Bài 2: “Xé rào” quy định về giao khoán đất nông trường tại Đắk Lắk
Thông báo về việc chặt bỏ các cây trồng xen canh của Công ty Cổ phần Cà phê Thắng Lợi khiến khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng của người dân bị ảnh hưởng - Ảnh chụp ngày 13/11/2022.

“Chặn” khát vọng làm giàu chính đáng!

Theo tính toán của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – NN&PTNT), việc trồng xen cây ăn quả, cây công nghiệp trong vườn cà phê giúp tăng thêm thu nhập từ 50 triệu đồng đến 500 triệu đồng/ha, mang lại nguồn thu nhập ổn định, giúp người dân có điều kiện đầu tư lại vào vườn cây và phát triển kinh tế. Không những vậy, việc trồng xen canh còn có tác dụng cân bằng hệ sinh thái, làm cây che bóng mát, chắn gió, hạn chế bốc hơi nước trong mùa khô.

Từ lợi ích này, nhiều năm qua, Bộ NN&PTNT đã chủ trương xen canh trong vườn cà phê ở các địa phương. Để giúp các địa phương và người nông dân phát huy hiệu quả của việc xen canh, ngày 24/9/2018, Bộ NN&PTNT đã có Quyết định số 3702/QĐ-BNN-TT, ban hành “Quy trình trồng xen cây hồ tiêu, cây bơ, cây sầu riêng trong vườn cà phê vối”. Quy trình này áp dụng tại các vườn cà phê vối trồng thuần bắt đầu trồng xen, vườn cà phê vối tái canh, vườn cà phê vối đã trồng xen các loại cây theo nhiều mật độ và khoảng cách chưa phù hợp trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên.

Qua thống kê của Bộ NN&PTNT ở 5 tỉnh Tây Nguyên và hai tỉnh Đồng Nai, Sơn La cho thấy, diện tích trồng xen canh hiện có gần 178 nghìn ha, chiếm 26,4% tổng diện tích cà phê. Loại hình trồng xen chủ yếu là xen hồ tiêu với 21.804 ha, bơ 19.329 ha, sầu riêng 13.268 ha và một số loại cây khác như mắc-ca, điều, hồng, chanh leo… Tại tỉnh Đắk Lắk, các mô hình trồng xen sầu riêng, bơ, hồ tiêu, điều… trong vườn cà phê tái canh đang được nông dân áp dụng rất hiệu quả, với diện tích trồng xen là 75.742 ha, chiếm 36,08% tổng diện tích.

Bài 2: “Xé rào” quy định về giao khoán đất nông trường tại Đắk Lắk
Nhiều diện tích “đất vàng” dọc Quốc lộ 26 của Công ty Cổ phần Cà phê Thắng Lợi đang bỏ hoang, gây lãng phí - Ảnh chụp ngày 13/11/2022.

Nhưng đi ngược với xu hướng này, Công ty Cổ phần Cà phê Thắng Lợi (tiền thân là Nông trường Thắng Lợi), ở xã Hòa Đông, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) lại chủ trương độc canh cây cà phê. “Lệnh cấm” này được Công ty ban hành bằng văn bản. Tại thông báo số 31/2015/TB-CT ngày 03/05/2015 về việc “Quản lý vườn cà phê của Công ty”, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cà phê Thắng Lợi “lệnh”: “Vườn cà phê khoán gọn tại Công ty chỉ được phép trồng cây chính là cà phê”.

“Đối với số cây tiêu đã trồng bám trên cây muồng đen trong lô trước đây mà Nghị quyết Đảng ủy Công ty đề ra đến năm 2015 phải chặt; nay xét thấy nguyện vọng người nhận khoán xin gia hạn trong điều kiện giá tiêu đang cao, Công ty thống nhất gia hạn thêm thời gian chặt bỏ đến năm 2020”, Thông báo số 31/2015/TB-CT của Công ty Cổ phần Cà phê Thắng yêu cầu.

Ông Hồ Viết Hợi, ở xã Hòa Đông - một hộ nhận khoán của Công ty Cổ phần Cà phê Thắng, cho rằng, Đảng, Nhà nước chủ trương khuyến khích người dân trồng xen canh để phát triển kinh tế gia đình, từ đó góp phần làm giàu cho đất nước. Nhưng Công ty Cổ phần Cà phê Thắng chỉ muốn độc canh cây cà phê; ai trồng sầu riêng, hồ tiêu,…. là Công ty chặt bỏ.

“Người dân chỉ muốn làm giàu cho mình một cách chính đáng, từ đó làm giàu cho Công ty, làm giàu cho quê hương mà Công ty ngang nhiên chặt bỏ, không có một cơ quan có trách nhiệm nào có ý kiến. Liệu có thế lực nào chống lưng để Công ty này tác oai tác quái vậy hay không”, ông Hợi nêu vấn đề.

Có hay không tội hủy hoại tài sản Nhà nước?

Trong đơn thư kêu cứu khẩn cấp gửi các bộ ngành Trung ương và các cơ quan liên quan của tỉnh Đắk Lắk, 798 hộ nhận khoán đất đều bất bình trước “lệnh cấm” đi ngược chủ trương của Công ty Cổ phần Cà phê Thắng Lợi. Bởi, chủ trương trồng xen canh trong vườn cà phê nhận khoán để tăng thu nhập không phải đến bây giờ mà đã được Nhà nước cho phép triển khai từ hàng chục năm trước.

Cụ thể, trong Nghị định 135/2005/NĐ-CP, ngày 08/11/2005 về việc giao đất khoán đất sản xuất nông nghiệp, đất rừng sản xuất, đất có mặt nước nuôi trồng thủy sản trong các nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh, công ty, xí nghiệp nông nghiệp, lâm nghiệp nhà nước, Chính phủ đã có quy định rất rõ điều này. Theo đó, tại điểm c, Khoản 2 – Điều 10 của Nghị định 135/2005/NĐ-CP quy định: “Bên nhận khoán được nuôi, trồng xen cây phụ trợ dưới các loại cây trồng chính, dưới tán rừng theo hướng dẫn của bên giao khoán và được hưởng 100% sản phẩm nuôi, trồng xen đó”.

Bài 2: “Xé rào” quy định về giao khoán đất nông trường tại Đắk Lắk
Sân vận động nằm cạnh Quốc lộ 26 thuộc quản lý của Công ty Cổ phần Cà phê Thắng Lợi bị bỏ hoang - Ảnh chụp ngày 13/11/2022.

Quy định này là nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa bên nhận khoán, bên giao khoán và Nhà nước; tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an ninh, quốc phòng trên địa bàn. Đến thời điểm này, Nghị định 135/2005/NĐ-CP vẫn còn hiệu lực thi hành.

Nhưng “lách” quy định của pháp luật, Công ty Cổ phần Cà phê Thắng Lợi không phải là “hướng dẫn” mà là ban hành “lệnh cấm” trồng xen canh. Hộ nhận khoán nào “trái lệnh” thì chặt bỏ.

Trở lại vụ việc vườn cà phê của gia đình ông Nguyễn Thành Giang, ở thôn 19/8, xã Hòa Đông, bị chặt phá nửa đêm về sáng ngày 07/11/2022 để thấy được việc vận hành hoạt động theo “mệnh lệnh hành chính” của Công ty Cổ phần Cà phê Thắng Lợi. Chưa nói đến có vi phạm pháp luật hay không, đối với người nông dân “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, nhìn thành quả lao động bị chặt phá, ai cũng thấy xót lòng.

Bà Nguyễn Thị Thanh, ở thôn 15, xã Hòa Đông, chia sẻ, cũng là một hộ nhận khoán của Công ty Cổ phần Cà phê Thắng Lợi, nhìn vườn cà phê đang trong vụ thu hoạch và hàng chục cây sầu riêng, cây muồng đen nhiều năm tuổi của ông Giang bị đốn hạ không thương tiếc mà bà cảm thấy lo lắng cho số phận của những người nông dân, muốn làm giàu chính đáng từ việc nhận khoán, theo đúng quy định của Nhà nước.

“Nhìn vườn cà phê nửa chín nửa xanh như thế, vườn sầu riêng như thế bị chặt hạ thì người trong cuộc mới thấy xót, chứ nói thì làm sao hiểu hết được. Chúng tôi là nông dân, chỉ biết lam lũ làm ăn; giờ Công ty ứng xử như thế, Tòa án lại đứng về phía Công ty thì coi như chúng tôi xong”, bà Thanh lo lắng nói.

Ở góc độ pháp lý, Tạp chí điện tử Kinh doanh và Phát triển cho rằng, việc Công ty Cổ phần Cà phê Thắng Lợi thuê người chặt phá vườn cà phê của ông Nguyễn Thành Giang lúc gà chưa gáy sáng không chỉ trái pháp luật về Thi hành án Dân sự mà còn có dấu hiệu phạm tội hủy hoại tài sản Nhà nước. Hành vi này đã được quy định tại điều 178 - Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi bổ sung 2017.

Cụ thể, theo văn bản số 688/TB-CCTHADS ngày 08/07/2022 của Chi cục Thi hành án Dân sự huyện Krông Pắk, tổng giá trị của vườn cà phê bị chặt hạ đã được thẩm định là hơn 475,6 triệu đồng; trong đó, giá trị chung là gần 399 triệu đồng. Theo bà Dương Thị Thủy, vợ ông Nguyễn Thành Giang, giá trị chung ở đây bao gồm 49% giá trị vườn cây mà gia đình đã mua theo phương án hợp tác kinh doanh với Công ty Cổ phần Cà phê Thắng Lợi (Công ty góp 51%, vốn từ ngân sách Nhà nước – PV).

“Không những vậy, khi Công ty tiến hành cổ phần hóa từ năm 2016, gia đình tôi đã bỏ thêm tiền lần thứ hai để mua lại một phần giá trị vườn cây mà chúng tôi đã mua trước đó”, bà Thủy cho hay.

Theo tìm hiểu của phóng viên Tạp chí điện tử Kinh doanh và Phát triển, trong phương án Cổ phần hóa của Công ty Cổ phần Cà phê Thắng Lợi thì Nhà nước sở hữu 36% vốn. Ví dụ cụ thể ở vườn cà phê của ông Nguyễn Thành Giang thì có gần 399 triệu đồng là giá trị chung; trong đó có 36% thuộc sở hữu Nhà nước. Vị chi, khi Công ty Cổ phần Cà phê Thắng Lợi thuê người chặt bỏ vườn cà phê và tài sản thuộc phần sở hữu của ông Giang là 272 triệu đồng, cũng đồng nghĩa hủy hoại đi 36% vốn Nhà nước nắm giữ; tương đương 98 triệu đồng. “Kịch khung” của hành vi phạm tội này được quy định tại Bộ luật Hình sự là 7 năm tù.

Vì sao hộ nhận khoán “đình sản?

Không chỉ riêng gia đình ông Giang mà tất cả các hộ nhận khoán ở xã Hòa Đông đều đang lo sợ sự “lật kèo” trong quá trình thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty Cổ phần Cà phê Thắng Lợi. Nguy cơ bị phá vườn, bị thu hồi đất giao khoán đang treo lơ lửng trên đầu của các hộ nhận khoán ở xã Hòa Đông.

Trong đơn thư kêu cứu khẩn cấp gửi các bộ ngành Trung ương và các cơ quan liên quan của tỉnh Đắk Lắk, các hộ nhận khoán phản ánh: Do làm ăn thua lỗ, đối diện nguy cơ phá sản, ngày 01/01/1998, Công ty Cổ phần Cà phê Thắng Lợi (trước đó là Công ty TNHH MTV Cà phê Thắng Lợi) đã xây dựng Phương án hợp tác đầu tư sản xuất kinh doanh và phân chia sản phẩm với cán bộ, công nhân viên của Công ty. Phương án này được UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt tại Quyết định số 1675/QĐ-UB, ngày 15/8/1998; sau đó được tiếp tục tại Quyết định số 1095/QĐ-UB, ngày 23/5/2001.

Bài 2: “Xé rào” quy định về giao khoán đất nông trường tại Đắk Lắk
Bài 2: “Xé rào” quy định về giao khoán đất nông trường tại Đắk Lắk
Các quyết định phê duyệt Phương án hợp tác đầu tư sản xuất kinh doanh và phân chia sản phẩm giữa Công ty Cổ phần cà phê Thắng Lợi với cán bộ, công nhân viên của UBND tỉnh Đắk Lắk.

Theo phương án hợp tác đầu tư đã được thông qua, Công ty Cổ phần Cà phê Thắng Lợi góp 51% vốn; cán bộ, công nhân viên góp 49% vốn. Dù đã mua 49% giá trị vườn cây để hợp tác kinh doanh sản xuất với Công ty TNHH MTV Cà phê Thắng Lợi, nhưng người dân vẫn phải nộp sản, nộp khoán như trước thời điểm bỏ tiền ra mua cổ phần.

Cụ thể, từ năm năm 1998 đến nay, bên cạnh phải nộp tiền thuê đất (hơn 875 nghìn đồng/ha/năm), các hộ nhận khoán còn phải nộp sản tương đương 7 tạ cà phê nhân/ha/năm. Đáng lẽ, theo hợp đồng hợp tác kinh doanh đã được UBND tỉnh phê duyệt thì các hộ nhận khoán chỉ phải nộp sản 49%, tương đương khoảng 3,5 tạ/ha/năm; nhưng Công ty vẫn thu đúng, thu đủ 7 tạ.

Ngoài ra, Công ty còn thu rất nhiều khoản khác mà các hộ nhận khoán không được biết, không được bàn, không hiểu là khoản thu gì. Trong đó có khoản thu lợi tức, theo lí giải của Công ty là thu để chi phí điều hành, tổ chức sản xuất; chi phí lương cho cán bộ trực tiếp điều hành sản xuất…. Những khoản thu này là hoàn toàn không đúng quy định theo quyết định của UBND tỉnh Đắk Lắk.

Đặc biệt là thu tiền thủy lợi phí, tưới tiêu. Theo phương án hợp tác thì Công ty chi 51%, các hộ nhận khoán chi 49%. Với chi phí bình quân mỗi năm 500 nghìn đồng/ha khâu hao kênh mương, hồ đập, thì các hộ nhận khoán chỉ phải nộp 245 nghìn đồng/ha/năm. Tuy nhiên, Công ty vẫn thu đúng 500 nghìn đồng/ha/năm đối với các hộ đã bỏ tiền ra mua 49% giá trị vườn cây, từ năm 1998 đến nay…

Niên vụ 2018 – 2019, bị mất mùa do thiên tai; kế đó là gần 2 năm vật vã chống chọi với đại dịch Covid – 19, các hộ nhận khoán đề nghị Công ty xem xét, điều chỉnh hạ mức nộp sản để đồng hành cùng khó khăn của người nông dân. Tuy nhiên, Công ty Cổ phần Cà phê Thắng Lợi không chấp thuận; cùng với những mâu thuẫn do những mập mờ của Côn ty trong cổ phần hóa nên các hộ nhận khoán quyết định “đình sản” – tức là tạm dừng nộp sản để chờ giải quyết thảo đáng. Để ‘răn đe” 798 hộ nhận khoán, Công ty Cổ phần Cà phê Thắng Lợi đã đệ đơn kiện 09 hộ dân ra Tòa án, buộc các hộ nhận khoán phải trả lại đất.

Trong Báo cáo số 958/BC-UBTVQH13 ngày 17/12/0214 về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường (NLT) quốc doanh giai đoạn 2004 – 2014, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đánh giá, nhiều NLT thực hiện bán vườn cây, hoặc khoán trắng dẫn đến không quản lý được sản xuất do người nhận khoán cho rằng vườn cây, đất giao khoán là của người lao động tự đầu tư nên không chấp nhận việc quản lý về đất đai và điều hành sản xuất của NLT.

Mối quan hệ giữa NLT với người nhận khoán không còn nguyên nghĩa là mối quan hệ giữa chủ sử dụng lao động và người lao động mà chuyển thành mối quan hệ hợp đồng kinh tế thông qua hợp đồng giao nhận khoán đất. Có thể nói những NLT này chỉ tồn tại trên danh nghĩa, bộ máy quản lý là một tổ chức phát canh, thu tô và tồn tại được là do Nhà nước chưa thực hiện triệt để việc bắt buộc các doanh nghiệp này nộp tiền thuê đất hoặc tiền sử dụng đất.

Tạp chí điện tử Kinh doanh và Phát triển sẽ tiếp tục thông tin các nội dung liên quan.