Ảnh minh họa, nguồn internet.

Tổng thống Mỹ mới đây đã công bố sẽ đưa quyết định cuối cùng ngày 11/4/2018 về việc áp dụng một trong ba biện pháp hạn chế nhập khẩu thép vì mục đích an ninh quốc gia do Bộ Thương mại Mỹ đề xuất ngày 11/1/2018.
Cụ thể, thuế nhập khẩu với thuế suất tối thiểu 53% đối với 12 quốc gia trong đó có Việt Nam và áp dụng hạn ngạch tối thiểu 100% đối với các quốc gia khác; hoặc, áp dụng hạn ngạch 63% đối với tất cả các sản phẩm thép nhập khẩu từ tất cả các quốc gia; hoặc thuế nhập khẩu toàn cầu với mức tối thiểu 24%.
Theo tính toán của Hiệp hội Thép Việt Nam, đối với trường hợp Mỹ áp dụng biện pháp thuế suất tối thiểu 53%, thép Việt sẽ không thể cạnh tranh được với các quốc gia khác dẫn đến nguy cơ bị loại trừ hoàn toàn ra khỏi thị trường Mỹ.
Trước sự việc này, Bộ Công Thương Việt Nam đề nghị Chính phủ Hoa Kỳ cân nhắc kỹ lưỡng việc áp dụng các biện pháp hạn chế nhập khẩu; đảm bảo tuân thủ các quy định của WTO và thông lệ quốc tế…
Ông Nguyễn Văn Sưa – Phó chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) – cho biết, việc Mỹ dự kiến áp thuế cao với thép nhập khẩu chắc chắn sẽ gây ra biến động giá cả. Tuy nhiên, nếu xét tổng thể, việc xuất khẩu thép của Việt Nam cũng không có biến động mạnh. Theo phân tích của ông Nguyễn Văn Sưa, ASEAN mới chính là thị trường tiêu thụ nhiều thép Việt Nam nhất (khoảng 60%) chứ không phải Hoa Kỳ (khoảng 11,1%). Đặc biệt, trong hai năm trở lại đây, lượng thép xuất khẩu vào Hoa Kỳ cũng đang có xu hướng giảm, năm 2016 gần 1 triệu tấn nhưng đến năm 2017, giảm xuống còn 500 ngàn tấn. Như vậy, trong ngắn hạn, các DN xuất khẩu thép của Việt Nam nếu mất thị trường Mỹ sẽ gần như không gặp khó khăn gì, khi lực cầu nội địa và nội khối ASEAN vẫn mang lại dư địa tăng trưởng khả quan.
Về phía doanh nghiệp, ông Đỗ Duy Thái – Tổng giám đốc Công ty TNHH và sản xuất Thép Việt (Pomina) – đánh giá, thép Việt xuất khẩu mạnh tại các nước ASEAN và Canada – đây là những thị trường thuận lợi vì không phải chịu thuế nên sẽ không có ảnh hưởng khi sắc lệnh này áp dụng. Năm nay, công ty dự kiến vẫn sẽ tăng sản lượng thép xuất khẩu lên mức trên 300.000 tấn (năm 2017 là trên 200.000 tấn).
Báo cáo phân tích của Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng cho thấy, việc áp thuế nếu xảy ra sẽ không ảnh hưởng quá tiêu cực lên các nhà xuất khẩu thép niêm yết trên thị trường chứng khoán. Thậm chí, việc Mỹ đánh thuế nhập khẩu thép Trung Quốc có thể là tin vui và là động lực cho sự phát triển theo chiều sâu của ngành thép nội địa.
Mặc dù là một trong những thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam nhưng Mỹ cũng chính là thị trường thường xuyên đưa ra nhiều rào cản thương mại nhất đối với hàng hóa mà nước này nhập khẩu. Đây cũng là thị trường áp dụng nhiều luật lệ khắt khe nhất, do đó luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro khi doanh nghiệp Việt Nam chưa thực sự am hiểu. Do đó, giới chuyên gia khuyến cáo, các doanh nghiệp xuất khẩu cần phải có những thay đổi để bứt phá.
Theo đó, các nhà xuất khẩu Việt Nam cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, cần thay đổi tư duy xuất khẩu, chú trọng vào chất lượng xuất khẩu thay vì sản lượng để từ đó nâng cao tính cạnh tranh.
Đặc biệt, cần có đại diện thương mại làm cơ quan tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc hoàn thiện các quy trình, thủ tục liên quan nếu có bất cứ vấn đề gì xảy ra. Đó là những yếu tố quan trọng mà các doanh nghiệp Việt Nam phải “nằm lòng” để có thể giữ vững được thị trường xuất khẩu, nhất là những thị trường khó tính, khắt khe như Hoa Kỳ.

Duy Khánh (tổng hợp)