Mộc mạc, giản dị nhưng lại trụ vững trong lòng người tiêu dùng.

Bền bỉ
Diêm Thống Nhất là cái tên không hề xa lạ với đại đa số người dùng Việt. Với mức giá từ 100 đồng 2 bao cho đến 400-500 đồng mỗi bao, diêm Thống Nhất là thương hiệu hơn 60 năm hiện vẫn được nhiều người tiêu dùng Việt ưa chuộng.
Ra đời từ khi những chiếc bật lửa gas còn khá xa lạ, nay chỉ với 2.000 đồng người tiêu dùng có thể sở hữu chiếc bật lửa tiện lợi nhưng diêm Thống Nhất vẫn được sử dụng rộng rãi trong cả nước.
Theo kết quả kinh doanh của Diêm Thống Nhất, năm 2013, công ty này đạt lợi nhuận 3,4 tỷ đồng. So với vốn điều lệ 22 tỷ đồng, đây là một mức lợi nhuận khá. Đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế đang có nhiều biến động, cạnh tranh như hiện nay.
Sau diêm Thống Nhất thì nước mắm Liên Thành, bột Bích Chi… những thương hiệu đình đám dù không còn lớn mạnh ở Việt Nam nhưng sản phẩm vẫn được một bộ phận người Việt ưa chuộng.
Nước mắm Liên Thành có tuổi đời trên 100 năm, khởi đầu sự nghiệp kinh tế của nước ta từ thời Pháp thuộc. Năm 1906, hưởng ứng phong trào Duy Tân của cụ Phan Châu Trinh, Công ty Liên Thành được thành lập tại Phan Thiết bởi các sĩ phu yêu nước.
Qua bao biến thiên của thời cuộc cũng như nhiều lần chuyển đổi chủ sở hữu, nước mắm Liên Thành làm ăn phát đạt song cũng bao phen lao đao, rồi vắng bóng.
Năm 1997, sản phẩm xuất hiện trở lại nhưng chỉ có thể tồn tại trong lòng một số người tiêu dùng chứ chưa đủ sức cạnh tranh với các thương hiệu mới.
Hay như bột gạo lứt Bích Chi từng là sản phẩm ăn dặm hàng đầu của Việt Nam những năm 60-90 của thế kỷ trước.
Thời kỳ đỉnh cao của bột Bích Chi là những năm 1970-1975, khi lần đầu tiên thương hiệu này được đầu tư quảng bá và phân phối rộng rãi tại các thị trường lớn như TP HCM, các tỉnh miền Tây và Nam Trung Bộ…
Đến nay, bột gạo lứt Bích Chi vẫn còn được nhiều người ưa chuộng nhưng vẫn không thể cạnh tranh với các “ông lớn” khác như Nestlé, Cô Gái Hà Lan, Vinamilk.
Có lẽ thân thuộc hơn cả là sản phẩm cao Sao Vàng: Những năm 90 của thế kỷ trước, trong bất cứ gia đình người Việt nào cũng có một hộp Cao Sao Vàng.
Tuy nhiên, hiện nay, sản phẩm này lại được cộng đồng khách hàng thương mại điện tử quốc tế đánh giá cao. Trên trang điện tử eBay, một hộp Cao Sao Vàng được bán với giá 50.000-70.000 đồng, đắt gấp 30 lần so với giá gốc bán ở Việt Nam.
Sản phẩm này nhận được nhiều phản hồi tốt và thường… cháy hàng trên các website mua bán như eBay hay Amazon. Trong giỏ hàng của người bán luôn cập nhật tình trạng hàng hóa ở mức low stock (còn rất ít) hoặc out of stock (đã hết).
Với mì giấy Miliket, từng được mệnh danh “Vua mì tôm”, vào những năm 90, Miliket của công ty cổ phần Lương thực Thực phẩm Colusa – MILIKET.
Tiền thân là xí nghiệp Lương thực Thực phẩm Colusa và xí nghiệp Lương thực Thực phẩm Miliket gần như chiếm thị phần tuyệt đối. Đây là sản phẩm ăn liền quen thuộc của nhiều thế hệ người Việt.
Tuy nhiên hiện có quá nhiều thương hiệu mì ăn liền của các đại gia ngoại đã lấn sân khiến mì giấy Miliket bị mờ nhạt dần trên thị trường.

Đối đầu
Ngoại trừ một số ít thương hiệu đã khẳng định được vị thế bất chấp thời gian và biến động của thị trường, phần đa các sản phẩm tiêu dùng của Việt Nam vẫn phải đối đầu trực tiếp với các sản phẩm ngoại đang đổ bộ ào ạt vào thị trường nội địa.
Thị trường bánh kẹo Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng rất lớn song các doanh nghiệp nội chiếm thị phần lớn nhưng sản phẩm lại chưa đa dạng nên còn gặp khó khăn khi cạnh tranh với bánh kẹo ngoại.
Chính vì thế, thị trường bánh kẹo, sự cạnh tranh với đối thủ ngoại cũng gay cấn không kém. Từ một liên doanh, Lotte – nhà sản xuất bánh kẹo hàng đầu Hàn Quốc nay đã “nhảy” vào ghế làm chủ CTCP Bibica với hơn 39% cổ phần sở hữu.
Hiện các nhà sản xuất nước ngoài trên khắp thế giới cũng đang không ngừng tăng lượng hàng đưa vào Việt Nam thông qua các nhà nhập khẩu trong nước.
Với thị trường cafe cũng trong tình trạng tương tự. Trước đó các DN trong nước đều cho rằng, không chỉ nâng giá để tranh mua, doanh nghiệp nước ngoài còn đầu tư trực tiếp cho nông dân để chiếm lĩnh nguồn nguyên liệu lâu dài.
Không chỉ đầu tư vùng nguyên liệu mới, mà doanh nghiệp FDI “đánh chiếm” luôn các vùng chuyên canh mà doanh nghiệp trong nước đã đầu tư phân bón, nhiên liệu đến hộ nông dân. Sau đó họ chỉ cần đẩy giá mua lên một chút, lập tức phá vỡ mối liên kết giữa nông hộ với các DN trong nước.

Bích Ngọc