Đất nước hòa bình, thống nhất, những chiến sĩ thanh niên xung phong năm nào lại trở về với quê hương. Tiếng bom không còn, nhưng tiếng hát của một thời oanh liệt thì vẫn còn vẹn nguyên, vẫn bất chợt vang lên trong cơn ký ức ùa về: “Mùa xuân đến rồi, bản làng ơi/ Thư Bác Hồ dậy vang nơi nơi/ Giành chiến công vang dội khắp hai miền/ Bác Hồ gọi đây là mùa xuân đến…”. Không còn nữa những màn tra tấn độc ác, mà thay vào đó là sự bình yên dịu nhẹ trở về. Nhưng, những xúc cảm lâng lâng ấy chưa giây phút nào được trọn vẹn, những người lính năm xưa lại phải tiếp tục chiến đấu với bệnh tật, với những đau đớn do di chứng chiến tranh để lại.

Hầu hết họ đều gặp phải những vấn đề về tâm lý thần kinh, bị hạn chế về khả năng nhận thức cũng như hành động. Những mảnh ghép ký ức của chiến tranh vẫn còn đó, ám ảnh hàng ngày trong trí nhớ mơ hồ của những người lính đã từng xông pha trận mạc. Trò chuyện với tôi sau giờ cơm trưa, thương binh Trần Văn Trọng, hiện đang được chăm sóc điều trị tại Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Kim Bảng (Hà Nam), trước là chiến sĩ thuộc Sư đoàn 361 chậm rãi kể lại câu chuyện về một thời hoa lửa của mình cùng tháng ngày chỉ gắn bó với súng đạn, với những lần tưởng chừng như chẳng thể trở về. Những gì ông kể được chắp vá, rời rạc, ngắt quãng bởi cơn ho dai dẳng, của vết tích do chấn thương sọ não để lại. Ánh mắt vô hồn cứ thế chìm vào khoảng không vô vọng, bất chợt nhòe đi khi kể về đồng đội, những người đã từng là anh em, là gia đình, là máu thịt: “Những ngày này, tôi vui vì được nhận hoa, nhận quà từ mọi người, nhưng lại tủi vì chẳng còn những người đồng chí năm xưa nữa, họ nằm xuống cả rồi”.

Theo các bác sĩ điều trị tại đây, mỗi thương binh đều mang trong mình những nỗi đau riêng. Có người chưa đêm nào ngon giấc bởi cơn đau từ những vết thương để lại; những bác nặng hơn thì mất gần như hoàn toàn khả năng nhận thức, dù đã quá cái tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng khi được hỏi, bác vẫn trả lời: “Tôi năm nay mới 20 tuổi, chuẩn bị lên đường nhập ngũ cô ạ”. Có lẽ, từ trong tiềm thức, họ vẫn mãi tự hào vì mình đã từng là những người lính trẻ, sẵn sàng xung phong, và văng vẳng đâu đó, họ vẫn nghe “Tổ quốc gọi tên mình”.

Một thương binh đang điều trị tại Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Kim Bảng (Hà Nam)

Cuộc chiến tranh vệ quốc nào cũng đều phải chấp nhận mất mát, chấp nhận đau thương. Đau đớn thay những người lính trẻ năm nào giờ chỉ có thể nằm một chỗ, chiến đấu với bệnh tật; và xót xa khi nhớ về những người đã ngã xuống, họ hy sinh hơn cả một phần máu thịt, đó là cả cuộc đời, là thanh xuân, những con người “mãi mãi tuổi hai mươi”.

Nhưng có lẽ, nỗi đau đớn hơn cả chính là những di chứng, ảnh hưởng để lại cho thế hệ sau, cho những đứa trẻ có cha từng tham gia chiến đấu. Trở về từ cuộc kháng chiến chống Mỹ, ông Hoàng Văn Huê được xác định là thương binh ¼, hạng đặc biệt, thiệt hại 91% sức khỏe, phải cắt 2/3 dạ dày, chứng tâm thần rối loạn, viêm loét giác mạc phải mổ cả hai mắt và bệnh phổi mãn tính luôn tái phát mỗi khi trái gió trở trời. Ông may mắn được vợ là bà Ứng Thị Thanh Tâm nguyện chăm sóc, thay ông gánh vác những nhọc nhằn suốt phần đời còn lại. Nhưng cuộc đời dường như quá nghiệt ngã với người phụ nữ nghị lực và mạnh mẽ như bà Tâm, khi thứ chất độc màu da cam đã nhiễm vào mảnh đời thơ dại của hai người con trong gia đình. Quy luật nhân sinh bình thường “ba tháng biết lẫy, bảy tháng biết bò, chín tháng lò dò biết đi” đã trở nên quá xa vời với hai người con bất hạnh ấy. Cả hai người con của ông bà đều bị bại não, liệt toàn thân từ nhỏ, ánh mắt đờ đẫn, dại đi trên khuôn mặt vô cảm như những người bàng quan với cuộc sống. Và rồi, sau bao nỗ lực cứu chữa, người anh cả đã ra đi ở tuổi 40, qua đời khi chưa từng một lần cất tiếng gọi “mẹ”, gọi “cha”. Giờ đây, ông bà chỉ còn lại cô con gái đã lớn tuổi, với thân hình bé nhỏ, vẫn ngày ngày chống chọi bệnh tật, những cơn đau lúc trái gió trở trời, và những liều thuốc ngủ hằng đêm….

Dịp 27/7 này, kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh, liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2020) những bó hoa, phần quà và từng nén nhang lại được trân trọng gửi tới các thương binh, liệt sỹ, thể hiện lòng tri ân của thế hệ sau tới những người đã ngã xuống, hay đã để lại một phần máu thịt và cả thanh xuân cho đất nước đứng lên. Chiến tranh đã lùi xa, đất nước ngày một phát triển về mọi mặt, nhưng với những thương binh nặng như ông Huê, ông Trọng, hay những người con của họ vẫn đang ngày ngày chịu đựng sự đớn đau thể xác lẫn tinh thần. Đó cũng chính là minh chứng cho sự tàn khốc của chiến tranh, giúp ta trân quý hơn mỗi giây phút bình yên hôm nay. Và, đó cũng là động lực cho chúng ta, những người đang sống hôm nay nỗ lực hơn để đưa đất nước tiến lên, hùng cường, để không hoài phí máu xương của cha anh đã đổ xuống.

PHƯƠNG MAI