Hải Dương, Quảng Ninh quyết liệt dập dịch

Tại Quảng Ninh, sau khi có thông tin về các ca nhiễm, tỉnh này đã ngay lập tức dừng hoạt động vận tải đường bộ, đường thủy và sân bay Vân Đồn, nơi bệnh nhân 1553 làm việc. Ngay trong đêm 27, rạng sáng 28/1, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Quảng Ninh đã họp khẩn để kích hoạt ngay các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh ở mức độ cao nhất khi có thông tin về ca bệnh trên địa bàn. Toàn bộ học sinh, sinh viên từ cấp mầm non đến đại học trong toàn tỉnh sẽ nghỉ học tạm thời từ ngày 28-1 đến hết tuần. Hạn chế tối đa các hoạt động tụ tập đông người, các địa phương dừng các cuộc họp không cần thiết để tập trung cho công tác phòng chống dịch.

Từ 00h00 ngày 29/1 đến hết ngày 21/2, các khu vực: tổ 1, khu 6, phường Hồng Hà (thành phố Hạ Long); các xã: Thủy An, An Sinh, Bình Dương, Nguyễn Huệ (thị xã Đông Triều) thực hiện việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Trong đó, tỉnh Quảng Ninh yêu cầu UBND các cấp thành lập ngay tổ truy vết từ cấp huyện tới các thôn, khu, bản, xã; huy động tối đa lực lượng phục vụ công tác ra soát, truy vết thần tốc, khoanh vùng, dập dịch, xét nghiệm, kiểm soát người đi lại, có tiếp xúc với F0, F1, F2, F3, F4 và thực hiện cách ly tập trung đối với các trường hợp có tiếp xúc gần trong 21 ngày.

Tỉnh Quảng Ninh còn yêu cầu mọi người dân ở nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác; thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, bệnh viện và nơi công cộng.

Tại Hải Dương, nơi xuất hiện hơn 70 ca nhiễm chỉ trong một ngày, với “tâm dịch” là công ty Công ty điện tử POYUN tại Khu công nghiệp Cộng Hòa, Chí Linh, trong ngày 28/1, tỉnh Hải Dương đã tiến hành phong tỏa toàn bộ thành phố Chí Linh trong vòng 21 ngày. Kể từ ngày 29/1, tỉnh Hải Dương cũng tạm dừng toàn bộ hoạt động vận tải hành khách bằng xe khách tuyến cố định, xe buýt, xe hợp đồng, bao gồm cả phương tiện của các tỉnh, thành phố khác trừ các trường hợp được quy định riêng. Cùng với đó, Hải Dương tiến hành các biện pháp giãn cách xã hội trên toàn tỉnh theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng: Dừng các hoạt động tập trung đông người, rà soát các nhà máy trên địa bàn, nhà máy nào không chấp hành nghiêm các biện pháp giãn cách thì sẽ dừng hoạt động. Hải Dương cũng cho học sinh nghỉ tết trước 1 tuần so với quy định. Đồng thời, tỉnh này cũng khuyến cáo người dân hạn chế tập trung nơi đông người, thực hiện thông điệp 5K của Bộ Y tế: Giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, không tụ tập đông người, khử khuẩn và khai báo y tế.

Các chuyên gia đánh giá tình hình dịch tại Hải Dương là rất đáng lo ngại, khi chưa tìm ra được F0 và các ca nhiễm có lịch trình di chuyển phức tạp. Bộ Y tế đã huy động tổng lực trợ giúp Hải Dương trong việc điều tra dịch tễ, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm và điều trị Covid-19. Các đơn vị tham gia chi viện cho Hải Dương gồm Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Trường Đại học Y Hà Nội, Trường Đại học Y tế Công cộng, Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương và Trường Cao đẳng Dược Trung ương – Hải Dương. Một bệnh viện dã chiến với 200 giường cũng ngay lập tức được thành lập, đặt tại Trung tâm y tế TP Chí Linh để điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19.

Bắc Ninh tiến hành giãn cách xã hội toàn bộ xã Lâm Thao trong 21 ngày. (Ảnh: CTTĐT Bắc Ninh).

Các tỉnh, thành khác sẵn sàng đối phó trước nguy cơ bùng phát ổ dịch

Không chỉ tại Hải Dương và Quảng Ninh, Hà Nội và Bắc Ninh, Hải Phòng cũng đã công bố các ca nhiễm Covid-19.

Thành phố Hà Nội ghi nhận “bệnh nhân 1581” ở quận Hai Bà Trưng, liên quan “bệnh nhân 1553”. Đây là ca nhiễm mới tại Hà Nội. Ca nhiễm tại quận Cầu Giấy đêm qua giới chức y tế Hà Nội xác nhận chưa được Bộ Y tế định mã số bệnh nhân.

Hải Phòng ghi nhận “bệnh nhân 1561”, Bắc Ninh ghi nhận “bệnh nhân 1565”. Cả hai liên quan đến ổ dịch tại thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương, tối qua đã được địa phương xác nhận nhiễm. Hiện tại, Bắc Ninh đã tiến hành phong tỏa xã Lâm Thao trong 21 ngày từ 00h ngày 29/1.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngay trong tối qua (28/1), Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của Hà Nội đã tổ chức phiên họp trực tuyến với các quận, huyện, thị xã; xã, phường, thị trấn về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Bí thư thành ủy Vương Đình Huệ yêu cầu thành phố kích hoạt hệ thống phòng dịch ở mức độ cao hơn. Tuy nhiên, ông Vương Đình Huệ cũng cho rằng “Chưa nhất thiết phải giãn cách xã hội nhưng hạn chế tối đa các hoạt động tập trung đông người như liên hoan, tổng kết cuối năm…” và đề nghị cần nghiêm túc thực hiện “5K” của Bộ Y tế. “Chính phủ yêu cầu trong 10 ngày cơ bản phải phong tỏa, kiểm soát được dịch. Vậy, thành phố cũng phải đặt ra mục tiêu khoảng 3 ngày để truy vết tất cả các trường hợp tiếp xúc, không thể chậm hơn”. “Chúng ta phải quyết tâm một lần nữa chiến thắng dịch bệnh này để bảo vệ bình yên cho Thủ đô” – Bí thư Thành ủy nhấn mạnh tại cuộc họp.

Tại thành phố Hồ Chí Minh, cũng trong chiều muộn ngày 28/1, tại cuộc họp với các quận, huyện về phòng, chống Covid-19, ông Võ Văn Hoan – Phó Chủ tịch UBND thành phố cho rằng việc xuất hiện các ca nhiễm Covid-19 tại Hải Dương và Quảng Ninh gây nguy cơ rất lớn lây lan dịch trong cộng đồng, trong đó có thành phố Hồ Chí Minh.

“Nguy cơ nguồn lây nhiễm xâm nhập vào thành phố là rất rõ, đòi hỏi chúng ta phải tăng cường công tác kiểm soát”, ông Hoan nhấn mạnh.

Còn tại Hải Phòng, cơ quan chức năng của tỉnh này đã tiến hành phong tỏa Bệnh viện Trẻ em, khoanh vùng khử khuẩn ngay trong đêm 28-1 sau khi có thông tin về một ca mắc trên địa bàn. Đồng thời, thành phố cũng quyết định thành lập tổ phản ứng nhanh chống dịch Covid-19 do nguyên giám đốc Sở Y tế Phạm Thu Xanh làm tổ trưởng. Hải Phòng có vị trí địa lý nằm giáp Quảng Ninh và Hải Dương, đồng thời có giao thương lớn nên nguy cơ lây nhiễm được cơ quan chức năng đánh giá rất khó lường.

Không chỉ tại các tỉnh, thành có người mắc, trên toàn quốc, các địa phương cũng tiến hành các biện pháp nhằm phòng, chống dịch. Ngày 28/1, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có Công điện yêu cầu các cơ quan, đơn vị thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế, các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh triển khai các giải pháp khẩn cấp phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó nhấn mạnh khẩn trương tổ chức rà soát, truy vết, yêu cầu khai báo y tế tất cả người từ địa phương khác đến địa bàn tỉnh từ sau ngày 14/01/2021; tổ chức các phương án giám sát y tế, cách ly, xét nghiệm PCR các trường hợp từ các vùng dịch đến Thừa Thiên Huế từ sau ngày 14/01/2021.

Tại Đà Nẵng, lãnh đạo TP Đà Nẵng yêu cầu ngành y tế sẵn sàng trang thiết bị và nhân vật lực đề phòng dịch quay lại, đồng thời yêu cầu giữ lại bệnh viện dã chiến Tiên Sơn đến sau Tết Nguyên đán rồi mới tính phương án tiếp theo. TP cũng yêu cầu các địa phương hạn chế tổ chức các hoạt động đông người và bám sát thông tin diễn biến dịch để kịp thời có sự điều chỉnh các sự kiện.

Tại Nghệ An, Sở Y tế yêu cầu Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 cấp huyện chỉ đạo, rà soát, lập danh sách và thông báo ngay cho người dân đã đến và trở về từ tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh. Những trường hợp có tiếp xúc gần với bệnh nhân 1552 và 1553 cần cách ly y tế tập trung, lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 theo quy định.

Tại Bắc Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn yêu cầu từ ngày 28/1, người dân nếu không vì lý do công vụ không được di chuyển đến những nơi có ca mắc bệnh. Trường hợp đặc biệt phải báo cáo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch cấp huyện, thành phố và khi trở về phải thực hiện cách ly y tế theo quy định. Trường hợp đã đến những nơi có ca mắc bệnh từ ngày 14-1 trở lại đây phải khai báo y tế và thực hiện các biện pháp cách ly phù hợp.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Cần Thơ yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố phối hợp với Cảng Hàng không quốc tế Cần Thơ kiểm tra nhiệt độ và sức khỏe của 100% hành khách trên các chuyến bay quốc tế và quốc nội đến cảng từ ngày 28/1/2021. Đối với các chuyến bay xuất phát từ Hải Phòng, Quảng Ninh (nếu có) cần yêu cầu khai báo y tế đối với tất cả hành khách và phi hành đoàn. Người dân đến Cần Thơ phải cài đặt và sử dụng liên tục ứng dụng BlueZone để đảm bảo cho công tác truy vết khi cần thiết.

Hiện nay, tổng số ca nhiễm tại Việt Nam là 1.651, số khỏi 1.430, số tử vong do Covid-19 là 35, bốn người tử vong sau ba đến bốn lần xét nghiệm âm tính. Các bệnh nhân còn lại đa số sức khỏe ổn định, trong đó 14 người xét nghiệm âm tính lần một, 10 người âm tính lần hai và 12 người âm tính lần ba.

DUY KHÁNH

Bạn đang đọc bài viết Các tỉnh, thành triển khai nhiều biện pháp phòng, chống Covid-19
tại chuyên mục Thời sự.
Cung cấp thông tin, liên hệ đường dây nóng:
03694529040977600308.
Hoặc Email: [email protected]
[email protected]