Theo đề án sau khi lập Tổng cục, 305 Đội và 25 Cục quản lý thị trường cấp tỉnh sẽ được thu gọn, sắp xếp lại. Riêng năm 2019, mục tiêu kiện toàn 38 cơ quan quản lý thị trường cấp tỉnh thành 19 cơ quan liên tỉnh, thành phố.

Tổ chức quản lý thị trường ở trung ương gồm Văn phòng Tổng cục và 4 Vụ (Vụ Tổ chức cán bộ; Vụ Tổng hợp – Kế hoạch – Tài chính; Vụ Chính sách – Pháp chế; Vụ Thanh tra – Kiểm tra) và Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường.

Điểm mới nhất ở sự thay đổi, cơ cấu lần này là quản lý thị trường sẽ được tổ chức theo ngành dọc. Cụ thể, khác với trước do địa phương quản lý, tới đây các Cục Quản lý thị trường tỉnh, thành phố sẽ chịu quản lý trực tiếp của Tổng cục. Đội quản lý thị trường cấp huyện, quận… trực thuộc Cục cấp tỉnh, thành phố quản lý.

Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh và Đội quản lý thị trường cấp huyện có tư cách pháp nhân, con dấu riêng và được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước theo quy định của pháp luật.

Về chức năng, Tổng cục sẽ tham mưu, giúp Bộ trưởng Công Thương quản lý và tổ chức thực thi pháp luật về phòng, chống, xử lý các hành vi kinh doanh hàng hoá nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ; hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ…

Cơ quan này có nhiệm vụ thu thập tài liệu, chứng cứ, lấy mẫu sản phẩm hàng hóa, tang vật, phương tiện có dấu hiệu vi phạm, trưng cầu giám định, kiểm nghiệm mẫu vật là hàng hóa, tài liệu, giấy tờ, vật chứng liên quan đến vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân; xử lý vi phạm hành chính. Ngoài ra, Tổng cục sẽ kiểm tra nội bộ, giải quyết khiếu nại, tố cáo; xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến lực lượng quản lý thị trường theo quy định của pháp luật…

Tổng cục Quản lý thị trường cũng có nhiệm vụ soạn thảo và trình cấp có thẩm quyền các quyết định, nghị quyết liên quan tới tổ chức, hoạt động, chế độ chính sách với lực lượng quản lý thị trường…

Minh Anh