Yody từ một cửa hàng trở thành doanh nghiệp lớn

Ảnh: Yody

Kinh doanh và Phát triển đã có nhiều bài viết về việc các doanh nghiệp vi phạm pháp luật qua việc đăng tải, sử dụng bản đồ thể hiện sai lệch chủ quyền quốc gia. Điều này không những gây tổn hại tới an ninh, chủ quyền đất nước mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp. Bằng chứng là mới đây, Grab và Yody đã bị khách hàng phản ứng bằng hình thức xóa app, kêu gọi tẩy chay sản phẩm vì vi phạm chủ quyền quốc gia.

Đi sâu phân tích tình hình tài chính của Yody còn cho thấy, khả năng kinh doanh của doanh nghiệp này trong những năm qua đã ghi nhận sự tăng trưởng doanh thu lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận lại rất bèo bọt so với doanh thu.

Cụ thể, phóng viên đã nghiên cứu các tài liệu được công bố và tìm hiểu trên Cổng Thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Qua đó cho thấy, Yody đã tăng vốn 4 lần trong hai năm 2021 và 2022. Vốn điều lệ của công ty này từ vỏn vẹn 10 tỷ đồng đã lên tới 452 tỷ đồng vào tháng 10/2022.

Đây là doanh nghiệp trẻ, được hình thành từ tháng 3/2017 với tên gọi đầy đủ là Công ty Cổ phần thời trang Yody. Công ty này có trụ sở tại TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương với ngành nghề đăng ký kinh doanh chính là bán lẻ hàng may mặc, giày dép, hàng da và giả da trong các cửa hàng chuyên doanh.

Xa hơn, Yody được bắt nguồn từ cửa hàng đầu tiên tại Hà Nội vào năm 2014 và trải qua những bước phát triển ấn tượng. 1/7/2022 Yody mở rộng thị trường sang Thái Lan, Mỹ. Dự án bán hàng trên Amazon được khởi động. Tháng 10/2022, Yody cán mốc 200 cửa hàng sau 8 năm thành lập và phát triển. Đặt chân đến 63 tỉnh thành của cả nước, trải dài từ Bắc vào Nam. Yody cho biết đã phục vụ được hơn 4 triệu khách hàng Việt.

Tăng trưởng thần tốc

Về tình hình tài chính, theo các thông tin có được, đến tháng 3/2021 doanh nghiệp này nâng vốn từ 10 lên 15 tỷ đồng. Chỉ 4 tháng sau, vốn điều lệ của Yody đã đạt gấp gần 10 lần, ở mức 106 tỷ đồng.

Tròn 1 năm sau, vào tháng 7 năm 2022, doanh nghiệp này tiếp tục tăng vốn điều lệ lên mức 450 tỷ đồng và thêm 3 tháng nữa để điều chỉnh vốn điều lệ ở mức 452 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông của doanh nghiệp thời trang này không được công bố.

Có thể nói, nhìn vào các con số tăng vốn điều lệ trên của Yody, nhiều doanh nghiệp phải trầm trồ. Trong bối cảnh năm 2021 và nửa đầu 2022 khi đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, nhiều ngành nghề, lĩnh vực chật vật tồn tại thì Yody chỉ trong vòng 1 năm 7 tháng, đã có mức tăng vốn điều lệ khủng, gấp hơn 40 lần.

Ảnh: Yody

Lợi nhuận là dấu hỏi

Bên cạnh vốn điều lệ tăng theo cấp số nhân, doanh thu của Yody cũng cho thấy sức tăng trưởng ấn tượng. Năm 2019 ghi nhận công ty này có doanh thu 70 tỷ đồng. Nhưng đến năm 2021 doanh thu đã lên tới 118 tỷ đồng. Đi kèm với đó là các cửa hàng của hãng liên tục được mở ra với khoảng 200 cửa hàng trên toàn quốc.

Mặc dù vốn điều lệ liên tục tăng với cấp số nhân nhưng về phần lợi nhuận, Yody lại không cho thấy triển vọng tốt.

Nếu năm 2019, doanh thu của Yody là 70 tỷ đồng thì đến năm 2020, con số này tăng lên gấp hơn 1,6 lần (118 tỷ đồng). Thậm chí, năm 2021 Yody bùng nổ khi phát triển đến con số khoảng 200 của hàng trên toàn quốc. Doanh thu của đơn vị này cũng đạt đến con số nghìn tỷ (1.094 tỷ đồng), tăng 827% so với năm 2020!. Nếu đặt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây tác động tiêu cực tới toàn xã hội và lĩnh vực kinh doanh thì có thể nói đây là con số cực kỳ ấn tượng đối với một doanh nghiệp mới chỉ có ít năm xuất hiện trên thị trường.

Tuy nhiên, lợi nhuận của Yody lại là một dấu hỏi lớn. Nếu như năm 2017, Yody đạt doanh thu khoảng 28 tỉ đồng, lợi nhuận 274 triệu đồng; Năm 2018: doanh thu 32 tỷ đồng, lợi nhuận giảm xuống chỉ còn… 8 triệu đồng; Năm 2019: doanh thu 70 tỷ đồng, lợi nhuận 1 tỷ đồng; Năm 2020: doanh thu 118 tỷ đồng, lợi nhuận 2,5 tỷ đồng; Năm 2021: doanh thu vượt 1.000 tỷ đồng nhưng lợi nhuận lại vỏn vẹn có 11 tỷ đồng. Nghĩa là ở năm 2021, lợi nhuận của Yody lại chỉ bằng 1/100 so với doanh thu. Đây là tỷ suất lợi nhuận rất thấp và so với sức tăng vốn điều lệ cũng như doanh thu sẽ khiến nhiều người thắc mắc.

Doanh thu 2023 liệu có bị ảnh hưởng từ sự cố bản đồ?

Ngày 04/4, thời trang Yody chia sẻ video kỷ niệm 9 năm thành lập có hình ảnh bản đồ Việt Nam nhưng không có quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa lên Fanpage Facebook của công ty. Ngay sau khi video được đăng tải, rất nhiều người sử dụng mạng xã hội bình luận, chia sẻ quan điểm không đồng tình với video này. Yody sau đó gỡ bỏ video và ra thông báo thừa nhận để xảy ra thiếu sót nói trên. Đồng thời nhận trách nhiệm và gửi lời xin lỗi đến người dân Việt Nam.

Sự việc này đã gây ra làn sóng phản ứng mạnh mẽ của cộng đồng. Một số người dùng đã kêu gọi tẩy chay Yody, thậm chí để lại các bình luận tiêu cực trên trang Facebook của doanh nghiệp này.

Mặc dù doanh nghiệp này sau đó đã đưa ra lời xin lỗi và cũng đã bị cơ quan chức năng xử phạt nhưng "vết hằn" vẫn ở lại trong tâm trí của khách hàng. Đây chắc chắn sẽ là một trở ngại kinh doanh của Yody trong năm nay.

Mục tiêu năm 2025 là Công ty thời trang số 1 Việt Nam, đồng thời IPO và trở thành "Kỳ lân" tiếp theo của Việt Nam, tầm nhìn đến năm 2035 trở thành Công ty thời trang số 1 thế giới; tác động tích cực đến xã hội thông qua hoạt động kinh doanh và sản xuất như doanh nghiệp này đề ra.