Hòa trộn riêng – chung

Chuyện rằng nhiều năm về trước, vùng biển Singapura là nơi trú ẩn của loài cá kiếm hung dữ nhiều lần tấn công dân làng ven biển, là nỗi đau đầu của Quốc vương Raja Paduka Sri Maharaja. Tể tướng bày ra giải pháp cho quân mang đao lớn giết cá kiếm nhưng hàng rào lính không cản được, nước biển chuyển đỏ ngầu. Chàng Nadim trẻ tuổi gợi ý Quốc vương dựng hàng rào từ thân cây chuối để bẫy lại cá kiếm. Kế hoạch thành công, dân làng biết ơn, Quốc vương trọng thưởng cho Nadim. Tể tướng đố kỵ đâm lo âu rằng Nadim khôn lớn và tước đi chức vị của hắn, bèn mưu kế triệt tiêu Nadim, đánh vào lòng tin của Quốc vương dành cho chàng. Câu chuyện kết thúc trong cái chết của người anh hùng và nỗi tiếc thương của đức vua và dân làng, để lại bài học sâu sắc về sử dụng nhân tài.

Giữ nguyên cốt truyện và thông điệp, phiên bản tuồng được chuyển thể mang tên “Huyền thoại ngọn đồi đỏ”, dựa trên kịch bản của tiến sĩ người Singapore Chua Soo Pong. Đây là sản phẩm hợp tác giữa Nhà hát Tuồng Việt Nam với Đoàn nghệ thuật kịch múa Singapore, nhằm chào mừng kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Singapore. Chất liệu kịch múa nước ngoài được biến tấu qua hình thức sân khấu cổ truyền tạo màu sắc đa dạng. Trang phục, âm nhạc mang dấu ấn của ba nền văn hóa Trung Hoa, Ấn Độ, Malaysia tạo nên đặc trưng văn hóa Singapore. Chất keo hòa trộn suốt tác phẩm là cấu trúc nghệ thuật của tuồng, toát lên tinh thần Á Đông trong từng chuyển động, lời hát tinh tế, nhẹ nhàng mà sâu lắng.

Tính huyền thoại sử thi và thủ pháp ước lệ sân khấu giúp đem lại nhiều cung bậc cảm xúc cho khán giả, làm toát lên giá trị vượt mọi ranh giới của nghệ thuật. Có nhiều quan niệm khác nhau về câu chuyện chàng Nadim, cũng đã có nhiều phiên bản của các quốc gia dàn dựng vở diễn này, tất cả đều thể hiện đặc sắc văn hóa, ý nghĩa nhân văn và giá trị đạo đức của con người. Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam Phạm Ngọc Tuấn nhận định: “Trên cùng sân khấu, chúng ta thấy được câu chuyện ở đất nước khác, của dân tộc khác nhưng cũng thấy được ước mơ chung là niềm mưu cầu hạnh phúc. Vì vậy, lần hợp tác này là một sự giao lưu, trao đổi giữa các nghệ sĩ nhưng cũng là bồi đắp văn hóa, thúc đẩy quá trình hiểu biết, gần gũi lẫn nhau thông qua nghệ thuật”.

Đặc trưng văn hóa Singapore được thể hiện bằng ngôn ngữ tuồng Việt Nam trong vở diễn Huyền thoại ngọn đồi đỏ
Ảnh: T.Minh

Cầu nối giữa các thế hệ

Bên cạnh việc dàn dựng, trình diễn vở “Huyền thoại ngọn đồi đỏ” (ra mắt ngày 5.8), nghệ sĩ Việt Nam và Singapore cũng cùng nhau thể hiện tiết mục múa “Dưới bóng đa huyền thoại” (ngày 6.8). Các điệu múa chắt lọc hài hòa nét riêng truyền thống Việt và đặc sắc Singapore, tạo ra màn giao thoa văn hóa sinh động. Những sản phẩm hợp tác văn hóa như vậy mở thêm cơ hội đổi mới, thúc đẩy nghệ sĩ và khán giả theo dõi các thể loại nghệ thuật quen thuộc với góc nhìn mới và tiếp thu ý tưởng mới.

Theo đạo diễn Chua Soo Pong, người có nhiều kinh nghiệm làm việc với nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế trong lĩnh vực sân khấu truyền thống, lịch sử lâu đời của nghệ thuật cổ truyền là giá trị quý báu nhưng cũng là thách thức trong bối cảnh hiện đại. Chẳng hạn với sân khấu tuồng, mỗi đất nước sáng tạo khác nhau về múa, âm nhạc, hóa trang, trang phục… tạo nên sự khác biệt dễ thấy. Đặc sắc tuồng Việt Nam không giống với tuồng Trung Hoa, tuồng Hàn Quốc hay tuồng Ấn Độ… Đó là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ, nhưng rõ ràng, càng tôn trọng bao nhiêu lại càng cần mở hướng cho nó phát triển hiệu quả bấy nhiêu. “Ý nghĩa của các sự kiện giao lưu, hợp tác, cho nghệ sĩ các nước cùng biểu diễn, học hỏi, tạo ra sự giao thoa tuyệt vời. Cuối cùng để có được cầu nối giữa các thế hệ, giữa các quốc gia trong nghệ thuật truyền thống”.

Có thể thấy sản phẩm hợp tác giữa Việt Nam – Singapore mang ý nghĩa thiết thực không chỉ với tuồng mà sân khấu cổ truyền Việt Nam nói chung. Cấu trúc chất liệu của các vở diễn đó vẫn mang đậm phong cách truyền thống nhưng đã khác nhiều, sinh động hơn, kéo khán giả hiện đại đến gần hơn.

Nghệ sĩ Nguyễn Thế Vinh, nguyên Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam phân tích, trước nghệ thuật sân khấu cổ truyền hạn chế trong giao lưu, biểu diễn ở nước ngoài cũng như kết hợp với nghệ thuật các nước. Điều này có nhiều thay đổi trong mấy năm trở lại đây, như âm nhạc cổ truyền cũng bước ra hòa cùng âm nhạc cổ điển phương Tây, tạo nên màu sắc hấp dẫn, mới lạ. “Những bước đi này là cần thiết để nghệ thuật cổ truyền như tuồng, chèo, cải lương… có thể hòa nhập, giao lưu quốc tế, làm cho đặc sắc Việt Nam được biết đến nhiều hơn. Những đặc sắc riêng đó kết hợp với nhau làm nên bông hoa đẹp cho nghệ thuật”.

“Từ việc hợp tác chuyển thể kịch bản, cùng dàn dựng, biểu diễn, nghệ sĩ Việt Nam có cơ hội học tập phong cách làm việc của nghệ sĩ nước bạn. Đồng thời, đây cũng là cơ sở để quảng bá rộng hơn uy tín cũng như đặc sắc truyền thống nghệ thuật Việt Nam, trong đó có sân khấu tuồng ra quốc tế. Trong bối cảnh văn hóa truyền thống đang gặp nhiều thách thức ở trong nước, việc đi ra quốc tế ít nhiều sẽ có hiệu quả tác động ngược lại”.

Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam Phạm Ngọc Tuấn

Theo báo Đại biểu nhân dân