Thứ trưởng Trần Quốc Khánh – Chủ tịch Hội đồng Cạnh tranh Việt Nam

Thưa Thứ trưởng, ngày 12 tháng 12 năm 2018, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã công bố thông tin về kết quả điều tra vụ việc tập trung kinh tế Grab mua lại Uber. Thứ trưởng bình luận gì về kết luận điều tra?

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh: Theo trình tự, thủ tục điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh, sau khi kết thúc điều tra, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã hoàn tất và chuyển Báo cáo điều tra, Kết luận điều tra cùng toàn bộ hồ sơ vụ việc tập trung kinh tế Grab mua lại Uber đến Hội đồng Cạnh tranh để xem xét xử lý theo luật định. Để bảo đảm cho quá trình xử lý được diễn ra một cách khách quan, công bằng, tôi và các đồng chí lãnh đạo Bộ Công Thương sẽ không bình luận về kết quả điều tra. Tôi chỉ xin khẳng định, đây là kết quả điều tra độc lập, khách quan do Nhóm điều tra viên được phân công thực hiện theo đúng quy định của pháp luật cạnh tranh.

Ngay sau khi Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng công bố kết quả điều tra, đại diện Grab đã có thông tin phản hồi rằng, Grab không vi phạm Luật Cạnh tranh Việt Nam và điểm mấu chốt có thể nằm ở sự khác biệt trong cách hiểu và giải thích của cơ quan quản lý cạnh tranh và của Grab về việc xác định thị trường liên quan. Grab khẳng định các công ty taxi đang hoạt động vẫn là những đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ của những đơn vị cung cấp dịch vụ gọi xe công nghệ như Grab ở tất cả các quốc gia mà Grab đang hoạt động. Thứ trưởng đánh giá thế nào về phản ứng này?

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh: Pháp luật cạnh tranh hiện hành đã có các quy định về việc xác định thị trường liên quan của vụ việc cạnh tranh. Trong quá trình xử lý, Hội đồng Cạnh tranh chắc chắn sẽ xem xét, đánh giá kỹ lưỡng lập luận của các bên, đối chiếu với tình hình thực tế và các quy định của pháp luật trước khi đưa ra kết luận cuối cùng.

Vậy trình tự, thủ tục xử lý vụ việc cạnh tranh sau khi nhận được báo cáo điều tra và hồ sơ vụ việc được thực hiện như thế nào, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh: Sau khi nhận được Báo cáo điều tra và toàn bộ hồ sơ vụ việc cạnh tranh, với tư cách Chủ tịch Hội đồng Cạnh tranh, tôi sẽ quyết định thành lập Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh. Hiện nay, Văn phòng Hội đồng Cạnh tranh, với chức năng giúp việc cho Hội đồng Cạnh tranh, đang hoàn tất các thủ tục để thành lập Hội đồng xử lý. Tôi xin khẳng định một lần nữa là quá trình điều tra đã diễn ra một cách độc lập, khách quan. Tuy nhiên, do tôi cùng lúc được Bộ trưởng Trần Tuấn Anh giao phụ trách các mặt công tác của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng nên trong vụ việc này, cũng như các vụ việc cạnh tranh khác, tôi sẽ không tham gia Hội đồng xử lý để bảo đảm việc xem xét, xử lý được thực hiện khách quan và công tâm.

Thứ trưởng có thể cho biết rõ hơn về việc xem xét, xử lý vụ việc cạnh tranh?

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh: Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận hồ sơ vụ việc cạnh tranh, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh có thể sẽ ra một trong các quyết định, gồm: (i) trả hồ sơ để điều tra bổ sung (60 ngày); (ii) đình chỉ giải quyết vụ việc cạnh tranh; hoặc (iii) mở phiên điều trần để ra xem xét, xử lý vụ việc cạnh tranh. Trong trường hợp mở phiên điều trần, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh phải mở phiên điều trần trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có quyết định mở phiên điều trần.

Quá trình điều tra, xem xét và xử lý vụ việc cạnh tranh có thực sự mang tính độc lập không khi Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng là cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh nằm trong Bộ Công Thương và Thứ trưởng lại giữ vai trò là Chủ tịch Hội đồng Cạnh tranh?

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh: Hiện nay, tại Việt Nam, cơ quan tiến hành tố tụng cạnh tranh bao gồm Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng và Hội đồng cạnh tranh. Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng là đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương, nhưng việc thực thi pháp luật cạnh tranh, nhất là việc điều tra vụ việc cạnh tranh, được thực hiện hoàn toàn độc lập, khách quan và chỉ tuân theo quy định của pháp luật, không phụ thuộc vào các mệnh lệnh hành chính. Tôi tuy là cấp trên của đồng chí Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, nhưng đồng chí Cục trưởng lại có đủ thẩm quyền và chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật về các quyết định trong các vụ việc cạnh tranh nên tôi không thể ra lệnh cho đồng chí ấy. Bên cạnh đó, Hội đồng Cạnh tranh là cơ quan do Chính phủ thành lập, gồm các thành viên do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm nên có thể yên tâm rằng, việc xem xét, xử lý vụ việc cạnh tranh cũng sẽ được thực hiện một cách độc lập, khách quan và chỉ tuân theo pháp luật cạnh tranh.

Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Theo Báo Công thương