ISSN-2815-5823
Minh Hằng
Thứ sáu, 06h25 26/04/2024

Nền kinh tế số Việt Nam tăng trưởng mạnh nhất Đông Nam Á

(KDPT) - Thông qua ghi nhận thực tế cho thấy, thị trường Đông Nam Á (ASEAN) đang trở nên ngày càng hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.

Mùa xuân thịnh vượng đang ở phía trước

Mặc dù đang ở trong giai đoạn được xem là “mùa đông gọi vốn”, nhưng Đông Nam Á (ASEAN) vẫn là nơi có nền kinh tế số phát triển nhanh nhất trên thế giới. Theo đó, nền kinh tế số của khu vực này ghi nhận đà tăng 12% vào năm ngoái và dự kiến sẽ đạt tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm là 16%, đến năm 2030 đạt giá trị gần 1 nghìn tỷ USD.

Tiềm năng này được thúc đẩy một phần nhờ dân số 700 triệu người của khu vực Đông Nam Á, trong đó, phần lớn là dân số trẻ, có giáo dục và am hiểu công nghệ cùng với tập người tiêu dùng thuộc tầng lớp trung lưu đang ngày càng tăng trưởng.

Thị trường ASEAN đang trở nên ngày càng hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. (Ảnh minh họa)
Thị trường ASEAN đang trở nên ngày càng hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. (Ảnh minh họa)

Thông qua ghi nhận thực tế cho thấy, thị trường ASEAN đang trở nên ngày càng hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Nhận định này còn được phản ánh qua kết quả khảo sát gần đây của HSBC thực hiện với các doanh nghiệp hoạt động tại ASEAN, cụ thể, 74% trong số đó có ý định tăng cường đầu tư vào khu vực này trong năm nay.

Có thể thấy, quá trình tăng tốc số hóa trong khu vực ASEAN đã được thúc đẩy và hỗ trợ nhờ các chương trình của Chính phủ, từ Singapore đến Indonesia, Việt Nam, Thái Lan, Philippines và Malaysia. 

Tất cả các yếu tố kể trên đã tạo ra cơ hội tuyệt vời cho các doanh nghiệp kinh tế số. Đó là những triển vọng xán lạn dành cho thương mại điện tử, dịch vụ tài chính số, công nghệ xanh, công nghệ y tế, hệ sinh thái xe sử dụng năng lượng và trí tuệ nhân tạo.

Tại Việt Nam, đây là nền kinh tế tăng trưởng mạnh nhất khu vực Đông Nam Á trong năm 2022 và 2023, dự kiến tiếp tục duy trì vị trí này cho đến năm 2025. Đồng thời, Việt Nam cũng được dự báo sẽ sở hữu 67,3 triệu người sử dụng điện thoại thông minh vào năm 2026, chiếm tới 96,9% người dùng Internet. Theo đó, Việt Nam đã trở thành thị trường đi đầu trong ngành công nghiệp số với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Sự phát triển của nền kinh tế số Việt Nam vẫn tiếp tục gây ấn tượng khi vào năm 2023, lĩnh vực này đã đóng góp 16,5% vào GDP với hơn 1.500 doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có doanh thu từ thị trường nước ngoài, tăng hơn 7% so với năm 2022.

Khảo sát của HSBC gần đây cho biết, có 60% doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam cho biết họ dự định đầu tư vào công nghệ và số hóa cho hoạt động kinh doanh hiện tại, trọng tâm là thanh toán số, thương mại điện tử và trí tuệ nhân tạo. Những công ty này tin rằng, việc ứng dụng cũng như nâng cao dịch vụ số sẽ giúp họ đáp ứng các kỳ vọng của khách hàng về sự tiện lợi và cải thiện hiệu quả hoạt động.

Để duy trì sự tăng trưởng, các công ty kinh tế số cần tập trung vào việc kiểm soát chi phí và tăng doanh thu. Đồng thời, họ cũng phải xem xét lại cách tiếp cận của mình trong việc gọi vốn để quản lý chi phí vốn cũng như đảm bảo doanh nghiệp sẽ trụ vững lâu dài.

Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác với những đối tác ở các thị trường khác cũng giúp doanh nghiệp mở rộng phạm vi hoạt động xuyên biên giới hoặc phát triển năng lực mà không phải tự mình đầu tư một khoản lớn. Ngoài ra, việc lựa chọn một đối tác phù hợp cũng có thể tăng cường uy tín cho doanh nghiệp, tăng sức hấp dẫn với khách hàng, đặc biệt liên quan trong bối cảnh hiện tại đó là khiến doanh nghiệp trở nên hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư tiềm năng.

Việt Nam là nền kinh tế tăng trưởng mạnh nhất khu vực Đông Nam Á. (Ảnh minh họa)
Việt Nam là nền kinh tế tăng trưởng mạnh nhất khu vực Đông Nam Á. (Ảnh minh họa)

Khi nền kinh tế số của khu vực Đông Nam Á mở rộng, thương mại điện tử xuyên biên giới cũng sẽ tạo ra cơ hội tăng trưởng cho cả doanh nghiệp kinh tế mới và truyền thống. Việc giúp khách hàng dễ dàng thanh toán thông qua các nền tảng số của doanh nghiệp sẽ là một yếu tố quan trọng tạo ra doanh thu trong thời gian tới.

Có thể thấy, 2 năm vừa qua đã chứng kiến nhiều thử thách trong hoạt động tìm kiếm nguồn vốn cho các doanh nghiệp kinh tế số, nhưng vẫn còn rất nhiều lý do để lạc quan hơn vào năm 2024. 

Sự phục hồi kinh tế đang thúc đẩy tiêu dùng trong nhóm 670 triệu dân ngày càng thịnh vượng hơn khi trung bình cứ 2 giây có một người tham gia vào tầng lớp trung lưu. Khu vực Đông Nam Á sở hữu một trong những tỷ lệ ứng dụng kỹ thuật số cao nhất thế giới, trong khi ngành thương mại điện tử đã vượt qua cột mốc doanh thu 100 tỷ USD vào năm trước.

Các phương pháp tiếp cận tài chính tiên tiến cùng với những điều kiện cơ bản mạnh mẽ của khu vực giúp thúc đẩy tham vọng phát triển của các doanh nghiệp tại Đông Nam Á. Trong đó, Việt Nam với vai trò là một trong những thành viên của khối chắc chắn sẽ được hưởng lợi.

Thị trường tài chính năm 2024 sẽ tích cực hơn

Trong chia sẻ mới đây, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho biết, thị trường tài chính năm 2023 hồi phục với nhiều điểm sáng - tối đan xen nhưng điểm sáng là chủ yếu. Bước sang năm 2024, khu vực tài chính của Việt Nam dự báo sẽ tích cực hơn.

Dự báo, chính sách tiền tệ sẽ theo hướng chủ động, linh hoạt, lãi suất duy trì ở mức thấp để thúc đẩy tăng trưởng. Mặc dù tỷ giá còn chịu áp lực lớn trước khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất, nhưng sẽ dần hạ nhiệt từ cuối quý II/2024 với mức tăng khoảng 2,5-3% trong năm 2024. Cơ cấu cung ứng vốn của nền kinh tế trong năm nay và cả các năm tiếp theo được kỳ vọng chuyển dịch theo hướng tích cực hơn khi giảm dần tỷ trọng kênh tín dụng và tăng tỷ trọng qua kênh thị trường vốn và đầu tư tư nhân. Thanh khoản thị trường cũng được kỳ vọng sẽ cải thiện tích cực.

Năm 2024, khu vực tài chính của Việt Nam dự báo sẽ tích cực hơn. (Ảnh minh họa)
Năm 2024, khu vực tài chính của Việt Nam dự báo sẽ tích cực hơn. (Ảnh minh họa)

Đưa ra giải pháp để phát triển thị trường tài chính, vị chuyên gia cho rằng, cần đồng bộ phát triển thị trường tài chính cân bằng hơn. Cụ thể, cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp nhằm giảm bớt áp lực vốn trung - dài hạn cho hệ thống ngân hàng, hiện thực hóa việc nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên thị trường mới nổi theo đúng với kế hoạch đề ra.

Cùng với đó, nhanh chóng hoàn thiện thể chế quản lý - giám sát thị trường tài chính nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện tại. Đồng thời, tận dụng xu hướng mới, cơ hội mới trong tăng trưởng xanh, tài chính xanh và chuyển đổi số, trong đó bao gồm có Fintech.

TS. Cấn Văn Lực cho rằng, lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech) trên thế giới và cả Việt Nam đã và đang phát triển tương đối mạnh, tuy nhiên không đồng đều cũng như có cách hiểu và cách tiếp cận, quản lý khác nhau. Đa phần hiện nay đều hiểu Fintech theo nghĩa hẹp (là các công ty Fintech), thay vì hiểu theo nghĩa rộng (Fintech là đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực dịch vụ tài chính). Theo kinh nghiệm quốc tế, để quản lý Fintech, có 4 cách tiếp cận chính: Chờ đợi và quan sát; Thử nghiệm và học hỏi; Cơ chế thúc đẩy sáng tạo và Cải cách luật pháp.

Vị chuyên gia nhấn mạnh mỗi cách tiếp cận này đều có ưu và nhược điểm riêng cũng như cần có sự nghiên cứu, đánh giá cẩn thận để vận dụng phù hợp ở từng quốc gia.

Với Việt Nam, ông Lực nhận định Fintech vẫn chủ yếu được hiểu theo nghĩa hẹp với cách tiếp cận quản lý là “chờ đợi và quan sát”. Tuy nhiên, Chính phủ và các cơ quan quản lý gần đây đã chuyển dần sang cách tiếp cận chủ động hơn để hỗ trợ cho hoạt động Fintech và quá trình chuyển đổi số của thị trường tài chính.

Trong tương lai, nhóm nghiên cứu cho rằng Việt Nam nên áp dụng cách tiếp cận “thử nghiệm và học hỏi” một cách rộng rãi hơn, tổng thể hơn với Fintech trên toàn thị trường tài chính, chứ không chỉ riêng lĩnh vực ngân hàng. Đặc biệt, việc thành lập một cơ quan đầu mối quản lý cũng nên được xem xét để có mô hình quản lý Fintech phù hợp hơn.

Bên cạnh đó, cần hoàn thiện sớm Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (Sandbox) cho hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng, tiến tới mở rộng sang các lĩnh vực tài chính khác như chứng khoán, quản lý quỹ, bảo hiểm. Tập trung thúc đẩy hoạt động của các trung tâm đổi mới sáng tạo, cân nhắc việc thành lập Hiệp hội Fintech của Việt Nam.

Tiếp tục nâng cấp hạ tầng số, hạ tầng tài chính, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia bên cạnh năng lực quản lý rủi ro công nghệ thông tin, an toàn thông tin, dữ liệu. Đồng thời, tăng cường đầu tư cho giáo dục tài chính, phát triển nguồn năng lực chất lượng cao cho mảng tài chính và cả công nghệ số, an ninh mạng,.../.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 22/11/2024