại Việt Nam. Trong nhiều trường hợp, việc chỉ dựa vào sự hiện diện vật lý của cơ sở thường trú để làm căn cứ cho việc thu thuế có thể tiềm ẩn nguy cơ gây xói mòn cơ sở thuế. Gần đây, tại Luật Quản lý thuế số 39/2019/QH14 cũng đã bổ sung một nguyên tắc rất căn bản trong quản lý thuế đó là "bản chất hoạt động, giao dịch quyết định nghĩa vụ thuế".

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), khái niệm cơ sở thường trú "truyền thống" với yêu cầu về "hiện diện vật lý" không còn phù hợp với các mô hình kinh doanh ngày nay. Theo xu hướng chung hiện nay, Việt Nam cần thay đổi khái niệm "cơ sở thường trú". Nếu trước đây cơ sở thường trú cần có sự hiện diện vật chất (như văn phòng đại diện, chi nhánh, nhà xưởng...) thì với sự phát triển của thế giới kinh tế số, khái niệm này cần được mở rộng, bổ sung.

Hiện nay, trong các Hiệp định tránh đánh thuế hai lần mà Việt Nam đã ký kết với hơn 80 quốc gia đều thỏa thuận: đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh, Việt Nam có quyền đánh thuế với doanh nghiệp nước ngoài nếu họ có hoạt động kinh doanh không qua cơ sở thường trú. Do đó, nếu cơ sở thường trú theo quy định tại pháp luật thuế không bao hàm hoạt động cung cấp dịch vụ kỹ thuật số xuyên biên giới thì trong quá trình thực hiện dễ có sự tranh chấp. Việc mở rộng khái niệm "cơ sở thường trú" sẽ tạo điều kiện điều chỉnh các Hiệp định, thực hiện quyền thu được thuế đối với các hoạt động này.

Bộ Tài chính cho biết, việc xây dựng Luật Thuế TNDN (sửa đổi) nhằm mục tiêu chung là thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng, Nhà nước về cải cách hệ thống chính sách thuế đến năm 2030; kịp thời tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh; thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, khơi thông, phát huy nguồn lực cho phát triển KT-XH; phù hợp với xu hướng cải cách thuế TNDN của quốc tế; đảm bảo ổn định nguồn thu NSNN.

Mục tiêu cụ thể là góp phần tạo điều kiện thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh; rà soát, sắp xếp lại chính sách ưu đãi thuế để khuyến khích, thu hút đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực và địa bàn ưu tiên theo định hướng của Đảng và Nhà nước. Thực hiện ưu đãi thuế TNDN đối với doanh nghiệp có quy mô nhỏ, khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp để nuôi dưỡng và tạo nguồn thu ổn định trong tương lai.

Đồng thời mở rộng cơ sở thuế; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số quy định để chống gian lận, chống thất thu thuế TNDN, đảm bảo thu đúng, thu đủ vào NSNN. Sửa đổi bất cập trong quy định hiện hành để bảo đảm tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện của Luật. Góp phần tham gia hiệu quả các sáng kiến, diễn đàn quốc tế về thuế.

Đề xuất 04 nhóm chính sách lớn

Để đạt được các mục tiêu sửa đổi Luật thuế TNDN nêu trên, đề xuất sửa đổi Luật thuế TNDN sẽ tập trung giải quyết 04 nhóm chính sách lớn, bao gồm:

1- Mở rộng cơ sở thuế theo chủ trương của Đảng, Nhà nước và phù hợp thông lệ quốc tế thông qua việc điều chỉnh phạm vi, đối tượng, rà soát chính sách miễn, giảm thuế;

2- Sửa đổi, bổ sung các nội dung của Luật thuế TNDN nhằm giải quyết những vấn đề bất cập, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế;

3- Sửa đổi, bổ sung các nội dung nhằm đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật;

4- Sửa đổi, bổ sung các nội dung nhằm đảm bảo mục tiêu hội nhập kinh tế quốc tế, phù hợp với xu hướng phát triển.