Trong những thập kỷ gần đây, sau những thăng trầm của nghề điêu khắc gỗ mỹ nghệ truyền thống ở Việt Nam, nghề điêu khắc gỗ mỹ nghệ ở Việt Nam đã có những bước phát triển cả về chiều rộng cũng như chiều sâu. Điều đáng nói hơn cả là cùng với nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong và ngoài nước về các sản phẩm gỗ mỹ nghệ truyền thống là có một lớp nghệ nhân mới đã và đang tiếp tục giữ gìn nghề truyền thống cao quý này, đồng thời áp dụng những công nghệ mới vào từng sản phẩm để mỗi sản phẩm không chỉ thăng hoa hơn về giá trị nghệ thuật mà còn nâng cao giá trị thương mại mang về nguồn thu nhập đáng kể cho những người làm nghề này.

Điều này được chứng minh trong những bước đi chậm mà chắc ở làng nghề điêu khắc gỗ mỹ nghệ truyền thống Đông Giao (Hải Dương).

Ngược dòng lịch sử, làng nghề điêu khắc mỹ nghệ Đông Giao là một trong những làng nghề nổi tiếng nhất Việt Nam. Làng Đông Giao thuộc xã Lương Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Đông Giao xưa thuộc tổng Mao Điền, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Đông thời nhà Lê. Làng có 3 thôn: Chay, Đông Tiến, Sở. Năm 1948 Đông Giao nhập vào các thôn cận kề tạo thành xã Lương Điền.

Nghề trạm khắc ở Đông Giao có từ thế kỷ thứ 17 và đã tạo dựng được tiếng tăm. Cũng chính vì vậy nên vào thời nhà Nguyễn, đã triệu tập những người thợ giỏi của Đông Giao tiến kinh phục dịch trạm khắc.

Ngoài ra đôi bàn tay tài hoa của người thợ Đông Giao còn in dấu ở rất nhiều công trình kiến trúc nổi tiếng trên mọi miền đất nước.

Tiếp nối truyền thống đầy tự hào của làng nghề có hơn 300 năm tuổi, đến nay làng nghề Đông Giao vẫn luôn phát triển không ngừng. Nhiều cơ hội từ thị trường cùng với những thuận lợi từ sự tạo điều kiện trong các chính sách của Đảng và Nhà nước là việc áp dụng KHCN với những thiết bị, công cụ chuyên nghề đã góp phần thổi hồn, tạo tác những tác phẩm gỗ mỹ nghệ ở Đông Giao ngày càng có giá trị và được người thụ hưởng trong và ngoài nước đánh giá cao, sức tiêu thụ các sản phẩm ngày một tăng đã nâng cao mức thu nhập cho người dân ở đây, đồng thời tiếp tục giữ được lửa nghề truyền thống ở Đông Giao ngày càng tỏa sáng.

Cũng chính vì nhu cầu và những yếu tố thuận lợi kể trên, cùng với tinh thần nhiệt huyết của một thế hệ trẻ thợ điêu khắc, nghệ nhân, doanh nghiệp. Tất cả đã cùng nhau gìn giữ ngành nghề truyền thống và đưa làng nghề lên một tầm cao mới trong nghệ thuật điêu khắc cũng như sự phát triển.

Nhà sử học Dương Trung Quốc - Tổng thư ký hội Khoa Học Lịch Sử Việt Nam về thăm làng nghề và giao lưu tại cơ sở điêu khắc Tượng gỗ Nguyễn Hồng.

Theo Nhà sử học Dương Trung Quốc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam: “ Trong những năm gần đây, nhiều lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là nghệ thuật điêu khắc tượng gỗ có những thay đổi rất là tốt.

Thứ nhất, nước mình là nước có tài nguyên về gỗ rất đa dạng, phong phú và cũng là cửa ngõ nhập rất nhiều nguồn gỗ từ nước ngoài về. Từ đó tạo lên nền công nghiệp mỹ thuật trong nước.

Thứ hai, ngoài tài năng, sự điêu luyện của người nghệ nhân, thì còn có một sự thay đổi rất lớn từ công cụ nghề (máy công cụ hỗ trợ). Điều đó giúp cho như sự nối dài đôi bàn tay của người thợ giúp chất lượng sản phẩm ngày càng tốt.

Những điều đó kết hợp với cách tư duy, thẩm mỹ của người Việt Nam giúp chúng ta có sức cạnh tranh với các mặt hàng điêu khắc mỹ nghệ của các nước trong khu vực. Một điều nữa chúng ta có sức cạnh tranh đó là giá cả nhân công của Việt Nam chúng ta thấp so với mặt bằng chung. Nhưng tôi hy vọng các làng nghề truyền thống phát triển, và sẽ có mức đãi ngộ đối với các nghệ nhân ngày càng cao.

Tôi đã đi nhiều cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ ở Việt Nam, mỗi nơi có những nét riêng. Ở làng nghề điêu khắc gỗ mỹ nghệ Đông Giao - một làng nghề có truyền thống lâu đời về nghề điêu khắc gỗ mỹ nghệ trong lịch sử nghề thủ công ở Việt Nam, làng nghề Đông Giao có một lớp nghệ nhân đã tiếp nối truyền thống và khẳng định tài năng của mình trong từng tác phẩm điêu khắc gỗ, mỗi tác phẩm đều có sức lan tỏa về giá trị kỹ, mỹ thuật. Trong làng nghề này đơn cử như cơ sở Nguyễn Hồng đã có những tác phẩm rất tinh tế. Đặc biệt là đề tài mà tôi yêu thích đó là về hình tượng ngài Đạt Ma sư tổ trong Phật giáo".

Tác phẩm điêu khắc tượng Quốc Công Tiết Chế - Hưng Đạo Vương.

Ở làng nghề Đông Giao hiện nay có khoảng 100 hộ gia đình đã đầu tư chuyên sâu vào nghề này trong những hộ làm nghề, cơ sở đồ gỗ Nguyễn Hồng (thành lập năm 2018) trong nhiều năm qua đã khẳng định được vị thế thương hiệu của mình bằng chất lượng, độ tinh xảo, sắc thái riêng ở từng tác phẩm. Các tác phẩm mỹ nghệ của Nguyễn Hồng đến nay đã có mặt ở rộng khắp các tỉnh thành trong nước và hàng chục quốc gia trên thế giới. Chủ cơ sở Nguyễn Hồng - Nguyễn Hồng Lê cho biết "khi chọn và đầu tư mạnh mẽ vào nghề truyền thống khó tính này, chúng tôi đã xác định là đầu tư chuyên sâu nâng giá trị truyền thống ở từng tác phẩm, từng sản phẩm của mình. Hiện nay Tượng gỗ Nguyễn Hồng với đội ngũ nghệ nhân và thợ điêu khắc trẻ tuổi tài năng, đã luôn nỗ lực, cùng sự hỗ trợ của công cụ máy cầm tay luôn luôn học hỏi, lắng nghe, sáng tạo đã thổi hồn vào những phôi gỗ vô tri vô giác. Làm tăng giá trị nghệ thuật cũng như lưu trữ giá trị của gỗ quý. Cùng chung tay gìn giữ và phát triển làng nghề điêu khắc truyền thống Đông Giao. Với tình hình phát triển hiện nay, có nhiều anh em thợ với tuổi trẻ, lòng nhiệt huyết đang rất nỗ lực cố gắng để đưa những tác phẩm điêu khắc nghệ thuật đến với người dân cả nước, cũng như sang các nước bạn.

Và để làm được điều đó thì tất cả các khâu đều cần đạt được những chuẩn mực nhất định: việc đầu tiên là lựa chọn được những phôi gỗ chất lượng, phù hợp với tạo hình. Sau đó là lên ý tưởng, phác thảo trên gỗ và tiến hành tạo hình và điêu khắc, làm tinh và PU... Lợi thế của cơ sở chúng tôi là nằm tại làng nghề, với đội ngũ anh em thợ tay nghề cứng và nghệ nhân thâm niên, luôn học hỏi và trau dồi kinh nghiệm. Vì vậy những tác phẩm điêu khắc ra được đông đảo anh em tiêu dùng trong nước đón nhận. Một phần xuất sang các nước có cùng nền văn hóa mỹ thuật".

Tác phẩm điêu khắc Tượng Vinh Quy Bái Tổ.

Như vậy, để tiếp tục giữ lửa cho một nghề truyền thống ở Việt Nam mang phong cách Việt Nam, sắc thái riêng của đồ gỗ mỹ nghệ Việt Nam là điều không đơn giản. một sớm một chiều. Để phát triển nghề điêu khắc gỗ mỹ nghệ ở Việt Nam và định vị được thương hiệu của mình là cả một quá trình tâm huyết và một bản lĩnh của các nghệ nhân Việt Nam nói chung và các nghệ nhân ở làng nghề Đông Giao nói riêng. Ghi nhận từ làng nghề Đông Giao đã cho thấy nếu với nhận thức đúng về giá trị của nghề truyền thống và biết đắp bồi bởi trình độ sáng tạo, áp dụng KHCN phù hợp với nhu cầu từ thực tiễn sẽ góp phần nâng cao vị thế của các làng nghề điêu khắc gỗ mỹ nghệ truyền thống ở Việt Nam vững vàng đi tới tương lai./.