Tu Mơ Rông (Kon Tum): Tổ chức chuỗi hoạt động bảo tồn văn hoá, nâng tầm dược liệu
Từ ngày 25/4- 26/4, huyện Tu Mơ Rông tổ chức Hội thi “Ẩm thực dược liệu – tinh hoa núi rừng Ngọc Linh” và công bố xác lập kỷ lục Việt Nam về 120 món ăn chế biến từ sâm dây.
Tham dự hội thi có 20 đội tham dự, bao gồm 11 đội đến từ 11 xã, hợp tác xã trên địa bàn; 9 đội khách mời đến từ quốc gia Campuchia, Lào, Trung Quốc, Thụy Sỹ và các tỉnh, thành phố như: Chi Hội Đầu Bếp Kon Tum, Câu Lạc Bộ Bếp Trẻ Spc; Câu lạc bộ Ẩm Thực Chay Spc; Câu lạc bộ Bếp Bánh Spc; Câu lạc bộ Bếp Âu Spc; Câu lạc bộ Bếp Việt Spc; Nhà Hàng Ẩm Thực Chất Garden…
Tại hội thi, các đội đã trổ tài chế biến ít nhất 6 món ăn chính có thành phần từ cây dược liệu sâm dây Tu Mơ Rông và các món ăn khuyến khích mang hương vị địa phương mình.
Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, đây là lần thứ 2 huyện tổ chức Hội thi ẩm thực dược liệu. Khác với lần trước, hội thi lần này mang tầm quốc tế khi có sự tham gia của các đầu bếp giỏi đến từ nhiều quốc gia. Dù bất đồng ngôn ngữ nhưng bằng tình yêu ẩm thực, các đầu bếp quốc tế đã lặn lội đến Tu Mơ Rông để cùng người đồng bào Xơ Đăng sáng tạo những món ăn giàu dinh dưỡng từ cây đặc sản sâm dây.
“Việc được xác lập kỷ lục Việt Nam 120 món ăn được chế biến từ sâm dây, đã khẳng định giá trị, chất lượng, sức hút của sâm dây Tu Mơ Rông so với sâm trồng ở các vùng, địa phương khác. Qua hội thi, huyện sẽ in thành sách công thức chế biến các món ăn từ sâm dây Tu Mơ Rông, sau đó phát hành rộng rãi để mọi người, mọi nhà trên đất nước Việt Nam và thế giới có thể tự tay chế biến cho người thân sử dụng”, ông Mạnh thông tin.
Cũng theo ông Mạnh, sâm dây là cây dược liệu chủ lực của địa phương. Huyện đang khuyến khích người dân chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng sâm dây; đồng thời kêu gọi doanh nghiệp có tiềm lực vào đầu tư. Tín hiệu vui là đã có doanh nghiệp vào liên kết với dân và mở nhà máy. Khi nhà máy được xây dựng, ngoài 120 món ăn được chế biến từ sâm dây vừa được xác lập kỷ lục nói trên, sẽ có thêm nhiều thức uống, thực phẩm khác từ sâm dây ra đời, góp phần nâng cao sức khoẻ cho người sử dụng.
Nằm trong chuỗi các sự kiện nhằm nâng tầm, tôn vinh cây dược liệu; bảo tồn văn hoá, tạo thêm sinh kế cho đồng bào Xơ Đăng, UBND huyện Tu Mơ Rông tổ chức các hoạt động thu hút đông đảo người dân và du khách như: Liên hoan cồng chiêng, xoan thanh thiếu niên trường học; Thi Triển lãm nghệ thuật “Thắp sáng ước mơ – Thổi hồn vào đá” dành cho giáo viên và học sinh lần thứ 2; Thi giã gạo truyền thống đồng bào dân tộc Xơ Đăng trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông; Cuộc thi Hành trình đi tìm truyền thuyết quốc bảo sâm Ngọc Linh; Thi Video clip Giới thiệu du lịch huyện Tu Mơ Rông.
Thông qua các hoạt động, cuộc thi, giúp các em học sinh tìm hiểu, trau dồi và bảo tồn nét văn hoá đặc trưng riêng có của đồng bào Xơ Đăng, ngoài ra còn giúp các em có thêm nguồn thu từ việc phục vụ du lịch sau này.
Tham gia chuỗi các hoạt động, du khách quốc tế có thể chiêm ngưỡng nét tài hoa của các em học sinh cũng như thưởng thức các tiết mục nghệ thuật, trải nghiệm ẩm thực, văn hoá đặc sắc của người dân đồng bào Xơ Đăng.
Bên cạnh đó, với tiềm năng to lớn về thiên nhiên, văn hoá, đặc sản sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông, du khách khi đến Tu Mơ Rông sẽ được tham quan trải nghiệm, mua sắm những sản phẩm dược liệu có giá trị của dân.
Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, thời đại hiện nay là thời đại công nghệ 4.0. Công tác chuyển đổi số cũng được áp dụng rộng rãi. Trên địa bàn huyện, sâm dây là đặc sản địa phương, là cây giúp dân làm giàu. Thời gian qua, huyện đã đẩy mạnh truyền thông về giá trị cây sâm dây. Truyền thông có nhiều cách, trong đó, mạng xã hội cũng là một kênh quảng bá mang lại hiệu quả nhanh, cao. Việc tổ chức các cuộc thi nhằm khuyến khích người dân chủ động áp dụng công nghệ 4.0 để quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến khách hàng. Khi người dân Xơ Đăng sử dụng thành thạo và biết xây dựng thương hiệu đặc sản thông qua công nghệ, chắc chắn họ sẽ chủ động hơn trong việc bán hàng, từ đó nâng cao thu nhập./.