Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Trong bối cảnh Thủ tướng Đức Angela Merkel vừa vượt qua được cửa ải bế tắc chính trị kéo dài suốt 5 tháng qua và chính thức bước vào nhiệm kỳ thứ 4, trọng tâm chuyến công du của Tổng thống Pháp Macron đến Berlin lần này phải kể đến là tham vọng cải tổ châu Âu như ông cam kết ngay từ khi đắc cử.
Đặc biệt, khi châu Âu vẫn đang tiếp tục đối diện hàng loạt thách thức như chia rẽ nội bộ, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, hoài nghi châu Âu hay vấn đề “hậu Brexit”, ông Macron kỳ vọng, sự tái hợp của hai nhà lãnh đạo hai quốc gia đầu tàu châu Âu có thể kiến tạo một tương lai khởi sắc cho khu vực.
Trong bài phát biểu tại Nghị viện châu Âu mới đây cũng như trả lời báo chí, Tổng thống Pháp Macron khẳng định, đã đến lúc số phận châu Âu cần được định đoạt, và rằng, một chiến lược cải tổ sâu rộng châu Âu sẽ được Pháp và Đức sớm đưa ra.
Các mong muốn cải cách cụ thể mà Pháp đặt ra và muốn nước Đức ủng hộ trước tiên là việc thiết lập một dạng như “quỹ tiền tệ” chung của châu Âu, sử dụng khoảng 500 tỷ euro trong Cơ chế bình ổn (EMS) của khối để kích thích đầu tư. Tuy nhiên, đây cũng là điểm đang gây tranh cãi mạnh nhất trong nội bộ chính trường Đức, với xu hướng rõ rệt đang nghiêng về phe thận trọng, không muốn nước Đức quá hào phóng với các cơ chế tài chính tại châu Âu.
Một trong những ý tưởng đáng chú ý của ông Macron là muốn đưa EU tiến lên phía trước thì những ai không đi theo con đường này sẽ phải chấp nhận ở “bên lề” châu Âu.
Tổng thống Pháp đang nhắc lại ý tưởng về việc xây dựng một châu Âu “hai tốc độ” hay thậm chí là nhiều tốc độ. Cụ thể, từ khi lên làm Tổng thống Pháp thì ông Emmanuel Macron luôn cho rằng với việc châu Âu có 27 thành viên như hiện nay và các quyết định đều phải thông qua với cơ chế đồng thuận, tức 1 thành viên có thể phong toả quyết định của cả khối, thì châu Âu sẽ rất khó đưa ra được các quyết định táo bạo mang tính cải cách.
Vì thế, Tổng thống Pháp cho rằng cần phải chia châu Âu ra thành các nhóm có trình độ phát triển và mức độ cam kết hội nhập vào khối khác nhau, ví dụ như nhóm các quốc gia sáng lập ra Liên minh châu Âu như Pháp, Đức, Bỉ, Hà Lan, Italy… sẽ là một nhóm trung tâm, còn lại là nhóm các nước gia nhập Liên minh muộn hơn, như nhóm Trung-Đông Âu hay nhóm Nam Âu.
Đây là một đề xuất gây ra nhiều tranh cãi của ông Macron bởi các thành viên Trung-Đông Âu như Ba Lan, CH Séc hay Hungary cho rằng như thế không khác gì xếp các nước này là thành viên hạng 2 của khối. Tất nhiên, lý lẽ mà ông Macron đưa ra để bảo vệ quan điểm của mình, đó là các nước trong nội bộ Liên minh có trình độ phát triển không đồng đều nên không thể để tất cả cùng phát triển chậm lại.
Thêm một yếu tố nữa khiến cho nhiệm vụ thuyết phục nước Đức của ông Macron thêm khó khăn, đó là vai trò của đảng Dân chủ xã hội SPD trong chính phủ liên minh tại Đức cũng bị giảm sút nên đảng này, vốn được coi là đồng minh với ông Macron tại châu Âu, không thể ủng hộ ông Macron mạnh như dự đoán ban đầu.
Mặc dù rất tham vọng và cũng nhận được nhiều sự chờ đợi tại châu Âu nhưng ở thời điểm này, các kế hoạch cải tổ châu Âu của ông Macron đang gặp trở ngại lớn từ phía Đức và bộ đôi Pháp-Đức cũng không hợp tác suôn sẻ như mong đợi trước kia.

Duy Khánh (tổng hợp)